Xem ngay 5 nguyên nhân lây bệnh hắc lào không ngờ đến để phòng tránh
Hắc lào là một bệnh lý viêm da do nấm rất dễ lây nhiễm, nhưng khó chữa dứt điểm. Chính vì thế, chúng ta cần biết rõ nguyên nhân gây bệnh để chủ động phòng tránh ngay từ đầu.
Contents
I. Tổng quan về bệnh hắc lào
1.1. Bệnh hắc lào là gì?
Bệnh hắc lào hay còn được gọi là nấm da, lác đồng tiền. Đây là một bệnh nhiễm trùng da do nấm Dermatophytes gây nên. Thường gặp nhất là 3 loại: Trichophyton, microsporum và epidermophyton.
Là một bệnh lý do nấm ký sinh trên da, nên điều kiện gây bệnh lý tưởng nhất là nóng ẩm. Ở Việt Nam ghi nhận có mùa đông – xuân hoặc xuân – hạ là lúc có nhiều ca phơi nhiễm bệnh này nhất.
1.2. Các vị trí thường bị hắc lào
Bệnh viêm da do nấm dermatophyte ký sinh trên da thường xuất hiện nhiều nhất ở các vị trí gồm có: Đùi, bẹn, chân, đầu. Trong đó:
- Khi xuất hiện ở đùi, bẹn thường là các mảng nấm lớn và lan nhanh ở các vùng da có nếp gấp.
- Khi xuất hiện ở chân thường sẽ có các vết loét ở kẽ ngón chân.
- Khi xuất hiện ở đầu, nấm thường mọc quanh chân nang tóc.
Bên cạnh đó, hắc lào cũng thường xuyên xuất hiện ở các vùng da sáng như mặt, lưng, cổ, ngực hoặc cánh tay. Dạng nấm da này thường không có dấu hiệu rõ ở giai đoạn đầu. Chỉ thấy rõ khi tổn thương có vảy, rõ bờ viền tạo thành các đốm nhỏ màu hồng hoặc nâu trên các vùng da.
1.2. Triệu chứng nhận biết bệnh hắc lào
Tùy vào loại nấm gây bệnh trên các vùng da có thể có nhiều biểu hiện khác nhau. Nhưng nhìn chung sẽ có một vài biểu hiện đặc trưng sau:
· Tổn thương da do nấm có dạng tròn, hoặc bầu dục, có ranh giới rõ ràng và có xu hướng lan ra.
· Vùng da bị bệnh có màu đỏ hồng hoặc nâu.
· Nổi mẩn đỏ một vùng có giới hạn rõ.
· Bề mặt xuất hiện những mụn nước, tập trung phần rìa vùng nổi mẩn.
· Ở giữa vùng da bệnh có dấu hiệu lành thương.
Kèm theo đó là triệu chứng ngứa ngáy da, nhất là về đêm, trời nóng nực, đổ mồ hôi. Khi ngứa ngáy, bệnh nhân có xu hướng cào, gãi làm tổn thương các mụn nước. Khi mụn nước vỡ có thể là môi trường để vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn, mủ vàng, phồng rộp.
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể lây sang các vị trí khác trên cơ thể, tăng mức độ tổn thương trên da hoặc chàm hóa.
1.3. Nguyên nhân gây bệnh hắc lào
Một trong những nguyên nhân gây bệnh hắc lào thường gặp nhất là do thói quen vệ sinh cá nhân kém. Nhất là khi thời tiết nóng ẩm, môi trường xung quanh mất vệ sinh, mặc trang phục ẩm ướt… tạo điều kiện cho vi nấm sinh sôi, phát triển.
Ngoài ra, còn có thể do nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc/ sử dụng thường xuyên với nguồn nước bẩn, ô nhiễm. Do vậy, nấm có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
II. Sự nguy hiểm khi bị bệnh hắc lào
Bệnh hắc lào được xem là bệnh dễ gặp, dễ lây nhiễm. Tuy được đánh giá là bệnh lành tính và không để lại biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Nhưng trong quá trình bị bệnh sẽ khiến da thường xuyên ngứa ngáy, khó chịu. Đồng thời, những tổn thương này còn gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, các tổn thương do hắc lào có thể lây lan ra các vùng da bên cạnh và lan ra toàn thân. Thậm chí có thể để lại sẹo hoặc những mối nguy hiểm sau:
- Hắc lào ăn vào máu: Ngoài tổn thương da, nấm có thể trú ngụ trong máu gây tái phát nhiều lần và ngứa dai dẳng kéo dài.
- Hắc lào chàm hóa: Là tình trạng tổn thương da kéo dài gây sẹo, thâm sạm, bong vảy, nứt nẻ và dày lớp sừng giống biểu hiện của bệnh chàm. Bệnh kéo dài gây nứt da, chảy máu và dễ nhiễm khuẩn. Thâm sạm da tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng thẩm mỹ làm người bệnh tự ti.
- Hắc lào lan rộng: Nếu không điều trị kịp thời, từ một bộ phận trên cơ thể bệnh sẽ lan ra các vùng lân cận và toàn thân. Lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn và cần sự kiên trì của người bệnh.
- Biến chứng rụng tóc: Khi nhiễm nấm vùng da đầu, các nang tóc bị tổn thương và thoái hóa làm tóc rụng nhiều. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị rụng tóc diện rộng và hói đầu.
- Biến dạng móng tay: Sự tác động của nấm làm ảnh hưởng đến keratin của móng. Kết quả làm móng yếu, giòn, dễ gãy, biến dạng và thay đổi màu sắc.
III. 5 nguyên nhân lây bệnh hắc lào thường gặp nhất
Bên cạnh lý do môi trường sống và cách vệ sinh không sạch sẽ thì bệnh viêm da do nấm này rất dễ bị lây nhiễm từ người sang người. Nguyên do lây nhiễm đến từ những lý do rất đỗi quen thuộc có thể điểm đến như:
- Tiếp xúc trực tiếp: vô tình chạm phải vùng da bị bệnh của một người nào đó sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh bám lại trên da bạn và phát triển thành bệnh. Do đó, nên hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
- Mặc chung quần áo: có thể đã được giặt rồi, nhưng cũng không thể đảm bảo đã khử sạch các quả thể nấm li ti còn sót lại trên quần áo. Do đó, khả năng lây bệnh khi mặc chung đồ cũng rất cao.
- Dùng chung vật dụng cá nhân: tương tự như mặc chung quần áo, quả thể nấm gây bệnh có thể bám ở khắp mọi nơi. Chỉ cần đợi một cái chạm của bạn để chúng có thể phát tán tiếp.
- Bơi hoặc tắm chung: không chỉ bám trên vật dụng, quần áo mà những quả thể nấm gây bệnh cũng dễ dàng phát tán ra nước. khi tiếp xúc với nguồn nước này da bạn dễ dàng trở thành ngôi nhà mới cho đám nấm gây bệnh.
- Quan hệ tình dục: sự thân mật gần gũi này rất dễ khiến làn da của bạn ở thành “vùng đất mới” cho nấm gây bệnh tiếp tục “sự nghiệm phá hoại” của nó.
IV. Cách chăm sóc chủ động phòng tránh bệnh hắc lào
Người mắc bệnh hắc lào rất dễ lây lan cho người khác thông qua các sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra đây còn là bệnh rất dễ tái nhiễm. Vì vậy để phòng ngừa hắc lào người bệnh cần áp dụng các biện pháp sau đây:
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ với các biện pháp như dọn phòng sạch thoáng, tránh ẩm mốc; thay chăn, ga giường… thường xuyên
Đồng thời, luôn giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không lười tắm gội, đặc biệt là sau lao động hay chơi thể thao ra mồ hôi.
Loại bỏ thói quen dùng chung đồ
Tuyệt đối, không mặc chung quần áo, đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt là người bệnh hắc lào. Cũng không mặc quần áo còn ẩm ướt. Nên chọn những trang phục thoải mái, chất liệu thấm hút tốt mồ hôi.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh
Cần hạn chế tiếp xúc với da những người mắc bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Những người mắc bệnh hắc lào cũng cần ý thức hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh.
Rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe
Thường xuyên tập luyện thể dục nhằm nâng cao sức đề kháng. Do không phải bệnh lý gây ảnh hưởng đến vận động, nên mọi người có thể thỏa sức chọn bộ môn thể thao yêu thích để rèn luyện sức khỏe. Chỉ cần nhớ nguyên tắc, tắm rửa sạch sẽ sau khi tập thể dục, để hạn chế tối đa điều kiện cho nấm da phát triển gây bệnh.
Cải thiện dinh dưỡng nâng cao đề kháng
Mọi bệnh lý đều bắt nguồn từ việc cơ thể không đủ sức lực chống chọi lại sự xâm nhập của chúng. Chính vì thế, chủ động bồi bổ sức khỏe, nâng cao đề kháng là cách chủ động phòng chống mọi loại bệnh.
Theo đó, mọi người có thể thỏa sức bổ sung dinh dưỡng với chế độ hợp lý, nhiều rau xanh cũng như các chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe cơ thể như: Rau xanh, thịt, cá, các loại hạt… thậm chí là thực phẩm bổ sung chứa kháng thể IgG, lactoferrin…
Đặc biệt, nếu mắc bệnh hắc lào cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ nhằm tránh bệnh tái phát.
Lời kết:
Bản chất, hắc lào là bệnh ngoài da do nấm gây ra. Bệnh xâm hại vùng da trên cơ thể gây ngứa và một vài hệ lụy làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm mỹ, cũng như cuộc sống. Nhưng không phải vì vậy là chúng ta dễ dàng “ngó lơ”. Thay vào đó, hãy chủ động phòng tránh để có được cơ thể khỏe mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng phần tự tin.
Nguồn tham khảo:
https://nhathuocminhthuy.vn/tin-tuc/benh-hac-lao-la-gi
https://khaibaoyte.vn/benh-hac-lao/
https://dizigone.vn/hac-lao-lau-nam-10794/
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ