Trào Ngược Dạ Dày Thực Quản – Hiểu Đúng Để Dễ Điều Trị

22 lượt xem

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý phổ biến về tiêu hóa và ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở Việt Nam. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc bệnh này rất nhiều. Trong đó, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt chưa hợp lý là một trong những nguyên nhân chính. Vậy có cách nào cải thiện tình trạng này không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!

1. NHỮNG THÔNG TIN QUAN TRỌNG VỀ BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY – THỰC QUẢN BẠN CẦN BIẾT.

1.1. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày là hiện tượng dịch axit từ dạ dày trào ngược lên vùng thực quản, họng làm kích ứng niêm mạc thực quản gây ợ nóng, ợ trớ. Bệnh trào ngược dạ dày còn gọi là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản tiếng anh có tên là Gastroesophageal reflux disease – GERD. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như viêm thực quản, hẹp thực quản, thực quản Barrett và thậm chí dẫn đến ung thư biểu mô thực quản.

trào-nguoc-da-day-thuc-quan-1

1.2. Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Một số triệu chứng điển hình mà người bệnh thường gặp, có thể kể đến như:

Ợ chua

Người bệnh thường có triệu chứng này kết hợp với chứng ợ nóng (từ ổ bụng, dạ dày mang đến cảm giác nóng lên cổ). Triệu chứng này là triệu chứng phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày nhất là sau khi ăn no, khó tiêu, thời gian nghỉ ngơi. Người bệnh sẽ cảm nhận được vị chua trong miệng khi có cảm giác ợ lên.

Ợ hơi

Là triệu chứng thường gặp khi đói. Cũng giống như ợ hơi và ợ nóng, ợ hơi cũng xảy ra nhiều khi bạn có cảm giác khó tiêu, ăn no,…

Xuất hiện các triệu chứng nôn, ói, buồn nôn

Triệu chứng này và cảm giác nghẹn thức ăn là triệu chứng thường gặp sau khi ăn. Đặc biệt, những người mắc chứng trào ngược axit dạ dày rất dễ ói khi bị ốm nghén,say sóng, say tàu xe,…

Ăn không ngon, khó nuốt

Triệu chứng này biểu hiện sự trào ngược axit dạ dày, trào ngược dịch mật, mang đến cảm giác đắng miệng. Ngoài ra, axit dạ dày trào lên sẽ gây sưng thực quản, dẫn đến khó khăn trong việc nuốt thức ăn. Từ đó dẫn đến cảm giác ăn không ngon, chán ăn, sụt cân,…

Các triệu chứng ho, viêm họng, miệng tiết nhiều nước bọt, khàn giọng

Nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này là do axit dạ dày bị trào ngược mang lại. Khi axit dạ dày ợ lên và phản xạ tự nhiên gây tiết nhiều nước bọt, sưng tấy dây thanh quản, ho, khản tiếng,…

Có cảm giác đau tức vùng ngực

Triệu chứng này có nguyên nhân từ sự kích thích các sợi dây thần kinh đi qua vùng ngực. Cảm giác đau tức ngực do trào ngược axit dạ dày rất dễ nhầm với triệu chứng của các bệnh liên quan đến tim mạch.

trào-nguoc-da-day-thuc-quan-2

1.3. Nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày – thực quản là do cơ thắt thực quản dưới không đóng kín, dẫn đến thức ăn cùng các chất dịch và axit dạ dày sẽ trào ngược trở lại thực quản. Axit trào ngược từ dạ dày vào thực quản sẽ kích thích niêm mạc thực quản và gây viêm thực quản. Đây chính là tình trạng trào ngược hoặc trào ngược dạ dày – thực quản.

Cơ thắt thực quản dưới (LES) là một vòng cơ tròn ở cuối thực quản có chức năng co thắt khiến dịch dạ dày không thể trào ngược trở lại thực quản. Khi nuốt, LES sẽ giãn ra để thức ăn và chất lỏng chảy vào dạ dày. Sau đó cơ vòng đóng lại.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản:

  • Thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ trong thai kỳ
  • Tiền sử bệnh lý về mô liên kết
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Hút thuốc lá
  • Stress/căng thẳng
  • Tác dụng phụ của thuốc
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-3

2. CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHỦ ĐỘNG CHO NGƯỜI BỊ TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY – THỰC QUẢN

2.1. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

2.1.1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản đòi hỏi một chế độ ăn uống cẩn thận để giảm triệu chứng và không kích thích việc trào ngược axit dạ dày. 

Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ ăn uống cho người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

Thức ăn giàu chất xơ

Thức ăn giàu chất xơ có thể giúp kiểm soát trào ngược axit dạ dày bằng cách tạo ra lớp bảo vệ cho thực quản. Hãy tăng cường tiêu thụ các thực phẩm như rau cải, rau xanh, lúa mạch, và ngũ cốc nguyên hạt.

Thực phẩm ít chất béo

Chất béo có thể làm tăng áp lực trên dạ dày và thực quản, dẫn đến trào ngược. Hạn chế thực phẩm giàu chất béo như thịt mỡ, sản phẩm sữa có độ béo cao, thức ăn chiên và thực phẩm nhanh.

Đạm dễ tiêu

Thực phẩm giàu đạm dễ tiêu bao gồm thịt thăn lợn, thịt ngan và thịt lưỡi lợn. Những thực phẩm này có khả năng cân bằng axit và giảm đi các triệu chứng liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày.

Nghệ và mật ong

Nghệ và mật ong không chỉ là các thành phần gia vị thông dụng trong các bữa ăn hàng ngày một trong những thành phần có trong bài thuốc dân gian điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Sữa chua

Là một thực phẩm có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa. Sữa chua cung cấp men vi sinh, giúp làm giảm sự kích thích của thực quản.

trào-nguoc-da-day-thuc-quan-4

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung vào chế độ ăn uống một số loại trái cây như dưa hấu, dưa gang, táo, đu đủ chín, dưa leo, thanh long,…

Gợi ý một số món ăn tốt cho người bị trào ngược dạ dày thực quản:

Lạc hầm chín kỹ

Nhiều người ăn lạc bị đầy bụng nên nghĩ rằng lạc không tốt cho dạ dày. Đó là do bạn chưa biết cách chế biến. Thực tế thì lạc rất giàu dinh dưỡng và được coi là nguồn chất béo lành mạnh dồi dào. Các axit béo không bão hòa trong lạc rất cần thiết với cơ thể giúp cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. 

Cách làm:

  • Chuẩn bị 70g lạc rửa sạch ngâm nước cho lạc nở.
  • Thêm nước và hầm nhỏ lửa trong 4 tiếng.
  • Mỗi tuần, bạn có thể ăn lạc 2-3 lần.
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-5
Cháo nấu từ các loại hạt

Trào ngược làm cho chức năng dạ dày suy yếu, quá trình tiêu hóa thức ăn bị kém đi. Do đó, ăn cháo nấu từ các loại hạt sẽ giúp dạ dày dễ “hoạt động” hơn. Bạn nên ăn các món cháo từ đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, hạt chia, hạt lanh,… 

Trước khi nấu cháo, bạn chỉ cần ngâm các loại hạt khoảng 4-5h để chúng nở ra và nhanh mềm hơn khi nấu. Cháo nên được nấu chín mềm, ăn khi còn ấm.

trào-nguoc-da-day-thuc-quan-6
Táo tàu khô

Táo tàu khô có vị ngọt thanh rất tốt cho dạ dày và tạng, gan. Tác dụng của táo tàu là bổ máu, an thần, bổ trung ích khí. Khi dạ dày bị thương tổn do trào ngược dạ dày gây ra thì ăn táo tàu sẽ giúp cải thiện được một số triệu chứng khó chịu. Chính vì thế, táo khô được biết đến là món ăn chữa trào ngược dạ dày hiệu quả. Bạn có thể làm món cháo táo tàu khô để ăn theo công thức sau:

Chuẩn bị:

  • 5g Táo tàu khô,
  • 20g Gạo tẻ,
  • 10g Đường phèn.

Cách làm:

  • Táo tàu rửa sạch thái miếng nhỏ. Gạo vo sạch. Cho táo vào gạo vào nồi đun nhỏ lửa.
  • Khi cháo đã chín mềm thì thêm đường phèn. Ăn cháo khi còn ấm.
  • Mỗi tuần có thể ăn cháo táo tàu 3-4 lần.
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-7

2.1.2. Những đồ ăn người bị trào ngược dạ dày nên tránh

Nguyên tắc cơ bản của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và yếu tố bảo vệ. Yếu tố tấn công bao gồm tăng tiết pepsin, axit và sự ứ đọng thức ăn trong dạ dày, tạo áp lực gia tăng lên cơ thắt thực quản. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh nên tránh tiêu thụ các món ăn sau:

Thức ăn nhiều dầu mỡ

Thức ăn được chế biến với nhiều dầu mỡ, chứa nhiều chất béo, đặc biệt là thức ăn có nhiều cholesterol có thể gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa và khiến dạ dày bị quá tải. Từ đó tạo áp lực lên cơ thắt thực quản dưới. Khi cơ thắt thực quản bị áp lực, việc tiêu hóa thức ăn sẽ diễn ra chậm chạp, dẫn đến cảm giác đầy bụng khó tiêu và có thể góp phần gây ra hiện tượng trào ngược.

Thức ăn cay

Những món ăn cay nóng chứa nhiều ớt, mùi nồng như tỏi, hành dễ gây ra triệu chứng ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản.

Thức ăn có chứa cà chua

Cà chua là loại thực phẩm giàu citric và axit malic, cà chua và các sản phẩm chế biến từ cà chua bao gồm sốt, súp, nước trái cây, có thể làm cho dạ dày sản xuất ra quá nhiều axit dạ dày. Khi lượng axit này tăng quá cao, nó có thể được ép chảy lên thực quản.

Hoa quả có chứa nhiều chất nhựa như sung, hồng, hồng xiêm

Các loại quả này thường tiết ra nhiều chất nhựa, và khi chúng đi qua hệ tiêu hóa, nhựa này có thể phản ứng với axit trong dạ dày, hình thành các cục nhỏ. Dần dần, những cục nhỏ này có thể biến thành các viên sỏi, gây trở ngại cho quá trình tiêu hóa.

Thức uống và thực phẩm có tính axit cao

Ví dụ như trái cây thuộc họ cam, chanh, bưởi,… mặc dù cung cấp nhiều chất xơ, nước và vitamin C cho cơ thể, nhưng vì có vị chua và chứa nhiều axit, nên không phù hợp cho những người mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày.

Muối

Tiêu thụ quá nhiều muối có thể có tác động xấu lên các cơ quan trong cơ thể như tim mạch, thận, gây tăng huyết áp và ảnh hưởng đến dạ dày. Vì vậy, khi bị trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên hạn chế sử dụng muối trong quá trình nấu ăn.

Bia, rượu, thuốc lá, trà và cà phê

Các sản phẩm này đều chứa một lượng lớn chất kích thích có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, đặc biệt khi sử dụng chúng khi bụng còn đang đói, có thể gây hiện tượng cồn ruột.

Bạc hà

Mặc dù bạc hà và các chế phẩm của nó như kẹo, kẹo cao su hương bạc hà có tác dụng làm hơi thở thơm tho, dịu cổ họng khô nóng, cho tinh thần bạn sảng khoái nhưng nó lại làm tăng triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, hạn chế dùng bạc hà tối đa để bệnh trào ngược chóng lành nhé.

Chocolate

Trong Chocolate có chất methylxanthine, là chất có khả năng làm giãn cơ thắt thực quản, khi tiêu thụ nhiều Chocolate, cơ thắt thực quản sẽ giãn nở ra và khiến dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Cho nên, người bị chứng trào ngược dạ dày thực quản cần tránh ăn Chocolate tối đa.

trào-nguoc-da-day-thuc-quan-8

2.2. Lời khuyên về chế độ sinh hoạt dành cho người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có thể được cải thiện tại nhà bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt. Cụ thể:

  • Gối cao đầu khi ngủ, khoảng 15 cm (6 inch).
  • Chia nhỏ các phần ăn trong mỗi bữa có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trào ngược.
  • Dành thời gian hợp lý cho mỗi bữa ăn, nên ăn chậm, nhai kỹ.
  • Không nên ăn tối muộn
  • Hạn chế nằm sau khi ăn vì dạ dày cần ít nhất từ 2-3 giờ để axit trong dạ dày giảm xuống.
  • Ngừng hút thuốc vì thuốc lá làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới.
  • Giữ cân nặng hợp lý vì nếu thừa cân sẽ khiến các triệu chứng trào ngược diễn ra nghiêm trọng hơn.
  • Tránh mặc quần áo chật, ép eo để hạn chế gây áp lực lên bụng và phần dưới của thực quản.
  • Tránh các thức ăn và đồ uống có khả năng kích thích trào ngược
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-9

2.3. 5 bài tập để cải thiện tình trạng bệnh cho người bị trào ngược dạ dày – thực quản

2.3.1. Bài 1: Bài tập thở

Trước khi vào bài tập, bạn nên thở cho thật đều và chậm rãi. Sau đó, bạn thực hiện theo các bước như sau:

  • Ngồi thẳng lưng, hai đầu gối chân gập lại, đồng thời hai bàn chân không được chạm đất.
  • Đặt chéo hai bàn chân lên nhau.
  • Tiếp theo, bạn đặt hai tay lên đầu gối, lưng vẫn giữ thẳng.
  • Hít một hơi thật sâu và nhanh. Bên cạnh đó, bạn dùng ngón trỏ, ngón cái, ngón út bịt chặt cả hai lỗ mũi.

Mỗi ngày bạn nên thực hiện bài tập yoga điều trị trào ngược dạ dày này từ 10 đến 20 phút. Mỗi một động tác cần kéo dài 1 hoặc 2 phút.

trào-nguoc-da-day-thuc-quan-10

2.3.2. Bài 2: Tư thế Yoga xả hơi

Bài tập này có tác dụng thanh lọc, giải phóng khí độc, giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua . Từ đó giúp cơ thể thoải mái và khỏe mạnh hơn. Bài tập yoga theo tư thế được thực hiện rất đơn giản như sau:

  • Nằm ngửa, hai chân co lại sao cho phần đầu gối chạm gần sát ngực. Tiếp theo đó, bạn đưa cả hai tay ôm lấy đầu gối.
  • Nâng đồng thời cả đầu và cổ sao cho phần cằm chạm được đầu gối. Giữ nguyên tư thế này trong vòng 10 giây.
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-11

2.3.3. Bài 3. Tư thế rắn hổ mang

Bài tập có tư thế rắn hổ mang giúp cho người mắc bệnh trào ngược dạ dày giảm bớt được áp lực và căng tức cho vùng cơ bụng. Đồng thời giúp cải thiện các triệu chứng như đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu… khá hiệu quả. Không chỉ vậy, nó còn giúp cho quá trình lưu thông, tuần hoàn máu diễn ra thuận lợi. Hoạt động của gan thận cũng trở nên trơn tru và dễ dàng hơn. Cách thực hiện bài tập này như sau:

  • Nằm úp toàn bộ cơ thể lên chiếu hoặc thảm.
  • Từ từ nhấc người lên cao và duy trì độ cong nhất định. Giữ nguyên tư thế này trong thời gian khoảng vài phút thì dừng.
  • Khi thực hiện bài tập yoga này, bạn cần chú ý điều chỉnh hơi thở sao cho thật chậm và sâu. Mục đích là để điều chỉnh lượng máu được lưu thông tốt hơn.
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-12

2.3.4. Bài 4. Bài tập kích thích tiêu hóa

Mục đích của bài tập này đó là kích thích dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Đồng thời giúp hỗ trợ điều trị chứng trào ngược, viêm loét dạ dày. Cách thực hiện bài tập như sau:

  • Thả lỏng toàn bộ cơ thể, người đứng thẳng, hai chân dang rộng sao cho bằng vai. Đồng thời đưa cả hai tay giơ cao lên trời.
  • Ngồi xuống một cách chậm rãi nhưng tay cần giữ nguyên. Người cần phải đứng thẳng.
  • Duy trì nhịp thở đều đặn khi thực hiện bài tập, hít vào khi ngồi xuống và thở ra khi đứng lên.
  • Mỗi lần tập nên duy trì từ 5 đến 10 phút để thấy được sự thay đổi rõ rệt.
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-13

2.3.5. Bài 5. Bài tập chân đạp và giữ tay

Bài tập này không chỉ có công dụng làm săn chắc các cơ vùng bụng mà còn giúp cho quá trình tiêu hóa ở dạ dày diễn ra tốt hơn. Đồng thời còn khắc phục những vấn đề liên quan đến tổn thương ở dạ dày. Người bệnh thực hiện theo các bước sau:

  • Trước khi thực hiện bài tập, bạn nên thả lỏng cơ thể trên mặt sàn.
  • Đưa cả hai tay song song ra trước mặt, đưa thêm một chân lên cao, hai tay thì giữ lấy phần đầu gối.
  • Giữ nguyên tư thế trong khoảng thời gian là 30 giây, sau đó thả lỏng cơ thể và đưa về trạng thái ban đầu. Thực hiện các động tác như vậy so với bên còn lại.
  • Mỗi ngày bạn nên duy trì bài tập chữa trào ngược dạ dày này trong thời gian 10 phút để cải thiện được tình trạng bệnh.
trào-nguoc-da-day-thuc-quan-14

2.4. Cách phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Bên cạnh việc hiểu biết về bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì và tránh ăn gì, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ kết hợp với một số biện pháp như uống đủ lượng nước mỗi ngày, theo dõi các triệu chứng thường xuyên và trao đổi với bác sĩ khi cần thiết.

Ngoài ra, việc tập luyện thể thao và thể dục đều có nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể ra hệ tiêu hóa. Chúng giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. 

Dưới đây là một số hoạt động tập luyện và thể thao có thể bạn quan tâm:

  • Tập yoga: Yoga giúp cải thiện linh hoạt, tăng sự thư giãn, và giảm căng thẳng. Nó cũng có thể cải thiện sức kháng của cơ thể và tạo ra tinh thần yên bình.
  • Đi bộ: Giúp cải thiện tình trạng tim mạch, giảm cân và tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Ngồi thiền: Ngồi thiền là một phương pháp thư giãn tinh thần và giảm căng thẳng hiệu quả. Nó có thể giúp bạn cân bằng cảm xúc và cải thiện trạng thái tinh thần.

Kết luận

Với các thông tin trên về bệnh trào ngược dạ dày thực – thực quản. Hy vọng, các bạn đã có thêm cho mình những kiến thức bổ ích về căn bệnh này để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả gia đình mình. 

NGUỒN THAM KHẢO

  1. https://benhvienthucuc.vn/10-thuc-pham-can-tranh-cho-nguoi-trao-nguoc-da-day-thuc-quan/
  2. https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/7-bai-tap-yoga-chua-trao-nguoc-da-day-don-gian-nhat-64055.html
  3. https://tamanhhospital.vn/trao-nguoc-da-day-thuc-quan/
  4. https://medlatec.vn/tin-tuc/trao-nguoc-da-day-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-s195-n17818

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận