Contents
Tiết lộ phương pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh viêm đại tràng hiệu quả
Viêm đại tràng ngày càng phổ biến hiện nay, đặc biệt là những người trẻ có lối sinh hoạt không khoa học. Dù tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm nhưng ít người biết cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh. Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc một số phương pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh viêm đại tràng hiệu quả. Cùng tìm hiểu ngay:
I. Thông tin quan trọng về viêm đại tràng, bạn cần biết
1. Viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng là quá trình đại tràng bị viêm nhiễm, gây tổn thương ở những vùng nhỏ hoặc lan tỏa ra những vùng lớn. Trong trường hợp nhẹ, niêm mạc trở nên nhạy cảm và dễ chảy máu. Với trường hợp nặng hơn, đại tràng có thể xuất hiện các vết loét, xung huyết và xuất huyết. Thậm chí có thể hình thành các ổ áp-xe nhỏ.
Viêm đại tràng cấp có khả năng chuyển biến thành bệnh lý phức tạp như giãn đại tràng, thủng đại tràng hoặc ung thư đại tràng. Nếu không được điều trị kịp thời, niêm mạc đại tràng ngày càng bị tổn thương nặng nề. Theo thời gian, viêm đại tràng có thể chuyển thành dạng mãn tính, đi kèm với các biến chứng nặng, nguy hiểm và khó điều trị khác.
Tại Việt Nam, khoảng 20% dân số bị các vấn đề về đại tràng. Trong đó, ước tính lên đến 4 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng viêm đại tràng mãn tính. Con số thống kê trên là một dấu hiệu rất đáng lo ngại, phản ánh nhận thức của người dân nước ta về viêm đại tràng.
Bệnh nhân thường lựa chọn tự chăm sóc bằng cách sử dụng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Hậu quả của việc sử dụng thuốc bừa bãi là bệnh không được chữa khỏi mà ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đồng thời, bệnh nhân phải đối mặt với rủi ro cũng như biến chứng nặng nề mà viêm đại tràng gây nên.
2. Dấu hiệu của viêm đại tràng
Dấu hiệu của viêm đại tràng bao gồm sự thay đổi về số lần đi ngoài và chất phân của dấu hiệu bất thường. Người mắc bệnh thường trải qua các tình trạng như đi ngoài phân lỏng hoặc phân cứng, phân nát hoặc gặp tình trạng táo bón. Họ thường phải đi ngoài khoảng 6-7 lần mỗi ngày. Và có thể cảm thấy tiếp tục muốn đi vệ sau sau khi vừa đi xong.
Ngoài ra, đau bụng là một triệu chứng phổ biến của viêm đại tràng. Người bị viêm đại tràng thường sẽ có những cơn đau âm ỉ, đau dữ dội hoặc đau như bị kim châm. Người bị viêm đại tràng thường trải qua cảm giác chướng bụng, đầy hơi và óc ách khó chịu.
Các dấu hiệu khác của viêm đại tràng có thể kể đến như tiêu chảy, phân sống, mùi tanh, có thể đi kèm với dịch mủ hoặc máu trong phân. Bệnh nhân cũng có thể trải qua các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, suy nhược, sụt cân, khó thở, đau đầu, ợ hơi, tim đập nhanh, căng thẳng và hồi hộp.
Nếu người bị đau đại tràng bổ sung lượng lớn thực phẩm sống, thức ăn lạ hoặc thức ăn giàu dầu mỡ. Ngay sau đó, họ dễ dàng gặp tình trạng đau bụng, đi ngoài liên tục ngay sau khi ăn.
3. Nguyên nhân viêm đại tràng
- Ngộ độc hoặc dị ứng thức ăn, thực phẩm: Viêm đại tràng cấp tính có thể xuất phát từ sự ngộ độc hoặc dị ứng đối với thức ăn và thực phẩm.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo: Viêm đại tràng có thể phát sinh do việc sử dụng thực phẩm chưa nấu chín, nhiễm vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh như lỵ amip, giun đũa, giun tóc, giun kim.
- Nhiễm khuẩn: Các loại vi khuẩn như lỵ khuẩn trực tràng, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn tả, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn lao; siêu vi rotavirus, nấm candida có thể là nguyên nhân gây viêm đại tràng.
- Tự miễn: Viêm đại tràng cũng có thể xuất phát do cơ thể tự miễn, khi hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể tấn công niêm mạc đại tràng, dẫn đến tình trạng viêm loét.
- Tác động từ các bệnh khác: Viêm đại tràng cấp tính còn có thể là hậu quả của bệnh táo bón, sử dụng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh trong thời gian dài.
4. Biến chứng của viêm đại tràng
Viêm đại tràng có khả năng tái phát nhiều lần nếu không được điều trị triệt để, dẫn đến sự lan rộng và xâm nhập sâu vào niêm mạc đại tràng. Các tế bào biểu mô niêm mạc có thể trở nên loạn sản và chuyển đổi thành tế bào ác tính. Do đó, quan trọng là người bệnh không nên xem nhẹ khi có nghi ngờ về dấu hiệu của viêm đại tràng.
Dưới đây là một số biến chứng phổ biến của người mắc bệnh:
- Gây xuất huyết ồ ạt: Viêm đại tràng có thể gây ra xuất huyết nặng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và gây nguy cơ mất máu.
- Gây thủng đại tràng: Trong trường hợp nặng, viêm đại tràng có thể dẫn đến tình trạng thủng đại tràng, tạo ra lỗ hoặc kẽ trong thành đại tràng.
- Gây giãn đại tràng cấp tính: Một biến chứng khác có thể xuất hiện dưới dạng giãn đại tràng cấp tính, gây ra các vấn đề về chức năng tiêu hóa.
- Có thể biến chứng thành ung thư đại tràng: Viêm đại tràng không được kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư đại tràng.
II. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người viêm đại tràng
1. Về dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân viêm đại tràng kiểm soát tốt bệnh và chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm đại tràng. Người bệnh nhớ lưu ý nhé.
1.1. Nguyên tắc ăn uống
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ thay vì một bữa lớn, nhằm giảm áp lực đối với hệ tiêu hóa.
- Xây dựng thói quen ăn chậm và nhai thức ăn kỹ, nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
- Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, cũng như giảm lượng thức ăn chứa chất béo hoặc đường.
1.2. Thực phẩm người viêm đại tràng nên ăn
- Ưu tiên các loại hoa quả dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như quả bơ, cũng như các loại rau củ chứa nhiều chất xơ và vitamin C như bí đao, rau ngót, rau muống, rau cải…
- Bổ sung axit béo omega 3 thông qua thức ăn như hạt lanh, quả óc chó hoặc các loại cá.
- Tăng cường lượng protein bằng cách tiêu thụ thịt nạc, trứng gà, hoặc các loại hạt giàu protein, nhằm bù đắp mất mát protein do tác động của viêm loét đại tràng.
- Sử dụng nước ép từ củ quả, đặc biệt là từ cà rốt, với nhiều vitamin A và chất chống oxy hóa, để hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho người mắc viêm đại tràng.
- Bột yến mạch, đặc biệt là loại không chứa phụ gia hương vị, được xem là lựa chọn tốt cho người bệnh.
- Các loại thực phẩm chứa men vi sinh probiotic như dưa cải, miso và sữa chua để khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đại tràng. Đồng thời, giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng được tốt hơn.
1.3. Thực phẩm người viêm đại tràng nên tránh
Ngoài việc đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, người bệnh viêm đại tràng nên tránh một số loại thực phẩm như:
- Tránh sử dụng thực phẩm từ bơ sữa, vì chúng khó hấp thụ.
- Giảm tiêu thụ thực phẩm và đồ uống kích thích như cà phê, trà, rượu, và bất kỳ chất kích thích nào khác.
- Hạn chế ăn rau củ có nhiều chất xơ, vì chúng có thể làm khó tiêu hóa.
- Tránh thức ăn giàu dầu mỡ như đồ chiên, xào, đồ ăn nhanh và mỡ động vật.
- Ngăn chặn tiêu thụ thực phẩm cay nóng và quá ngọt.
- Hạn chế ăn hải sản tươi sống, vì chúng có thể kích thích đại tràng, dẫn đến tiêu chảy.
2. Về thể dục, thể thao
Ngoài chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày, việc thực hiện hoạt động thể dục thể thao cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân mắc viêm đại tràng. Tuy nhiên, việc luyện tập đối với bệnh nhân viêm đại tràng cần được điều chỉnh và thực hiện một cách đúng đắn để không gây nên tác dụng ngược.
Trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động nào, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đánh giá tình trạng sức khỏe và xác định mức độ phù hợp của môn thể dục mình lựa chọn. Nếu tình trạng sức khỏe của bạn không ổn định, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân giảm hoặc ngừng tập luyện để tránh gây chấn thương cho cơ thể.
2.1. Đi bộ cho tiêu hóa khỏe
Dành khoảng 20 – 30 phút mỗi ngày cho việc đi bộ có thể giúp phòng ngừa các vấn đề về tiêu hóa. Việc đi bộ nhanh sẽ tăng cường khả năng co bóp của đường ruột, hỗ trợ quá trình đào thải phân một cách dễ dàng hơn. Bạn có thể thực hiện hoạt động đi bộ tại nhà bằng máy tập hoặc đi bộ trong công viên.
2.2. Gập bụng
Động tác gập bụng không chỉ giúp thoát khí trong dạ dày một cách hiệu quả mà còn hỗ trợ cải thiện quá trình đào thải phân, đặc biệt là trong trường hợp viêm đại tràng dẫn đến táo bón. Việc thực hiện gập bụng hàng ngày là quan trọng. Bạn nên thực hiện ít nhất 2 lần mỗi ngày, với mỗi lần khoảng 10-12 động tác.
Dưới đây là bài tập gập bụng cơ bản:
- Nằm thẳng, hai chân co thành góc 90 độ với cơ thể.
- Đặt hai tay đan nhau sau gáy.
- Nhấc vai lên từ từ, siết cơ bụng. Đảm bảo vai cách mặt đất khoảng 10cm và lưng dưới tiếp tục chạm sàn.
- Giữ tư thế và siết cơ bụng trong khoảng 1-2 giây.
- Lặp lại động tác từ 10-20 lần.
2.3. Hít đất cải thiện sức khỏe
Bài tập hít đất hay còn được biết đến là chống đẩy, tạo ra những chuyển động tích cực cho cơ bụng. Từ đó cải thiện sự hoạt động của ống tiêu hóa. Đây là một bài tập rất thích hợp cho nam giới mắc viêm đại tràng co thắt.
Cách thực hiện bài tập:
- Đặt hai tay rộng bằng vai hoặc có thể rộng hơn một chút. Sau đó chống đẩy cơ thể xuống đất, giữ cho toàn bộ cơ thể thẳng.
- Hạ cơ thể xuống từ từ, lưu ý giữ cho cơ thể luôn thẳng và hai tay nằm sát cơ thể, tránh tình trạng tay cong hoặc vểnh ra hai bên.
- Tùy thuộc vào khả năng, bạn có thể thực hiện từ 10-20 lần chống đẩy mỗi lần tập.
2.4. Đứng lên ngồi xuống giảm chướng bụng, đầy hơi
Bài tập đơn giản này mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn cảm giác đầy hơi ở bụng. Nó thúc đẩy sự vận động của toàn bộ cơ thể, bao gồm cả cơ bụng, bắp tay, chân, hông và eo…
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng với hai chân rộng bằng hông và đưa hai tay thẳng ra phía trước.
- Hạ cơ thể xuống từ từ sao cho hai đùi đồng thời song song với mặt đất, giữ cho lưng luôn thẳng. Đảm bảo hai đầu gối không vượt quá mũi chân.
- Giữ tư thế này trong khoảng 1-2 giây rồi quay về tư thế ban đầu.
- Lặp lại động tác khoảng 10-12 lần.
III. Phòng ngừa viêm đại tràng
Trên thực tế, viêm đại tràng xuất phát chủ yếu do thói quen ăn uống không lành mạnh của chúng ta. Do đó, để phòng ngừa bệnh viêm đại tràng và có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Bạn đọc hãy thực hiện một số phương pháp dưới đây:
- Hãy bổ sung lượng nước cần thiết và bổ sung muối khoáng cùng các loại vitamin cần thiết cho cơ thể.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, các chất kích thích và thực phẩm cay nóng.
- Duy trì hoạt động thể dục và thể thao để củng cố sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật.
- Tránh không sử dụng rượu bia, duy trì vệ sinh môi trường sống. Tăng cường chế độ ăn với rau xanh và trái cây tươi. Để giúp cơ thể cung cấp chất xơ và vitamin. Từ đó giúp tăng cường sức đề kháng đường tiêu hóa.
- Tránh stress và căng thẳng, vì tình trạng này có thể gây ra trầm cảm và ảnh hưởng đến nhu động ruột, gây viêm đại tràng.
Lời kết: Trên đây là chia sẻ của chúng tôi xoay quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe chủ động cho người viêm đại tràng. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề sức khỏe của mình. Và có thêm hiểu biết về cách chăm sóc cho bản thân cũng như phòng ngừa viêm đại tràng hiệu quả.
NGUỒN THAM KHẢO
https://tamanhhospital.vn/viem-dai-trang/
https://www.vinmec.com/vi/benh/viem-dai-trang-3061/
https://careplusvn.com/vi/viem-dai-trang-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-dieu-tri
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ