3 nguyên nhân thoái hóa khớp gối không ngờ đến và cách chủ động phòng bệnh
Không chỉ gây đau đớn cho người bệnh, mà thoái hóa khớp gối còn kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm khác. Chính vì vậy, thay vì chịu đựng, người bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để chủ động chăm sóc, khắc phục tình trạng thoái hóa này.
Contents
I. THÔNG TIN TỔNG QUAN VỀ THOÁI HÓA KHỚP GỐI
1.1. Thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối là một tổ hợp 3 xương gồm đầu dưới xương đùi, đầu trên mâm chày (xương ống chân), xương bánh chè. Bao phủ quanh khớp gối là lớp sụn khớp với đặc điểm trơn giúp bảo vệ và làm đệm cho xương khi gập và duỗi thẳng đầu gối. Bao quanh khớp gối là một lớp màng hoạt dịch mỏng giúp bôi trơn sụn và giảm ma sát.
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng phần sụn bao quanh khớp gối bị mòn dần đi. Khi lớp sụn bị mòn đi, nó sẽ trở nên sần và thô ráp, làm giảm khả năng bảo vệ giữa các xương. Chính điều này có thể dẫn đến tình trạng xương cọ xát vào xương và tạo ra các gai xương gây đau đớn.
1.2. Nguyên nhân thoái hóa khớp gối
Nguyên nhân chính
Nguyên nhân chủ yếu gây thoái hóa khớp gối là do quá trình lão hóa bởi tuổi tác. Đặc biệt, là những người lớn tuổi có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, đứng lâu…do đặc thù công việc hoặc mắc bệnh béo phì.
Nguyên nhân ít gặp hơn
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp bị thoái hóa khớp gối vì gặp chấn thương khớp như: Đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi hoặc xương chày hoặc nứt, vỡ xương bánh chè,…. Hoặc việc lười vận động cũng khiến khớp gối trở lên lười biếng, dễ tổn thương rồi gây viêm hơn.
Ngoài ra, thoái hóa khớp gối còn được ghi nhận bởi yếu tố đột biến di truyền (khiến một người có nhiều khả năng bị viêm xương khớp ở đầu gối dù tuổi còn trẻ) hoặc hình dạng bất thường của xương bao quanh khớp gối (khiến sụn khớp dễ bị thoái hóa sớm) hay thay đổi nội tiết tố….
Sản phẩm liên quan
1.3. Triệu chứng thoái hóa khớp gối
Đau, sưng và khó vận động là những triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp gối. Bên cạnh đó, cơn đau, tình trạng sung còn được thể hiện rõ nét hơn như sau:
- Khớp có thể bị cứng và sưng lên, gây khó khăn cho việc gập và duỗi đầu gối.
- Đau và sưng khớp gối tồi tệ hơn vào buổi sáng, hoặc sau khi ngồi hoặc nghỉ ngơi.
- Hoạt động mạnh có thể khiến cơn đau khớp gối bùng phát.
- Đầu gối có thể kêu cót két, lạo xạo hay lục cục…
- Đau có thể gây ra cảm giác yếu hoặc vênh ở đầu gối.
- Đau khớp tăng lên khi thay đổi thời tiết.
Các dấu hiệu thoái hóa khớp gối sẽ phát triển trầm trọng dần dần theo thời gian, đôi khi có thể khởi phát đột ngột hoặc kéo dài âm ỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
II. CÁCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHỦ ĐỘNG GIÚP KHẮC PHỤC THOÁI HÓA KHỚP GỐI
2.1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Thực phẩm nên ăn
Người bệnh thoái hóa khớp gối nên tăng khẩu phần các loại cá nước lạnh, những thực phẩm có chứa rất nhiều acid béo omega-3 – một loại chất kháng viêm vô cùng hiệu quả.
Tăng cường các thực phẩm như cà chua, dâu tây, mâm xôi, anh đào,… bởi chúng giàu vitamin C, vitamin E và vitamin A giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng, đồng thời ngăn ngừa tình trạng thoái hóa hiệu quả.
Tăng cường các loại hải sản, cà rốt, bí ngô,…vì chúng giàu canxi để giúp xương luôn chắc khỏe.
Thực phẩm không nên ăn
Những người bệnh thoái hóa khớp gối cần loại bỏ thực phẩm chiên, xào trong chế độ ăn hàng ngày để có thể giảm tình trạng viêm khớp và tăng khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Những loại thịt đỏ, đặc biệt là thịt bò, mặc dù cung cấp cho nhiều protein nhưng chúng cũng chứa nhiều chất béo và cholesterol làm tăng nguy cơ viêm, đau nhức và tình trạng thoái hóa khớp sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Những thực phẩm có chứa nhiều đường, carbohydrate cũng như muối để tránh làm tổn thương và gây viêm khớp.
Các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ hộp,… thường có chứa nhiều chất bảo quản có thể làm tăng nguy cơ viêm và đau khớp.
Rượu bia và thuốc lá có thể khiến cho các triệu chứng bệnh thêm nghiêm trọng.
2.2. Thay đổi chế độ sinh hoạt
2.2.1. Vận động sinh hoạt thường nhật
Tránh vận động quá sức, nhất là những công việc mang vác nặng để giảm thiểu tối đa áp lực gây tổn thương lên các khớp xương.
Nên đứng lên đi lại, vận động nhẹ nhàng sau 1-2 giờ ngồi hoặc đứng làm việc liên tục để thay đổi trạng thái gây áp lực lên các khớp xương, duy trì khả năng vận động linh hoạt cho cấu trúc xương.
Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, để giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu.
2.2.2. Tư thế ngủ và đệm nằm
Tương tự, ngủ cũng nên duy trì những tư thế nằm thoải mái và nên trở mình vài lần trong đêm để các khớp xương được vận động, bảo toàn sự linh hoạt.
Chọn đệm có độ nhún vừa phải để tránh tạo ra những tư thế ngủ không tốt cho xương
2.2.3. Kiểm soát chế độ ăn và mặc
Mặc ấm bảo vệ lớp dịch khớp không bị lạnh mà giảm khả năng bôi trơn và hạn chế ma sát khi vận động.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả viêm khớp.
Duy trì cân nặng hợp lý (BMI < 23) để tránh gây dư thừa trọng lượng cơ thể, tạo thêm áp lực lên đầu gối, góp phần làm mòn sụn.
Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định, vì lượng đường cao có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của sụn, tăng nguy cơ viêm và mất sụn.
2.3. Thay đổi chế độ tập luyện
Tập thể dục thường xuyên, nhưng chỉ thực hiện những bài tập vừa phải trong khoảng 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần để giúp gia tăng sự dẻo dai các khớp, tăng cường các cơ hỗ trợ đầu gối và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý mạn tính khác.
Các bài tập nhẹ nhàng người bệnh hoặc có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao nên ưu tiên lựa chọn:
- Bài tập cơ tứ đầu đùi
- Bài tập giãn cơ gân khoeo
- Bài tập cơ mông cho người bị thoái hóa khớp gối
- Bài tập giãn cơ bắp chân
- Squat một nửa
- Nhún 1 chân
Lưu ý, chơi thể thao đúng kỹ thuật, mang giày vừa vặn và sử dụng đồ bảo hộ trong lúc tập luyện để tránh nguy cơ chấn thương.
2.4. Thay đổi công việc
Tránh những công việc nặng như mang vác, đi lại nhiều, ngồi một vị trí lâu như lái xe, thợ may, vũ công, thợ làm các công trình xây dựng… Để giảm tác động tiêu cực đến khu vực khớp gối đang bị thoái hóa.
Ưu tiên những công việc nhẹ nhàng như làm văn phòng, bảo vệ chốt chặn 1 vị trí, giáo viên bộ môn (không có thể dục)…
Lời kết
Thoái hóa khớp gối tưởng chừng như đó là bệnh của người già, nhưng thực tế hiện nay ghi nhận độ tuổi mắc phải đang được trẻ hóa. Thậm chí, thoái hóa khớp gối còn được xem là bệnh nghề nghiệp của những người lao động nặng nhọc.
Với những thông tin đã chia sẻ, hy vọng sẽ giúp người bệnh có được góc nhìn tổng quát nhất về thoái hóa khớp gối là gì? Nhờ vậy có thể chủ động phòng tránh hoặc ít nhất là sống chung hòa bình với bệnh mà không làm gia tăng tình trạng thoái hóa.
Để chủ động điều trị, ngoài những can thiệp đến từ lối sống, dinh dưỡng, tập luyện mỗi ngày, người bệnh thoái hóa khớp gối nên tìm đến bác sĩ hoặc những bài thuốc hỗ trợ điều trị đã được chứng minh về hiệu quả để có được cái kết như mong đợi. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị với những phương thuốc, mẹo vặn vô căn cứ, chưa được chứng minh để tránh “tiền mất tật mang”.
Nguồn tham khảo:
- https://tamanhhospital.vn/thoai-hoa-khop-goi/
- https://medlatec.vn/tin-tuc/thoai-hoa-khop-goi-nen-an-gi-va-nen-kieng-gi-de-benh-som-cai-thien-s68-n2927
- https://tamanhhospital.vn/bai-tap-the-duc-cho-nguoi-bi-thoai-hoa-khop-goi/
Sản phẩm liên quan
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ