Viêm mũi

25 lượt xem

5 dạng viêm mũi thường gặp và cách chủ động phòng ngừa hiệu quả

Ở Việt Nam, viêm mũi là một trong những bệnh phổ biến, gây nên nhiều triệu chứng khó chịu như ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt hơi,… Bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Vậy cách chủ động phòng ngừa viêm mũi như thế nào hiệu quả. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

I. Những điều cần biết về bệnh viêm mũi

1. Viêm mũi là gì?

Viêm mũi là một tình trạng rất phổ biến, xuất hiện khi lớp niêm mạc trong khoang mũi bị sưng, tạo ra các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa và hắt hơi, gây khó chịu cho người bệnh. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do môi trường bên ngoài hoặc tác nhân từ bên trong cơ thể.

2. 5 dạng viêm mũi thường gặp

2.1. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mà niêm mạc mũi trở nên sưng. Đây là phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài như khói bụi, nấm mốc, lông động vật, phấn hoa, … Người bệnh thường có các dấu hiệu viêm mũi thông thường mà không cần phải sử dụng thuốc. Và các triệu chứng sẽ thường tự khỏi sau vài ngày.

2.2. Viêm mũi do virus

Viêm mũi do virus là tình trạng viêm mũi xuất phát từ sự xâm nhập của virus cúm hoặc cảm lạnh. Niêm mạc mũi bị sưng lên không bình thường, gây tăng tiết dịch nhầy, khiến người bệnh cảm thấy nghẹt mũi, sổ mũi nhiều và hắt hơi.

2.3. Viêm mũi vận mạch

Khác với dị ứng, viêm mũi vận mạch là do các mạch máu trong mũi trở nên nhạy cảm khi hệ thần kinh kiểm soát niêm mạc mũi bị mất cân bằng. Dưới tác động của một số yếu tố từ môi trường bên ngoài, các mạch máu này mở rộng ra, dẫn đến tăng tiết dịch mũi hơn bình thường, gây ra chảy nước mũi hoặc tắc nghẽn, gây khó thở.

2.4. Viêm mũi teo

Viêm mũi teo là một trạng thái bệnh xảy ra do niêm mạc mũi bị viêm kéo dài, dẫn đến hiện tượng teo và cứng. Hốc mũi mở rộng hơn và không đóng vảy như bình thường. Người mắc bệnh viêm mũi teo thường suy giảm khứu giác. Và trong những trường hợp nặng, họ có thể hoàn toàn mất khả năng ngửi. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của vi khuẩn gây hại, gây ra tình trạng viêm mũi.

2.5. Viêm mũi do thuốc

Có những trường hợp viêm mũi do nguyên nhân chủ quan của người bệnh khi tự điều trị bằng thuốc tại nhà. Sử dụng quá mức các loại thuốc thông mũi, xịt mũi hay nước nhỏ mũi có thể làm cho niêm mạc trong mũi mất đi sức đề kháng. Dần trở nên kích ứng và nhạy cảm hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng viêm mũi trở nên nặng và khó chữa hơn.

3. Dấu hiệu bệnh viêm mũi

Các triệu chứng của bệnh viêm mũi có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng và ảnh hưởng đến khoang mũi, cổ họng và mắt của người bệnh. Một số triệu chứng điển hình của viêm mũi như:

  • Chảy nước mũi, sổ mũi.
  • Nghẹt mũi.
  • Ngứa vùng mũi, họng, mắt và tai.
  • Chảy dịch mũi xuống cổ họng.
  • Hắt xì liên tục.
  • Ho.
  • Viêm họng, đau rát họng.
  • Chảy nước mắt, đỏ mắt.
  • Ngủ ngáy.
  • Đau đầu.
  • Đau vùng mặt.
  • Giảm khứu giác, thính giác hoặc vị giác.

4. Nguyên nhân gây viêm mũi

Viêm mũi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Yếu tố từ bên ngoài có thể gây ra viêm mũi dị ứng, trong khi viêm mũi không dị ứng thường xuất phát từ các tác nhân nội tiết của cơ thể.

Các yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc viêm mũi bao gồm:

  • Thay đổi thời tiết: Sự biến động của nhiệt độ và độ ẩm có thể gây viêm mũi cấp tính, khiến niêm mạc mũi không kịp thích nghi và bị kích thích, dẫn đến viêm mũi.
  • Ô nhiễm không khí: Tiếp xúc với khói bụi và chất khí ô nhiễm có thể tổn thương niêm mạc mũi, gây ra viêm mũi.
  • Vi sinh vật: Viêm mũi nhiễm trùng có thể xảy ra khi tiếp xúc với virus, nấm hoặc vi khuẩn trong môi trường sống không sạch sẽ. Chúng xâm nhập qua mũi và gây ra viêm mũi, viêm đường hô hấp trên.
  • Thay đổi nội tiết: Rối loạn hormone do các giai đoạn như dậy thì, mang thai, mãn kinh có thể gây ra viêm mũi. Người sử dụng thuốc tránh thai cũng tăng tỷ lệ viêm mũi lên cao hơn.
  • Thuốc: Lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch (decongestion) trong thời gian dài có thể làm niêm mạc mũi xơ hóa, dẫn đến xung huyết và phù nề.
  • Các bệnh lý khác: Các bệnh như viêm amidan, viêm họng cũng có thể gây viêm mũi.

II. Phương pháp chăm sóc sức khỏe chủ động cho người viêm mũi

1. Dinh dưỡng cho người bệnh viêm mũi

1.1. Viêm mũi nên ăn gì?

Người mắc viêm mũi, đặc biệt là viêm mũi dị ứng, nên tăng cường các loại thực phẩm sau đây để hỗ trợ sức khỏe:

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, có lợi cho người mắc viêm mũi dị ứng. Các thực phẩm giàu vitamin C cụ thể như súp lơ, bông cải xanh, ớt chuông, cam, bưởi…
  • Thực phẩm giàu omega-3: Axit béo omega-3, có nhiều trong cá như cá ngừ, cá hồi, cá thu, được cho là giúp giảm nguy cơ viêm mũi và ngăn chặn các phản ứng sưng tấy tại đường hô hấp.
  • Chất lỏng ấm: Nước ấm, canh, súp ấm giúp giảm tắc nghẽn trong đường thở, làm loãng dịch nhầy và hỗ trợ quá trình thở được tốt hơn.
  • Mật ong, hành, tỏi, gừng, bạc hà, rau mùi: Những thực phẩm này được cho là có lợi cho người mắc viêm mũi. Và có thể được bổ sung một cách hợp lý vào khẩu phần ăn hàng ngày.

1.2. Viêm mũi kiêng ăn gì?

Những người mắc viêm mũi cần phải hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có thể gây dị ứng như tôm, cua, mực, trứng, sữa, đậu phộng và những thực phẩm lạ như nhộng tằm. Bên cạnh đó, người viêm mũi cần tránh thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu và mù tạt. Bởi các loại thực phẩm này có thể kích thích ho, sổ mũi và hắt xì.

Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể tăng cường tiết chất nhầy và gây nghẽn đường hô hấp. Ngoài ra, nên tránh uống bia, rượu, cà phê, vì chúng có thể làm mất nước và làm nặng thêm tình trạng viêm mũi.

2. Chế độ sinh hoạt cho người viêm mũi

  • Tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm cả việc sử dụng thuốc xịt mũi và rửa mũi.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi và súc miệng, giúp duy trì sự trong sạch cho đường hô hấp.
  • Thiết lập và duy trì lối sống tích cực, giảm căng thẳng hàng ngày.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ nếu phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào trong quá trình điều trị.
  • Thăm bác sĩ định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe, theo dõi tiến triển của bệnh. Và để bác sĩ có thể đề xuất hướng điều trị phù hợp trong tương lai.

III. Cách phòng ngừa bệnh viêm mũi

Viêm mũi là một phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch, do đó không thể chữa khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động của nó đối với cuộc sống, chúng ta có thể thực hiện những biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Không tự ý sử dụng thuốc thông mũi bừa bãi mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tăng cường sức đề kháng: Bổ sung thức ăn giàu vitamin C và omega-3, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối và giữ lịch trình ăn ngủ khoa học.
  • Không chủ quan với triệu chứng nhẹ: Điều quan trọng là không tự chẩn đoán và tự điều trị. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào, nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.
  • Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Tránh tiếp xúc với bụi bẩn, khí thải, vi khuẩn, khói thuốc lá, động vật, thú cưng, phấn hoa và các chất dễ gây dị ứng khác.
  • Không hút thuốc lá và uống rượu hạn chế.
  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, sạch sẽ.
  • Giữ ấm cơ thể trong những mùa thay đổi thời tiết, thời tiết lạnh giá.
  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên: Giữ không gian sống sạch sẽ và thoáng mát để tránh mối mọt và ẩm mốc.

Lời kết: Qua bài viết, chúng ta có thể thấy viêm mũi là căn bệnh không quá nguy hiểm. Và khi đã hiểu rõ về bệnh chúng ta hoàn toàn có phương pháp chăm sóc và chủ động phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình tốt hơn với căn bệnh này.

NGUỒN THAM KHẢO

https://tamanhhospital.vn/viem-mui/

https://medlatec.vn/tin-tuc/viem-mui-la-benh-gi-cac-dang-viem-mui-thuong-gap-s98-n30511

https://www.nhathuocankhang.com/benh/viem-mui

 

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận