Viêm phế quản

23 lượt xem

6 triệu chứng viêm phế quản và cách chủ động phòng bệnh đơn giản không ngờ đến

I. Những điều cần biết về bệnh viêm phế quản

1. Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản là bệnh do viêm nhiễm của niêm mạc ống phế quản, thường được biểu hiện qua các triệu chứng như ho và khạc đờm. Có hai dạng chính của viêm phế quản, bao gồm viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính:

  • Viêm phế quản cấp tính: Đây là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc ống phế quản, thường xuất phát từ vi khuẩn, virus hoặc cả hai.
  • Viêm phế quản mãn tính: Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, tình trạng này liên tục kích thích các ống phế quản. Và có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Tình trạng này có thể kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm. Hơn nữa, viêm phế quản mãn tính thường có mức độ nghiêm trọng cao hơn so với viêm phế quản cấp tính.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ mắc viêm phế quản mạn tính ở các khu vực là khác nhau. Cụ thể, viêm phế quản tại nông thôn chiếm tỷ lệ chiếm 3-5%, ở các khu công nghiệp chiếm 8-10%, và 17% còn lại tại các nhà máy. Mỗi năm, có khoảng 8-15% dân số mắc phải tình trạng viêm phế quản. Đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh bao gồm trẻ em và người cao tuổi. Với tỷ lệ nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Và bệnh này thường sẽ xuất hiện vào những tháng mùa đông.

2. Nguyên nhân gây viêm phế quản

  • Viêm phế quản cấp tính: Nguyên nhân chủ yếu của viêm phế quản cấp tính thường là do nhiễm virus, có thể lây lan qua không khí khi người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, cũng có thể do bị nhiễm vi khuẩn. Đặc biệt, do sự tấn công của phế cầu khuẩn, H.influenzae, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn và các tác nhân khác.
  • Viêm phế quản mãn tính: Nguyên nhân chính của viêm phế quản mãn tính thường liên quan đến hút thuốc lá. Đồng thời, việc tiếp xúc với bụi bẩn, không khí ô nhiễm, khói bụi cũng được xem xét là các yếu tố làm trầm trọng bệnh lý viêm phế quản.

Một số nguyên nhân khác gây nên viêm phế quản, bạn có thể tham khảo như:

  • Khói thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường khói thuốc được coi là yếu tố hàng đầu tăng nguy cơ mắc viêm phế quản cấp tính hoặc mãn tính.
  • Sức đề kháng kém: Bất kỳ căn bệnh cấp tính nào làm suy giảm sức đề kháng, như cảm lạnh, ho, sốt,… đều có thể làm tăng nguy cơ viêm phế quản.
  • Làm việc trong môi trường không lành mạnh: Làm việc trong môi trường có chất kích thích phổi như dệt may, cơ khí hoặc tiếp xúc với hóa chất và khói,… Các yếu tố trên đều khiến bệnh viêm phế quản nặng hơn.
  • Trào ngược dạ dày: Các cơn ợ nóng và ợ chua lặp lại có thể kích thích cổ họng, làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản. Đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh này bao gồm người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

3. 6 triệu chứng của viêm phế quản

Viêm phế quản thường có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác. Khi mắc viêm phế quản cấp, người bệnh thường có các dấu hiệu sau:

  • Ho: Người bị viêm phế quản cấp thường gặp tình trạng ho liên tục, ho khan đi kèm với đờm. Các cơn ho có thể gây đau tức ngực và chảy nước mũi.
  • Đau họng: Cổ họng sưng to, ngứa rát và đau khi nuốt là một trong những biểu hiện thường gặp.
  • Tiết đờm: Phản ứng viêm thường dẫn đến tình trạng tiết đờm, có thể có màu xanh, vàng hoặc trắng.
  • Sốt: Người bệnh có thể phát sốt theo từng cơn hoặc ở trạng thái sốt liên tục, tuy nhiên không phải tất cả đều có biểu hiện sốt.
  • Thở khò khè: Sự sưng, viêm và phù nề trong thành phế quản có thể làm hẹp lòng phế quản, khiến cho khi thở, không khí đi qua khe hẹp và tạo ra tiếng khò khè. Ngoài ra, còn có các biểu hiện khác như khó thở và tốc độ thở nhanh.
  • Mệt mỏi: Bệnh nhân thường trải qua tình trạng mệt mỏi, chán ăn và uể oải khi bị viêm phế quản.

II. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bệnh viêm phế quản

1. Người bị viêm phế quản nên ăn gì để nhanh khỏi?

Để điều trị bệnh viêm phế quản, ngoài việc sử dụng thuốc, việc chăm sóc và quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng. Nếu bạn đang lo lắng về việc ăn gì khi mắc viêm phế quản, hãy tham khảo một số thực phẩm dưới đây.

1.1. Rau củ quả và trái cây

Đây là nhóm thực phẩm vô cùng quan trọng và cần thiết cho sức khỏe. Trái cây và rau xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, nhóm dưỡng chất và vitamin có lợi. Từ đó giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Những thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế và cải thiện tình trạng viêm phế quản ở cả người lớn và trẻ em.

Khi đối mặt với viêm phế quản, việc ăn đa dạng các loại trái cây như cam, quýt, bưởi,… cung cấp lượng vitamin C phong phú, có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng các loại rau xanh như súp lơ xanh, nho, táo, cà chua, ớt chuông, bí đỏ để đảm bảo nguồn vitamin đa dạng cho cơ thể.

1.2. Thực phẩm cay, nóng

Các loại thực phẩm hoặc gia vị cay như ớt, mù tạt, tiêu,… đều mang lại lợi ích cho những người đang mắc bệnh viêm phế quản. Chuyên gia cho biết rằng chúng có chứa capsaicin, một hợp chất có khả năng làm loãng chất nhầy trong phổi, giúp cải thiện tình trạng ho có đờm khi mắc viêm phế quản. Tuy nhiên bạn cũng không nên sử dụng quá nhiều, đặc biệt đối với những người bị đau dạ dày.

1.3. Bổ sung nước

Luôn cung cấp đủ nước cho cơ thể khi bị viêm phế quản. Nước giúp giảm độ nhầy trong cơ thể và hỗ trợ loại bỏ chúng một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi bạn mắc viêm phế quản và thường xuyên có triệu chứng như sốt. Tình trạng này khiến cơ thể mất nước. Do đó, việc bổ sung nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hãy uống nước ấm thay vì các loại nước lạnh hoặc quá nóng để không làm tổn thương thêm vùng bị sưng và viêm.

1.4. Dùng mật ong

Trong trường hợp mắc bệnh viêm phế quản, việc sử dụng mật ong có thể được thực hiện qua nhiều phương pháp khác nhau. Bạn có thể pha mật ong với nước chanh ấm hoặc pha chế một thức uống từ mật ong và trà gừng. Hoặc bạn có thể nấu mật ong với trứng gà để tạo thành một thực phẩm có thể ăn hoặc uống hàng ngày.

Mật ong chứa chất kháng viêm tự nhiên, giúp giảm bớt chất nhầy trong đường hô hấp. Từ đó cải thiện tình trạng viêm phế quản đáng kể. Việc thường xuyên sử dụng mật ong theo cách này không chỉ mang lại cảm giác ngon miệng mà còn hỗ trợ quá trình điều trị và làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh.

2. Khi bị viêm phế quản nên kiêng ăn gì?

Ngoài những thực phẩm nên ăn với người viêm phế quản, bạn đọc cần quan tâm thêm đến các thực phẩm cần tránh khi bị bệnh. Từ đó, xây dựng cho mình chế độ ăn uống lành mạnh và tốt cho sức khỏe hơn.

2.1. Tránh nước ngọt, đồ uống có ga

Việc tiêu thụ các thực phẩm chứa đường như bánh mì, bánh ngọt và đồ uống có gas có thể tăng cường lượng đường trong cơ thể. Đặc biệt là nếu chúng chứa chỉ số HFCS (high-fructose corn syrup), điều này không chỉ không giúp cải thiện tình trạng viêm phế quản mà còn có thể gây nghẽn, làm việc thở trở nên khó khăn hơn.

2.2. Hạn chế ăn các loại thịt

Người bị viêm phế quản không nên tiêu thụ các loại thịt chế biến sẵn. Bởi, các loại thịt này có thể làm gia tăng các triệu chứng của bệnh. Thay vào đó, bạn có thể thêm vào chế độ ăn hàng ngày các thực phẩm từ cá như: cá hồi, cá thu, cá mòi,… Chất dinh dưỡng trong nguồn thực phẩm này giúp hỗ trợ sức khỏe của đường hô hấp mà không làm tình trạng viêm phế quản nặng hơn.

3. Chế độ vận động cho người viêm phế quản

Nếu tình trạng viêm phế quản của bạn không quá nặng, chuyên gia khuyến nghị bạn nên thực hiện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe hiện tại. Khi bị viêm phế quản, lựa chọn bộ môn thể dục là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số hoạt động thể dục phù hợp cho người mắc viêm phế quản, bạn có thể tham khảo một số bộ môn như:

  • Các bài tập kéo dãn cơ như yoga, tránh các tư thế lộn người, vì chúng có thể làm tăng lượng đờm và tạo cảm giác khó thở.
  • Đi bộ có lợi cho việc hít thở và giúp bạn hô hấp dễ dàng hơn. Hãy chọn môi trường trong lành, ít ô nhiễm để tập luyện nhé.
  • Đạp xe giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tốt cho các khớp. Việc tăng cường sức bền cơ thể là một phần quan trọng trong vật lý trị liệu cho những người có bệnh phổi. Và mang lại nhiều lợi ích cho những người mắc viêm phế quản mãn tính.

Lưu ý, khi tập luyện, người mắc viêm phế quản cần duy trì tốc độ vận động ổn định, không tự ép buộc mình và nghỉ ngơi khi cần thiết. Hãy lắng nghe cơ thể, thực hiện hoạt động dựa trên cảm nhận cá nhân. Tránh tự ép buộc mình quá mức, luôn lắng nghe những tín hiệu mà cơ thể đang gửi.

III. Phương pháp phòng ngừa viêm phế quản

1. Đối với người lớn

  • Tránh hút thuốc lá.
  • Khi ra khỏi nhà, đeo khẩu trang.
  • Giảm tiếp xúc với khói bụi, khí độc, và các nguồn không khí ô nhiễm.
  • Tạo môi trường sống không bụi bẩn và không có khói thuốc lá.
  • Đảm bảo không khí trong nhà sạch sẽ bằng cách sử dụng điều hòa không khí và máy làm ẩm.

2. Đối với trẻ em

  • Bảo đảm giữ ấm cho trẻ để ngăn bị nhiễm lạnh.
  • Điều trị khi trẻ mắc các vấn đề như viêm mũi họng, viêm amidan, cảm lạnh… nhằm ngăn chặn sự phát triển của các biến chứng có thể xảy ra.

Ngoài ra, hãy đến thăm khám bác sĩ nếu bạn thấy bất kỳ biểu hiện sức khỏe nào bất thường. Không tự ý mua thuốc hay điều trị tại nhà khiến bệnh càng trở nên nặng hơn.

Lời kết: Trên đây là chia sẻ của chúng tôi xoay quanh tình trạng viêm phế quản và cách chủ động phòng bệnh. Hy vọng thông qua bài viết bạn đọc có thêm những kiến thức bổ ích để chăm sóc và chủ động phòng ngừa bệnh viêm phế quản cho bản thân và cả gia đình hiệu quả.

NGUỒN THAM KHẢO

https://hellobacsi.com/ho-va-benh-duong-ho-hap/viem-phe-quan/viem-phe-quan/

https://tytphuong9qgv.medinet.gov.vn/phong-benh-khong-lay/viem-phe-quan-cap-o-nguoi-lon-co-bieu-hien-nhu-the-nao-cmobile11629-82677.aspx

https://hongngochospital.vn/viem-phe-quan-cap/

 

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận