Rối loạn kinh nguyệt là gì và cách điều hòa kinh nguyệt

20 lượt xem

Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng tương đối phổ biến mà nhiều chị em gặp phải. Nguyên nhân của tình trạng này đôi khi chỉ xuất phát từ thay đổi nội tiết, căng thẳng, stress… nhưng cũng có trường hợp rối loạn kinh nguyệt là cảnh báo về những bệnh lý tiềm ẩn. Chủ động nắm rõ nguyên nhân, biểu hiện của bệnh là cách giúp chị em chủ động phòng ngừa và nhanh chóng điều hòa kinh nguyệt hợp lý, tránh biến chứng xảy ra. 

1. Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt

1.1. Rối loạn kinh nguyệt là gì? 

Rối loạn kinh nguyệt là những vấn đề ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường của người phụ nữ, chúng bao gồm những triệu chứng bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, số ngày trong kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh và cả những thay đổi về thể chất/cảm xúc trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt so với kỳ kinh thông thường trước đó. 

Chu kỳ kinh nguyệt của chị em thường kéo dài 28 – 32 ngày, mỗi lần kéo dài khoảng 3 – 5 ngày. Nhưng nhiều trường hợp chu kỳ kinh ngắn hơn hoặc dài hơn, có thể chỉ 15 ngày hoặc kéo dài lên đến 45 ngày. 

roi-loan-kinh-nguyet-1

Nhiều chị em phụ nữ trải qua kỳ kinh nguyệt hàng tháng một cách dễ dàng mà không phải lo lắng hoặc ít lo lắng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng giống như vậy, bởi trên thực tế rất nhiều chị em bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chu kỳ kinh có tháng kéo dài, có tháng lại rất ngắn, kinh nguyệt khi ra nhiều khi lại ra ít và rong kinh…

Những triệu chứng này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần và sinh hoạt của chị em theo những cách khác nhau. 

1.2. Biểu hiện rối loạn kinh nguyệt

Có nhiều kiểu chu kỳ kinh nguyệt khác nhau, nhưng nhìn chung chị em nên quan tâm khi chu kỳ kinh nguyệt cách nhau ít hơn 21 ngày hoặc hơn 3 tháng hoặc kéo dài hơn 10 ngày. Những trường hợp như vậy rất có thể bạn đang bị rối loạn kỳ kinh nguyệt. 

roi-loan-kinh-nguyet-2

Cụ thể, theo Cleveland Clinic – hệ thống y tế hàn lâm phi lợi nhuận và đa chuyên khoa hàng đầu Mỹ, biểu hiện rối loạn kinh nguyệt bao gồm: 

  • Thời gian giữa các chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 21 ngày hoặc cách nhau hơn 35 ngày.
  • Không có kinh nguyệt trong 3 tháng (3 chu kì kinh) liên tiếp
  • Kinh nguyệt ra nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường 
  • Khoảng thời gian giữa các chu kỳ thay đổi hơn chín ngày. Ví dụ: một chu kỳ là 28 ngày, chu kỳ tiếp theo là 37 ngày và chu kỳ tiếp theo là 29 ngày.
  • Có những biểu hiện như đau dữ dội, chuột rút, buồn nôn… trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt.
  • Chảy máu hoặc ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt bất thường (không phải hành kinh), sau khi mãn kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.
  • Kinh ra nhiều bất thường, đến mức 1 tiếng phải thay băng vệ sinh/cốc nguyệt san 1 lần (trong khi khuyến cáo của nhà sản xuất là khoảng 3 – 4 tiếng mới cần thay) 

Chu kỳ kinh nguyệt của bạn không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được – và điều đó hoàn toàn bình thường.

Bởi kinh nguyệt không đều là tình trạng khá phổ biến và bạn không cần phải dự đoán chu kỳ của mình đến ngày chính xác thì mới được coi là “bình thường”.

Chỉ khi “bà dì” của bạn có những biểu hiện rối loạn kinh nguyệt như trên mới cần lo lắng và đến gặp bác sĩ để khám sớm nhất. 

1.3. Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt

Nguyên nhân phổ biến của rối loạn kinh nguyệt bao gồm:

  • Lạc nội mạc tử cung
  • Bệnh viêm vùng chậu
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến yên 
  • Rối loạn chảy máu, rối loạn đông máu
  • Ung thư tử cung hoặc ung thư buồng trứng
roi-loan-kinh-nguyet-3

Bên cạnh đó, yếu tố lối sống cũng ảnh hưởng tới rối loạn kỳ kinh nguyệt, thể hiện qua:  

  • Tăng hoặc giảm cân nặng đáng kể.
  • Stress, lo lắng quá mức
  • Thói quen tập thể dục dẫn đến lượng mỡ trong cơ thể rất thấp
  • Virus hoặc các bệnh khác

Nguyên nhân khác gây rối loạn kinh nguyệt cũng không được bỏ qua như:

  • Biến chứng khi mang thai hoặc cho con bú (cho con bú)
  • Sử dụng thuốc tránh thai, bạn có thể bị mất kinh hoặc mất kinh trong vòng sáu tháng sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai.
  • Ảnh hưởng của thuốc, chẳng hạn như steroid hoặc thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu).
  • Sảy thai hoặc mang thai ngoài tử cung (trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung của bạn).
  • Phẫu thuật, sẹo hoặc tắc nghẽn trong tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.

1.4. Các loại rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt được chia thành các loại khác nhau, nếu gặp phải một trong những trường hợp dưới đây, rất có thể bạn đang bị bệnh này:

Vô kinh: 

Là tình trạng kinh nguyệt của bạn bị ngừng hoàn toàn. Có hai loại vô kinh là nguyên phát (Được chẩn đoán nếu bạn bước sang tuổi 16 và chưa có kinh nguyệt) và Vô kinh thứ phát (Được chẩn đoán nếu bạn có kinh nguyệt đều đặn nhưng đột nhiên ngừng kinh trong ba tháng hoặc lâu hơn)

Kinh nguyệt không đều: 

Kinh nguyệt không đều rất phổ biến ở tuổi dậy thì và thường không phải là dấu hiệu của một vấn đề y tế nào đó. Kinh ra ít cũng thường gặp trong những năm đầu tiên sau khi có kinh và trước khi mãn kinh. Bạn chỉ cần lo lắng nếu tình trạng kinh nguyệt của bạn cách nhau hơn 35 ngày giữa các kỳ kinh hoặc bạn chỉ có 6 đến 8 kỳ kinh một năm.

Đau bụng kinh: 

Đau bụng kinh xuất hiện do các cơn co tử cung gây ra bởi prostaglandin – một chất giống hormone được sản xuất bởi các tế bào niêm mạc tử cung và lưu thông trong máu của bạn. 

Chảy máu tử cung bất thường: 

Theo Healthywomen – trang web chuyên về sức khỏe và thông tin về phụ nữ số 1 tại Mỹ thống kê, một phần năm phụ nữ bị chảy máu nhiều (Lượng máu mất trong kỳ kinh nguyệt bình thường là khoảng 75ml).

Nhưng nếu bạn bị chảy máu kinh nguyệt nhiều, bạn có thể bị chảy máu gấp 10 – 25 lần lượng đó mỗi tháng.

1. 5. Nguy cơ

Rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra với phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào, mức độ và biểu hiện cũng có sự khác nhau.

Tuy nhiên, những đối tượng dưới đây có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt cao hơn, bao gồm: 

  • Trong độ tuổi dậy thì, khi bạn bắt đầu có kinh (rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì)
  • Bắt đầu thời kỳ mãn kinh (thường ở độ tuổi từ 45 đến 55)
  • Đang mang thai – trễ kinh thường là dấu hiệu sớm của thai kỳ
  • Đang sử dụng thuốc tránh thai như thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen
  • Tiêm thuốc tránh thai và sử dụng dụng cụ tránh thai (ví dụ như đặt vòng)
  • Có sự thay đổi lớn về cân nặng (giảm hoặc tăng cân nhiều)
  • Thường xuyên căng thẳng và lo lắng
  • Tập thể dục quá nhiều
  • Các tình trạng như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và tuyến giáp hoạt động kém

2. Biện pháp khắc phục rối loạn kinh nguyệt

2.1. Chế độ dinh dưỡng để chủ động phòng tránh rối loạn kinh nguyệt

Người rối loạn kinh nguyệt nên ăn gì cho phù hợp?

Chế độ ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ đến chu kỳ kinh nguyệt, vậy nên ăn gì để điều hoà kinh nguyệt ắt hẳn là thắc mắc của nhiều người.

roi-loan-kinh-nguyet-4

Chế độ ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ đến chu kỳ kinh nguyệt, vậy nên ăn gì để điều hoà kinh nguyệt ắt hẳn là thắc mắc của nhiều người.

Theo đó, nếu đang gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bạn nên bổ sung những thực phẩm dưới đây: 

Gừng: 

Gừng giàu vitamin C, magie… đặc biệt là có tính ấm nên từ lâu đã được sử dụng nhằm tăng cường lưu thông khí huyết, tăng co bóp tử cung từ đó giúp điều hoà kinh nguyệt, đồng thời giảm đau bụng kinh trong kỳ kinh hiệu quả. 

Nghệ tươi: 

Gần giống với gừng, nghệ tươi cũng có tính ấm, mang đến công dụng tuyệt vời trong điều hòa các hormone cơ thể, chống co thắt, chống viêm, qua đó giảm đau bụng kinh cũng như điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Đu đủ xanh: 

Theo nghiên cứu, đu đủ xanh rất giàu caroten – thành phần tham gia vào việc kích thích tăng tiết và điều hòa nội tiết tố nữ (estrogen) trong cơ thể, từ đó điều hoà kinh nguyệt. 

Không chỉ có vậy, đu đủ xanh còn được chứng minh giúp tăng co bóp tử cung, góp phần khiến chu kỳ kinh nguyệt ổn định hơn.

Quả dứa: 

Không chỉ giúp chu kỳ kinh nguyệt sớm kết thúc, không rong kinh, quả dứa còn chứa bromelain – một loại enzyme có khả năng làm bong lớp niêm mạc tử cung, nhờ vậy điều hoà chu kỳ kinh nguyệt.

Bên cạnh đó, ăn dứa trong kỳ kinh còn mang đến công dụng tăng sản xuất hồng cầu và bạch cầu, tăng cường lưu thông máu để giảm rối loạn kinh nguyệt, lượng kinh không đều. 

Rau mùi tây: 

Các chất có trong rau mùi tây giúp tử cung co bóp nhẹ từ đó kích thích chu kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn so với bình thường cũng như điều hoà kinh nguyệt hiệu quả. 

Ngải cứu: 

Ngải cứu có vị đắng, cay, tính ấm giúp ôn kinh cầm máu, điều hòa thân nhiệt, chống viêm, điều hòa kinh nguyệt… là thực phẩm mà người rối loạn kinh nguyệt không nên bỏ qua. 

Nha đam: 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh nha đam thực sự mang đến tác dụng trong điều hòa các hormone tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt, điều chỉnh sự mất cân bằng nội tiết tố và điều trị kinh nguyệt không đều. 

Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng nước ép nha đam trong thời kỳ hành kinh để tránh làm tăng các cơn co tử cung. 

Mướp đắng

Mướp đắng (khổ qua) là nguồn cung vitamin B1,B2,B3, C và các khoáng chất như sắt, photpho dồi dào, giúp điều hoà kinh nguyệt. 

Trái cây họ cam quýt: 

Đây là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào giúp kích thích kinh nguyệt, giúp kinh nguyệt nhanh ra, ra đều và điều hoà kinh nguyệt. 

Thực phẩm giàu vitamin D: 

Vitamin D được biết đến với nhiều công dụng khác nhau, nhưng vitamin D giúp điều hòa kinh nguyệt thông qua việc điều hòa quá trình rụng trứng thì không phải ai cũng biết. 

Những thực phẩm giàu vitamin D bạn nên ăn để điều hoà kinh nguyệt bao gồm cá hồi, cá mòi, hàu, lòng đỏ trứng, tôm, nấm…

Người rối loạn kinh nguyệt nên uống gì hợp lý?

roi-loan-kinh-nguyet-5

Để sớm khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm trên, bạn cũng nên kết hợp với những thức uống có công dụng điều hoà kinh nguyệt dưới đây: 

  • Nước lọc: Hãy uống đủ lượng nước mà cơ thể cần mỗi ngày (khoảng 2 lít/người/ngày) để tăng cường trao đổi chất, giảm căng thẳng, mệt mỏi, hạn chế rối loạn kinh nguyệt từ đó điều hoà kinh nguyệt. 
  • Nước gừng ấm mật ong: Như đã chia sẻ ở trên, gừng có công dụng điều hoà kinh nguyệt, bạn có thể thêm gừng làm gia vị trong các món ăn hoặc nấu nước gừng mật ong để điều hoà kinh nguyệt. Cách làm rất đơn giản, đập dập hoặc thái nhỏ vài lát gừng, đun với nước sôi và ngâm trong khoảng 5 phút, để nước ấm pha với mật ong và thưởng thức. 
  • Trà quế: Quế được nghiên cứu và chứng minh giúp giảm đáng kể cơn đau bụng kinh và chảy máu bất thường, đồng thời giảm buồn nôn, nôn mửa do đau bụng kinh nguyên phát. Bạn chỉ cần mua trà quế đóng gói sẵn hoặc pha vài lát quế với nước sôi, chờ nguội bớt rồi uống. 
  • Nước ép dứa hoặc nha đam: Với công dụng của dứa và nha đam ở trên, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức một ly nước ép dứa hoặc/và nha đam cho chu kỳ kinh nguyệt của mình đều đặn hơn. 
  • Nước ép lựu: Lựu rất giàu phytoestrogen, có tác dụng duy trì sự cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ nên sẽ là một loại nước ép điều hoà kinh nguyệt tuyệt vời. 

Người rối loạn kinh nguyệt kiêng gì?

Những thực phẩm người rối loạn kinh nguyệt không nên ăn bao gồm: 

  • Đồ ăn quá chua hoặc quá cay, nóng, dầu mỡ như đồ chiên rán, tẩm ướp nhiều gia vị…
  • Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thịt hun khói…
  • Thực phẩm chứa cafein như trà, cà phê
  • Thực phẩm, đồ uống chứa cồn, chất kích thích như rượu, bia
  • Thực phẩm quá nhiều đường, quá ngọt 

2.2. Chế độ sinh hoạt khi bị rối loạn kinh nguyệt

Lối sống, sinh hoạt có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ kinh nguyệt, những người thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, làm việc quá sức… có xu hướng bị rối loạn kinh nguyệt cao hơn những người khác. 

roi-loan-kinh-nguyet-6

Vì vậy, bạn nên xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học để điều hoà kinh nguyệt, theo hướng: 

  • Có kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng mệt mỏi quá độ.
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, nên ngủ trước 23h và dậy trước 7h sáng mỗi ngày.
  • Tăng cường vận động thể chất phù hợp, duy trì vận động ít nhất 30 phút/ngày nhưng lưu ý, không nên tập quá nặng bởi tập nặng cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt. 
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh tăng/giảm cân đột ngột. 
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc có ảnh hưởng đến nội tiết tố, chu kỳ kinh nguyệt… hết sức có thể, chỉ sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn trong thời gian và liều lượng cho phép. 

2.3. Chế độ tập luyện dành riêng cho người bị rối loạn kinh nguyệt

Tập thể thao có tác dụng giảm căng thẳng, stress đồng thời hỗ trợ vào quá trình sản sinh hormone, cân bằng nội tiết. Những môn thể thao mà chị em nên tập để hạn chế rối loạn kinh nguyệt bao gồm: 

Các bài tập yoga: 

Yoga đã được chứng minh là mang đến nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần cho tất cả mọi người, bao gồm cả những chị em đang gặp vấn đề với kinh nguyệt nói riêng. Yoga giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng, tăng cường sức khỏe, miễn dịch… từ đó điều hòa kinh nguyệt, giảm rối loạn kinh nguyệt hiệu quả. 

Tập pilates: 

Dù nhẹ nhàng như các bài tập này lại giúp bạn thư giãn vô cùng hiệu quả, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt

Tập cardio:

Cardio tăng cường trao đổi chất, cân bằng nội tiết nên giúp phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt tuyệt vời, đặc biệt, các bài cardio còn giúp giảm cân hiệu quả, lành mạnh. 

Nâng tạ vừa phải: 

Không chỉ tăng cường sức mạnh cơ bắp, các bài nâng tạ cũng giúp chị em tăng cường trao đổi chất, nhờ đó cân bằng nội tiết để ngừa rối loạn kinh nguyệt

Bơi: 

Giống như các môn thể thao khác, bơi giúp chị em tăng cường sức khoẻ tổng thể, giảm căng thẳng và điều hoà kinh nguyệt.

Nếu chưa biết nên bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo 5 bài tập yoga chữa rối loạn kinh nguyệt đơn giản và hiệu quả nhất mà chúng tôi gợi ý dưới đây nhé!

roi-loan-kinh-nguyet-7

Tư thế em bé (Ananda Balasana): 

Có công dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi, áp lực sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Tư thế gác chân lên tường: 

Không chỉ giúp giảm căng thẳng, stress, tư thế yoga gác chân lên tường còn tốt cho cột sống, tăng cường lưu thông máu, giảm cân… và rất nhiều lợi ích khác. Cách thực hiện vô cùng đơn giản mà ai cũng có thể làm được. 

Tư thế nữ thần giấc ngủ: 

Có công dụng đánh tan stress và giảm đau lưng dưới và đau đầu gối, thúc đẩy tuần hoàn.

Tư thế rắn hổ mang: 

Tư thế rắn hổ mang có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường tuần hoàn, tốt cho tiêu hóa… 

Tư thế cánh cung: 

Tư thế cánh cung giảm rối loạn kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh khá hiệu quả, mặc dù nó có hơi khó dành cho người mới bắt đầu nhưng khi đã ổn định tư thế thì lợi ích nhận từ nó sẽ có sự khác biệt rõ rệt.

Trên đây là những chia sẻ về rối loạn kinh nguyệt và các biện pháp chủ động để phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt.

Hy vọng sau bài viết này bạn đã biết cách điều hoà chu kỳ kinh nguyệt của mình để tự tin làm điều mình muốn. 

*/ Tài liệu này KHÔNG thay thế cho những chỉ dẫn điều trị của bác sĩ.

Nội dung được tổng hợp từ các trang thông tin uy tín về sức khỏe: Báo Sức khoẻ & Đời sống, Bệnh viện Vinmec,…  và được tư vấn của các bác sĩ, dược sĩ.

LINK BÀI THAM KHẢO:

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhung-mon-tot-cho-nguoi-bi-roi-loan-kinh-nguyet/

https://youmed.vn/tin-tuc/thuc-pham-dieu-hoa-kinh-nguyet/

https://ferrovit.com.vn/7-bien-phap-dieu-hoa-kinh-nguyet/

https://benhvienthucuc.vn/phu-nu-bi-roi-loan-kinh-nguyet-nen-an-gi/

https://www.womenshealthmag.com/

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận