Ngộ độc thực phẩm là tình trạng tương đối phổ biến hiện nay, đặc biệt là tại những nơi ăn uống tập trung như nhà máy, trường học… Nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý đúng, hiệu quả. Tìm hiểu ngay những lưu ý quan trọng khi xử lý ngộ độc thực phẩm để tránh biến chứng bạn nhé!
Contents
1. Thông tin quan trọng về ngộ độc thực phẩm bạn cần biết
1.1 Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm, hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hay trúng thực, được hiểu là tình trạng khi bạn ăn/uống phải thứ gì đó đã bị nhiễm khuẩn khiến cơ thể bị trúng độc.
Những loại vi khuẩn này được sản sinh từ thực phẩm không được nấu chín kĩ, bảo quản thực phẩm không đúng cách (ví dụ rã đông sai cách), mất vệ sinh trong chế biến, thực phẩm hết hạn…
Theo Bộ Y tế chia sẻ, chỉ trong tháng 4-2023, cả nước đã xảy ra tổng cộng 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Còn tính trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc và 8 người tử vong.
Có thể thấy, ngộ độc thực phẩm là tình trạng tương đối phổ biến hiện nay. Đòi hỏi ai trong chúng ta cũng cần cảnh giác và chủ động phòng ngừa.
1.2 Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm bao gồm:
- Cảm thấy buồn nôn
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- co thăt dạ dày
- Đau quặn bụng
- Mệt mỏi, đau nhức cơ thể
- Ớn lạnh
- Sốt cao từ 38C trở lên
Các triệu chứng trên thường bắt đầu trong vòng giờ sau khi ăn, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện sau vài ngày từ khi ăn thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, người bị ngộ độc thực phẩm cũng xuất hiện triệu chứng:
- Suy giảm thị lực, mắt mờ, hoa mắt
- Đau đầu
- Mất khả năng vận động ở tứ chi
- Khó nuốt
- Ngứa ran hoặc tê da.
- Mất sức
- Những thay đổi về âm thanh của giọng nói (đổi giọng)
1.3 Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Có rất nhiều nguyên dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhưng nhìn chung đều là do thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus, xâm nhập vào cơ thể thông qua đường ăn uống và dẫn đến những phản ứng của cơ thể để loại bỏ chúng.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, dựa vào thời gian xuất hiện triệu chứng có thể phần nào xác định được nguyên nhân nhiễm độc:
30 phút đến 8 giờ: do Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn)
- Triệu chứng: Buồn nôn, nôn mửa, co thắt dạ dày, tiêu chảy
- Tụ cầu khuẩn thường có trên da và xâm nhập vào thực phẩm nếu người chế biến thực phẩm không rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thực phẩm.
- Nếu thực phẩm sau đó được để ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn có thể sinh sôi và tạo ra độc tố. Đặc biệt là khi thực phẩm chưa được nấu chín.
6 đến 24 giờ: do vi khuẩn Clostridium perfringens
Tiêu chảy, co thắt dạ dày kéo dài dưới 24 giờ, nôn mửa và sốt
Vi khuẩn Clostridium perfringens có thịt, gia cầm, nước thịt và các thực phẩm khác được nấu với số lượng lớn (bếp tập thể) và bảo quản ở nhiệt độ không đúng cách
12 đến 48 giờ: do Norovirus
- Tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn, đau dạ dày, sốt, nhức đầu và đau nhức cơ thể
- Norovirus có trong rau xanh, trái cây tươi, động vật có vỏ (chẳng hạn như hàu sống, trai, hến…) và nước bị ô nhiễm. Hoặc tiếp xúc người nhiễm khuẩn Norovirus, vô tình chạm vào các bề mặt có virus.
18 đến 36 giờ: do Clostridium botulinum (Botulism)
- Khó nuốt, suy giảm thị lực, mắt mờ, hoa mắt, sụp mí mắt, nói lắp và khó cử động mắt
- Botulism có trong thực phẩm đóng hộp hoặc lên men không đúng cách, ví dụ các loại rau củ được bảo quản trong môi trường ít axit như đậu xanh, rau, nấm và củ cải đường, thực phẩm đóng hộp, cá lên men, cá muối và hun khói, và các sản phẩm từ thịt như giăm bông và xúc xích
6 giờ đến 6 ngày: do nhiễm khuẩn Salmonella
- Tiêu chảy, buồn nôn, co thắt dạ dày, nôn mửa, sốt, ớn lạnh
- Khuẩn Salmonella có trong bất kỳ thực phẩm tươi sống nào chưa được nấu chín kỹ như thịt gà, thịt lợn, sữa tươi, trứng, rau các loại, sò, hến, trai và 1 số gia vị.
2 đến 5 ngày: do Campylobacter
- Tiêu chảy (thường có máu), sốt, co thắt dạ dày
- Campylobacter có trong gia cầm sống hoặc nấu chưa chín, sữa tươi (chưa tiệt trùng), nước bị ô nhiễm, vật nuôi (kể cả chó và mèo)
3 đến 4 ngày: do E. coli (Escherichia coli)
- Đau bụng dữ dội, tiêu chảy (thường ra máu), nôn mửa
- Ảnh hưởng lâu dài: Khoảng 5–10% số người được chẩn đoán mắc E. coli có nguy cơ biến chứng thành hội chứng tan máu tăng urê huyết nguy hiểm tính mạng
- E. coli (Escherichia coli) có trong thịt bò xay sống hoặc nấu chưa chín, sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng, rau sống, rau mầm sống và nước bị ô nhiễm
1 tuần: do Cyclospora
- Tiêu chảy ra nước, chán ăn, sụt cân, co thắt dạ dày, đầy hơi, đầy hơi, buồn nôn, mệt mỏi
- Cyclospora có trong rau cải có màu xanh lá cây đậm, đậu Hòa Lan tươi, rau thơm tươi sống, và các loại trái dâu (berries).
1.4 Ai có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm
Bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên những đối tượng sau có nguy cơ cao hơn:
- Người thường xuyên ăn đồ tái, sống
- Người ăn ở những nhà ăn tập thể (nhà máy, nhà trường, công trường)
- Những người thường xuyên ăn hàng quán bên ngoài, không nấu ăn ở nhà
- Người sống tại vùng bị ô nhiễm nguồn nước, không khí, thực phẩm
- Phụ nữ mang thai
- Người lớn tuổi
- Trẻ nhỏ
- Người mắc bệnh mãn tính
1.5 Những biến chứng thường gặp ở ngộ độc thực phẩm
Tuy hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều có thể tự khỏi. Nhưng cũng có những trường hợp bệnh nặng, xử lý sai cách dẫn đến biến chứng:
- Viêm màng não
- Tổn thương thận
- Hội chứng tăng urê huyết tán huyết (HUS)gây suy thận
- Viêm khớp
- Tổn thương não và thần kinh
Đối với một số người, những vấn đề sức khỏe này có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi khỏi bệnh.
1.6 Những lưu ý quan trọng khi xử lý ngộ độc thực phẩm
Khi bị ngộ độc thực phẩm, hãy ghi nhớ những lưu ý sau:
- Điều trị ngộ độc thực phẩm tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, sốt… nên hãy sử dụng thuốc điều trị phù hợp
- Cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước, mất sức
- Đối với tình trạng mất nước nghiêm trọng, bạn có thể cần điều trị tại bệnh viện.
- Thuốc trị tiêu chảy có thể hữu ích nhưng không nên dùng cho trẻ em hoặc người bị sốt cao hoặc tiêu chảy ra máu.
- Đến các cơ sở y tế hoặc gặp bác sĩ nếu cảm thấy khó thở, tiêu chảy ra máu, kéo dài hơn 3 ngày, sốt cao trên 40 độ kéo dài, mất nước nghiêm trọng, chóng mặt khi đứng lên
2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị ngộ độc thực phẩm bạn biết chưa?
2.1. Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị ngộ độc thực phẩm
Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm sẽ tự khỏi sau từ 3 – 7 ngày nếu biết xử lý đúng cách. Theo các chuyên gia từ Medical New Today (Tin tức Y khoa Ngày nay) cho biết:
“Khi một người bị ngộ độc thực phẩm, họ sẽ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy và nôn mửa. Chất điện giải là khoáng chất giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Mất chất lỏng và chất điện giải có thể dẫn đến mất nước từ đó khiến tình trạng trầm trọng hơn.
Vì lý do này, điều quan trọng trong chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị ngộ độc thực phẩm là bắt đầu quá trình phục hồi bằng cách bổ sung dung dịch điện giải.”
Đồ uống tốt nhất cho người bị ngộ độc do thực phẩm
- Dung dịch điện giải Ceralyte
- Oresol
- Dung dịch điện giải Pedialyte
- Các loại trà thảo dược như trà gừng, trà táo đỏ… Trong đó, trà gừng giúp làm dịu dạ dày và làm giảm cơn buồn nôn.
- Trà chanh, mùi hương của tinh dầu chanh được cho là có tác dụng giảm buồn nôn và nôn mửa
- Nước lọc, nước gạo, nước ấm pha mật ong
Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ khuyến nghị các giải pháp bù nước bằng đường uống để điều trị tình trạng mất nước từ nhẹ đến trung bình sau khi nôn mửa hoặc tiêu chảy ở người bị ngộ độc. Tuy nhiên, người bị mất nước nên cố gắng sử dụng dung dịch bù nước đường uống trước khi chuyển sang các đồ uống khác.
Đặc biệt, cần tránh tránh đồ uống có chứa caffeine, vì chúng có thể kích thích ruột kết và gây ra nhu động ruột.
Thực phẩm tốt nhất cho người bị ngộ độc thức ăn
Chế độ ăn dành cho người bị ngộ độc do thức ăn phải đảm bảo 3 mục tiêu:
- Ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa
- Ăn thực phẩm nhạt, ít muối
- Ăn thực phẩm ít chất béo, ít chất xơ
Bao gồm:
- Nước luộc gà hoặc nước dùng (không béo, ít muối)
- Ngũ cốc nấu chín kỹ (mè, gạo, ngô, lúa mì, yến mạch và các loại đậu)
- Khoai tây luộc, nghiền, hầm
- Lòng trắng trứng
- Bơ đậu phộng
- Cơm mềm hoặc cháo
Những thực phẩm này rất tốt để ăn vì vị nhạt, chứa tinh bột và hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Hỗ trợ tối đa cho quá trình hồi phục sau ngộ độc.
Chế độ ăn BRAT được khuyên trong trường hợp này, bao gồm các thực phẩm:
- Bananas – Chuối
- Rice – Cơm mềm hoặc cháo loãng
- Applesauce – Nước sốt táo
- Toast – Bánh mì nướng
Chế độ ăn BRAT được các chuyên gia khuyến nghị để người bệnh nhanh phục hồi sau tiêu chảy, buồn nôn, mất nước nói chung và sau ngộ độc nói riêng.
Thực phẩm lên men
Ăn thực phẩm lên men giúp bổ sung lợi khuẩn bị mất trong thời gian bị bệnh. Thực phẩm lên men bao gồm:
- Sữa chua ăn tiệt trùng
- Sữa chua uống tiệt trùng
- Dưa cải bắp (được muối đảm bảo vệ sinh)
- Súp miso
- Kombucha
Thực phẩm người ngộ độc do thực phẩm nên tránh
- Thực phẩm giàu chất béo: Như gà rán, khoai tây chiên, thịt mỡ… Vì chất béo làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều này có thể góp phần gây ra cảm giác đầy hơi hoặc buồn nôn.
- Thực phẩm giàu chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ khó tiêu hóa và có thể làm tăng các triệu chứng đầy bụng, khó chịu. Thực phẩm giàu chất xơ gồm bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, trái cây và rau củ ăn sống…
- Thức ăn cay: Gây kích ứng dạ dày trong khi đang hồi phục sau ngộ độc thực phẩm.
- Một số thực phẩm từ sữa: Có thể gây khó chịu cho dạ dày sau khi bị ngộ độc thực phẩm.
Đồ uống cần tránh
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ khuyên người bệnh không nên sử dụng đồ uống thể thao, chẳng hạn như Gatorade hoặc Powerade, vì chúng không được thiết kế để thay thế những tổn thương liên quan đến tiêu chảy.
Những đồ uống này cũng có thể chứa lượng đường cao. Có thể kích thích ruột và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Những đồ uống khác cần tránh bao gồm:
- Cà phê
- Nước ngọt có gas
- Trà chứa caffein
2.2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bệnh ngộ độc thực phẩm bằng chế độ sinh hoạt
Cùng với chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ngộ độc thức ăn.
Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm thêm trở nặng, hãy luôn:
- Đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi
- Tránh ăn thịt, cá hoặc động vật có vỏ sống hoặc nấu chưa chín kỹ
- Nói không với sữa chưa tiệt trùng
- Làm sạch hoàn toàn trái cây và rau sống
- Tránh ăn rau mầm sống
- Tránh xa nước trái cây và rượu táo chưa tiệt trùng
- Rửa tay trước và sau bữa ăn hoặc trước khi sơ chế, chế biến thức ăn
- Bảo quản thực phẩm đúng cách, với những thực phẩm dễ hư hỏng, hãy lưu ý bảo quản lạnh
- Làm sạch trái cây và rau quả thật kỹ trước khi ăn
- Sử dụng dao, thớt riêng cho thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo
- Nấu thịt, cá, gà, trứng ở nhiệt độ thích hợp
- Vệ sinh tủ lạnh định kỳ, tránh để và ăn những thực phẩm đã lưu trữ quá lâu trong tủ lạnh
2.4. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh ngộ độc thực phẩm
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyên chúng ta nên thực hiện bốn bước dưới đây để phòng ngừa ngộ độc thức ăn
Lau dọn sạch sẽ
Bởi vi trùng gây ngộ độc thực phẩm có thể tồn tại ở nhiều nơi và lây lan khắp căn bếp của bạn. Vậy nên, hãy:
- Rửa tay ít nhất 20 giây bằng xà phòng diệt khuẩn và nước ấm hoặc lạnh trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn.
- Luôn rửa tay sau khi xử lý thịt chưa nấu chín, thịt gà và các loại gia cầm, hải sản, bột mì hoặc trứng khác.
- Rửa sạch đồ dùng, thớt và mặt bàn bằng nước xà phòng nóng sau khi chuẩn bị từng món ăn.
- Rửa sạch trái cây và rau quả tươi dưới vòi nước chảy.
Phân chia thực phẩm để tránh lây nhiễm chéo
Thịt sống, thịt gà và các loại gia cầm, hải sản và trứng khác có thể lây lan vi trùng sang thực phẩm nấu chín, ăn liền (ví dụ củ quả) trừ khi bạn để chúng riêng biệt.
Chính vì vậy, khi đi mua sắm cũng như bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, hãy để thịt sống, thịt gia cầm, hải sản… tránh xa các thực phẩm khác.
Cùng với đó:
- Để riêng thịt sống hoặc thịt ướp, thịt gia cầm, hải sản và trứng với tất cả các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
- Bảo quản thịt sống, thịt gia cầm và hải sản trong hộp kín hoặc bọc cẩn thận để nước từ những thực phẩm ấy không rò rỉ sang các thực phẩm khác.
- Sử dụng một thớt riêng và đĩa riêng cho thịt sống, thịt gia cầm và hải sản và một thớt hoặc đĩa riêng cho trái cây, rau củ, bánh mì và các thực phẩm khác không được nấu chín.
- Thịt gà sống đã sẵn sàng để nấu và không cần phải rửa sạch trước. Việc rửa những thực phẩm này có thể lây lan vi trùng sang các thực phẩm khác, bồn rửa, quầy bếp và khiến bạn bị bệnh.
Nấu thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp
Thực phẩm an toàn khi đạt đến những nhiệt độ nấu chín nhất định, đủ để tiêu diệt vi khuẩn có hại tồn tại trong đó. Cách duy nhất để biết thực phẩm có được nấu chín an toàn hay không là sử dụng nhiệt kế thực phẩm.
Dưới đây là nhiệt độ nấu chín của một số loại thực phẩm thường dùng mà không làm mất chất dinh dưỡng trong đó. Đồng thời ngừa ngộ độc thực phẩm:
- Các loại thịt (thịt bò, thịt bê, thịt cừu và thịt lợn, kể cả thịt hun khói): 70 độ C
- Các loại cá: 70 độ C hoặc nấu cho đến khi thịt cá dễ dàng được tách ra bằng đũa
- Tất cả gia cầm, kể cả thịt gà xay và gà tây: 75 độ C
- Thức ăn từ bữa trước và thịt hầm: 75 độ C
Bảo quản lạnh đúng cách
Vi khuẩn có thể sinh trưởng nhanh chóng nếu để ở nhiệt độ phòng hoặc trong “Vùng nguy hiểm” từ 4°C đến 60°C.
Đó là lý do bạn nên:
- Giữ tủ lạnh của bạn ở nhiệt độ 4°C trở xuống và tủ đông của bạn ở nhiệt độ -17°C trở xuống Biết khi nào nên vứt thực phẩm ra ngoài trước khi nó bị hỏng.
- Đóng gói thức ăn ấm hoặc nóng vào nhiều hộp đựng nông, sạch rồi cho vào tủ lạnh (vì hộp nông chúng sẽ nguội nhanh hơn)
- Làm lạnh thực phẩm dễ hỏng (thịt, hải sản, sữa, trái cây cắt miếng, một số loại rau và thức ăn thừa đã nấu chín) trong vòng 2 giờ kể từ khi sơ chế.
- Nếu thực phẩm tiếp xúc với nhiệt độ trên 30°C (chẳng hạn như trên ô tô nóng hoặc ngoài trời), hãy để thực phẩm trong tủ lạnh trong vòng 1 giờ.
- Rã đông thực phẩm đông lạnh an toàn trong tủ lạnh trong nước lạnh, hoặc trong lò vi sóng. Không bao giờ rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng vì vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng ở nhiệt độ này.
Tránh những sai lầm trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm
Đặc biệt, hãy tránh những sai lầm trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm dưới đây:
- Không nấu chín kỹ thịt, thịt gà, gà tây, hải sản hoặc trứng
- Ăn bột sống, bao gồm bột bánh quy và các thực phẩm khác có trứng hoặc bột chưa nấu chín
- Rã đông hoặc ướp thực phẩm ở nhiệt độ phòng
- Để thực phẩm bên ngoài quá lâu trước khi cho vào tủ lạnh
- Gọt vỏ trái cây và rau quả mà không rửa sạch trước
- Không rửa tay trước khi chế biến, nấu thức ăn, trước/trong/sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh
- Ăn thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn như tái sống, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, hàng quán bẩn…
- Xếp thịt chín vào đĩa đựng thịt sống
- Nếm hoặc ngửi đồ ăn có nguy cơ bị hỏng
- Rửa thịt lại sau khi rã đông, vì có thể lây lan vi trùng sang bồn rửa, mặt bàn và các bề mặt khác trong nhà bếp của bạn. Chỉ cần nấu chín kỹ sẽ tiêu diệt vi trùng có hại.
Lời kết:
Trên đây là những chia sẻ về những lưu ý khi bị ngộ độc thực phẩm, dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử trí hiệu quả nhất. Hy vọng sau bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc và chủ động phòng ngừa căn bệnh này.
Nguồn tham khảo:
- https://www.cdc.gov/foodsafety/symptoms.html
- https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ti%C3%AAu-h%C3%B3a/vi%C3%AAm-d%E1%BA%A1-d%C3%A0y-ru%E1%BB%99t/ng%E1%BB%99-%C4%91%E1%BB%99c-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-do-%C4%91%E1%BB%99c-t%E1%BB%91-t%E1%BB%A5-c%E1%BA%A7u
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/food-poisoning/symptoms-causes/syc-20356230
- https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/food-poisoning-prevention#people-at-risk-of-food-poisoning
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/324021
- https://www.cdc.gov/foodsafety/ten-dangerous-mistakes.html
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ