Nguyên tắc vàng trong dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư dạ dày
Chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư là vô cùng quan trọng. Và với ung thư dạ dày cũng thế. Vậy bạn đã biết những nguyên tắc về dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư dạ dày chưa? Hãy cùng HK Care tìm hiểu về căn bệnh này cũng như những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân nhé.
Contents
I. Những điều cần biết về ung thư dạ dày
1. Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là tình trạng mà các tế bào bình thường của niêm mạc dạ dày trải qua biến đổi đột ngột, phát triển mất kiểm soát và bắt đầu xâm lấn các mô lân cận (xâm lấn cục bộ) hoặc lan rộng đến các khu vực xa (di căn). Khi bệnh đến giai đoạn muộn có thể khiến người bệnh dẫn đến tử vong.
Ung thư dạ dày có thể xảy ra ở mọi đối tượng nhưng thường xuyên xuất hiện ở nhóm người trên 50 tuổi. Và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn so với phụ nữ. Nếu ung thư dạ dày được phát hiện sớm thì cơ hội hội chữa khỏi bệnh lên đến 90%.
2. Các giai đoạn của ung thư dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày được phân loại thành năm giai đoạn dựa trên mức độ nghiêm trọng của nó đối với cơ thể, bao gồm:
- Giai đoạn 0: Tại giai đoạn này, tế bào ung thư xuất hiện mới ở lớp niêm mạc dạ dày, được biết đến là ung thư biểu mô. Đây là giai đoạn sớm của bệnh.
- Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã gây tổn thương tại lớp niêm mạc dạ dày thứ hai.
- Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc dạ dày, còn được gọi là ung thư dưới cơ.
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã phát triển vào hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể.
- Giai đoạn 4: Ở giai đoạn cuối cùng, tế bào ung thư đã di căn khắp cơ thể, tăng nguy cơ tử vong.
3. Triệu chứng của ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện bất thường và rất khó để có thể phát hiện ra được bệnh. Khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu của bệnh có thể bao gồm:
- Đau bụng: Đau dai dẳng ở vùng thượng vị (phía trên rốn), cơn đau có thể giảm sau khi ăn, nhưng sau đó lại đau liên tục hơn.
- Nôn hoặc đi ngoài phân đen: Ung thư dạ dày có thể gây xuất huyết tiêu hóa, dẫn đến nôn máu hoặc đi ngoài phân đen.
- Ợ hơi: Xuất hiện sau khi ăn no, ăn đồ cay, hoặc uống nước có gas, nhưng thường mất đi nhanh chóng. Nếu ợ hơi xuất hiện liên tục, có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày.
- Nuốt nghẹn: Có thể xuất phát từ khối u gần tâm vị hoặc ở đoạn nối tâm vị, gây cảm giác khó chịu khi nuốt thức ăn.
- Gầy sút cân: Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn, sút cân mà không xác định được nguyên nhân cụ thể.
- Buồn nôn và nôn: Buồn nôn và nôn kèm theo chán ăn, ợ chua có thể là biểu hiện của ung thư dạ dày.
4. Nguyên nhân gây ung thư dạ dày
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày thường có liên quan đến các yếu tố như tổn thương tiền ung thư, yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền.
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Được xem là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày, vi khuẩn HP gây viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, tạo ra các tổn thương tiền ung thư.
- Thói quen sinh hoạt: Ăn các thức ăn chứa Nitrat như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói có thể tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
- Béo phì: Người béo phì có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với người có cân nặng bình thường.
- Nhóm máu: Người thuộc nhóm máu A có khả năng mắc ung thư dạ dày cao hơn so với các nhóm máu khác.
- Tiền sử phẫu thuật dạ dày: Bệnh nhân đã phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư cao sau khoảng 15-20 năm.
- Di truyền.
5. Đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày nên tầm soát và kiểm tra sức khỏe định kỳ như:
- Những người ở độ tuổi cao, đặc biệt là trên 50 tuổi.
- Những người có tiền sử gia đình với ung thư dạ dày, bệnh đa polyp tuyến gia đình hoặc ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyps.
- Những người bị viêm loét dạ dày – tá tràng mãn tính hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
- Những người đã phẫu thuật cắt dạ dày.
- Những người thường xuyên tiêu thụ đồ muối, đồ nướng và thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
- Những người có thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Những người có các triệu chứng nghi ngờ về ung thư dạ dày như đau bụng, ợ hơi và ợ chua kéo dài.
II. Phương pháp chăm sóc sức khỏe cho người ung thư dạ dày
1. Nguyên tắc ăn uống đối với người bệnh ung thư dạ dày
Người mắc bệnh ung thư dạ dày nên tuân thủ chế độ ăn uống khắt khe, hỗ trợ cơ thể thích ứng với liệu pháp điều trị ung thư. Chế độ ăn của bệnh nhân cần đủ chất béo, tinh bột, sắt, canxi, chất xơ hòa tan và vitamin D. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh các thực phẩm chua, ngọt, chất kích thích, thực phẩm lên men.
Ngoài ra, quy tắc quan trọng trong việc chuẩn bị và bảo quản thức ăn cũng cần được tuân thủ:
- Phân chia bữa ăn thành 8-10 bữa mỗi ngày, xen kẽ giữa bữa chính và các bữa phụ.
- Bảo quản thức ăn ở nhiệt độ mát.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm thô, cứng hoặc nướng cháy.
- Ưu tiên chế biến thức ăn đơn giản, mềm và xay nhuyễn.
- Tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm tiệt trùng cẩn thận thực phẩm trước khi chế biến.
- Tránh sử dụng chất phụ gia trong quá trình chế biến thức ăn.
2. Người bệnh ung thư dạ dày nên ăn gì?
2.1. Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Người mắc ung thư dạ dày cần duy trì việc uống khoảng 2 lít mỗi ngày, để ngăn chặn tình trạng mất nước và hỗ trợ dạ dày hoạt động tốt. Bệnh nhân có thể uống nước lọc, nước ép hoa quả, nước từ rau củ để phong phú hơn thực đơn. Bên cạnh đó, thời điểm uống nước lọc tốt nhất là buổi sáng, sau khi thức dậy và trước bữa ăn một giờ.
2.2. Tăng cường protein trong chế độ ăn
Protein đóng vai trò trong việc tạo ra kháng thể, chống lại nhiễm trùng và củng cố hệ thống miễn dịch cho người ung thư dạ dày, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Protein cũng giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, giảm tiêu chảy. Trong thực đơn của người bệnh nên chứa nguồn thực phẩm như trứng, sữa, thịt gia cầm, tôm, cá, cua, phô mai, bơ, hạt, đậu nành. Tuy nhiên, cần hạn chế thịt màu đỏ như thịt trâu, thịt bò vì không có lợi cho hệ tiêu hóa của người ung thư.
2.3. Bổ sung trái cây và rau quả
Trái cây, rau quả là những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Đối với những người mới phẫu thuật ung thư dạ dày, vitamin và khoáng chất trong trái cây, rau quả có thể giúp vết thương lành nhanh và chống lại các tác nhân gây hại. Người ung thư dạ dày nên ăn trái cây và rau quả giàu vitamin A, C, E như cà chua, cà rốt, bí đỏ, chuối, bưởi ngọt, rau xanh.
2.4. Chế độ ăn chứa ít chất xơ
Người mắc ung thư dạ dày cần lưu ý bổ sung chất xơ với hàm lượng vừa phải. Tốt nhất, lượng chất xơ bổ sung cho cơ thể khoảng 6-10g/ngày và tránh ăn quá nhiều chất xơ trong một lần. Đối với những người ung thư dạ dày, lượng chất xơ cao có thể gây đầy bụng, khó chịu và tiêu chảy. Các loại thực phẩm ít chất xơ như chuối, táo, đu đủ, nước ép hoa quả và rau củ như bí xanh, bí đỏ, khoai lang, khoai tây, sắn là rau quả phù hợp với chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân.
2.5. Bổ sung nấm và đậu phụ
Đậu phụ chứa isoflavone giúp kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư, còn nấm cung cấp polysaccharide hỗ trợ hệ miễn dịch và ức chế tế bào ung thư. Ngoài ra, nấm giàu selen và vitamin D, giúp tăng cường sức đề kháng. Do đó, người bị ung thư nên thêm đậu phụ và nấm vào chế độ ăn hàng ngày.
3. Người bệnh ung thư dạ dày nên kiêng gì?
3.1. Đồ ăn, thức uống chứa chất kích thích
Các chất kích thích thường xuất hiện trong rượu, bia, cà phê và thuốc lá đều là các yếu tố gây ra bệnh ung thư dạ dày. Do đó, những người đang mắc bệnh này cần tuyệt đối tránh các sản phẩm như rượu, bia và thuốc lá. Hơn nữa, việc tránh sử dụng đồ uống chứa cafein cũng cần thiết để ngăn chặn tình trạng mất nước, có hại cho người ung thư dạ dày.
3.2. Thực phẩm lên men và đồ chua
Thực phẩm lên men tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tế bào ung thư. Người bệnh cần tránh xa những loại thực phẩm như dưa muối, cà muối, thịt muối. Đồng thời, bệnh nhân ung thư dạ dày không nên ăn các loại quả như chanh, dâu, bưởi và cam.
3.3. Hạn chế thực phẩm nhiều đường
Người mắc bệnh ung thư nên giảm tiêu thụ các thực phẩm nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, bánh quy để tránh tình trạng tổn thương hệ thống tiêu hóa đang yếu.
3.4. Không sử dụng thực phẩm mặn hay chế biến chiên, nướng
Thực phẩm được chế biến bằng cách nướng với nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất gây ung thư dạ dày và làm tổn thương nghiêm trọng sức khỏe. Người bệnh ung thư cần tuân thủ chế độ ăn nhạt, giảm muối và tránh xa các chất phụ gia.
III. Phương pháp phòng tránh ung thư dạ dày
1. Điều trị triệt để các bệnh lý dạ dày
- Không chủ quan khi mắc bệnh dạ dày, nên đi khám bác sĩ để điều trị triệt để.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ngừng thuốc một cách đột ngột.
2. Chế độ ăn lành mạnh để bảo vệ sức khỏe dạ dày
- Loại bỏ thực phẩm có hại như đồ chế biến sẵn, thực phẩm mặn và dầu mỡ.
- Bổ sung chất xơ và vitamin từ rau xanh, trái cây.
- Ăn chậm, nhai kỹ và duy trì đúng giờ ăn.
3. Vận động và tập luyện thường xuyên
- Tập thể dục giúp tăng cường sức đề kháng và kiểm soát cân nặng.
- Duy trì thói quen tập luyện để phòng ung thư dạ dày.
4. Giữ tinh thần thoải mái và lạc quan
- Giảm căng thẳng bằng cách thực hiện yoga, thiền hoặc các hoạt động thể chất yêu thích.
- Tạo đời sống tinh thần tích cực, tránh căng thẳng để giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
5. Tránh tiếp xúc với chất độc hại
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường chứa hóa chất độc hại.
- Nếu cần phải làm việc trong môi trường này, hãy sử dụng đồ bảo hộ lao động.
Lời kết: Trên đây là một số phương pháp phòng tránh ung thư dạ dày đơn giản và hiệu quả cao. Hy vọng qua những thông tin trong bài viết giúp bạn đọc có thêm thông tin hữu ích trong việc điều trị và phòng ngừa ung thư dạ dày. Và hãy nhớ tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để bảo vệ sức khỏe cũng như có biện pháp can thiệp hiệu quả nhé.
NGUỒN THAM KHẢO
https://careplusvn.com/vi/benh-ung-thu-da-day-la-gi-dau-hieu-nhan-biet-som-va-cach-phong-benh
https://www.vinmec.com/vi/ung-buou-xa-tri/cac-loai-ung-thu-pho-bien/ung-thu-da-day-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-va-dieu-tri/
https://medlatec.vn/tin-tuc/7-dau-hieu-ung-thu-da-day-giai-doan-muon-khong-nen-bo-qua-s67-n31151
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ