Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày và cách chủ động phòng ngừa hiệu quả

22 lượt xem

3 chế độ chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị viêm loét dạ dày hiệu quả

Viêm loét dạ dày là căn bệnh phổ biến mà nhiều người mắc phải. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dễ dàng được chữa khỏi. Ngược lại, nếu để lâu ngày, căn bệnh này có thể gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Cùng chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh này cũng như cách chủ động phòng ngừa bệnh.

I. Những thông tin quan trọng về viêm loét dạ dày

1. Bệnh viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là một loại tổn thương gây ra sự viêm nhiễm và hình thành loét trên niêm mạc của dạ dày. Các tổn thương này xuất hiện khi lớp niêm mạc bảo vệ cuối cùng của dạ dày bị bào mòn và làm lớp mô bên dưới bị lộ ra. Bệnh viêm loét dạ dày có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa với những vết loét lớn và chảy máu. Nếu viêm loét dạ dày không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ tử vong do mất máu.

Theo thông tin từ Hội Khoa học Tiêu hóa, tại Việt Nam, có đến 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Đặc biệt, tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày đang ngày càng trẻ hóa, với đa số dưới 40 tuổi chiếm khoảng 20-25%. Đây là một con số đáng báo động về tình hình mắc bệnh viêm loét dạ dày.

2. Triệu chứng viêm loét dạ dày

Với lối sống hiện nay, ngày càng nhiều người bị viêm loét dạ dày. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số triệu chứng điểm hình của viêm loét dạ dày, bạn cần biết:

2.1. Đau vùng thượng vị

Dấu hiệu sớm nhất của viêm loét dạ dày có thể được nhận biết thông qua cảm giác đau ở vùng bụng trên. Cơn đau này có thể biến đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và xuất hiện mọi lúc trong ngày, kể cả khi đang ngủ.

2.2. Khó chịu, buồn nôn

Bị viêm loét dạ dày sẽ khiến người bệnh cảm thấy bị đau và khiến cho dạ dày co bóp mạnh hơn. Từ đó, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn và nôn do chức năng của dạ dày bị suy yếu.

2.3. Không muốn ăn, ăn không ngon

Bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày thường trải qua tình trạng mệt mỏi, cảm giác đắng miệng, giảm khả năng cảm nhận vị giác và không có ý thức muốn ăn. Đây là những dấu hiệu phổ biến mà hầu hết mọi bệnh nhân đều phải đối mặt.

2.4. Rối loạn tiêu hóa

Viêm loét dạ dày không chỉ gây chứng táo bón hoặc tiêu chảy mà còn dẫn đến sự rối loạn trong chức năng tiêu hóa. Những triệu chứng này là một biểu hiện không tốt của bệnh lý lên hệ thống tiêu hóa. Từ đó tạo ra sự không ổn định và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của cơ thể.

2.5. Gây mất ngủ, giảm cân đột ngột

Các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa thường dẫn đến việc giảm cân nhanh chóng do ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Điều này thường đi kèm với tình trạng mệt mỏi và mất ngủ kéo dài.

3. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày

  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày thông qua đường tiêu hóa. Vi khuẩn xâm nhập vào bao tử, tạo độc tố làm tổn thương niêm mạc và ức chế khả năng tự bảo vệ của dạ dày.
  • Tăng tiết axit trong dạ dày do nhiều yếu tố gây nên như di truyền, hút thuốc lá, căng thẳng do công việc, cuộc sống
  • Sử dụng nhiều các loại thuốc như chống viêm, kháng sinh trong thời gian dài, gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison, hiếm gặp, tạo ra tình trạng dư thừa axit trong dạ dày.

4. Đối tượng dễ mắc viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày có thể xảy đến với bất kỳ đối tượng nào. Tuy nhiên, nó thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi. Hoặc những người có yếu tố sau đây cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày cao hơn:

  • Hút thuốc lá và sử dụng rượu/cồn thường xuyên: Thuốc lá có chất độc hại có thể làm suy giảm cơ chế bảo vệ dạ dày, làm tăng khả năng tổn thương niêm mạc dạ dày. Trong khi đó, rượu và đồ uống có cồn làm vết loét khó lành và kích thích sản xuất axit, khiến tình trạng viêm loét dạ dày xảy ra nghiêm trọng hơn.
  • Căng thẳng và lo lắng: Trạng thái căng thẳng kéo dài có thể làm tăng tiết dịch vị dạ dày, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này và tăng nguy cơ viêm loét.
  • Thói quen ăn uống và sinh hoạt không điều độ: Bỏ bữa sáng, ăn uống không đúng giờ, thức khuya và thiếu vận động là những thói quen có thể tăng nguy cơ phát triển viêm loét dạ dày.

5. Biến chứng của viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính là tình trạng không đáng lo ngại và có thể chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, phương pháp điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Đồng thời, nó cũng tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Một số biến chứng của viêm loét dạ dày có thể kể đến như:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Là một trong những biến chứng thường gặp, có thể gây mất máu, chóng mặt, da nhợt nhạt, nôn máu hoặc phân đen.
  • Thủng dạ dày: Vết loét kéo dài có thể gây thủng dạ dày, gây ra những cơn đau bụng đột ngột và mạnh mẽ.
  • Hẹp môn vị: Viêm loét dạ dày có thể hình thành mô viêm xơ tại môn vị, làm ngăn chặn quá trình vận chuyển thức ăn, dẫn đến triệu chứng như nôn, ói, bụng đau và sụt cân nhanh.
  • Ung thư dạ dày: Viêm loét dạ dày tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.

II. 3 chế độ chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị viêm loét dạ dày hiệu quả

1. Chế độ dinh dưỡng cho người viêm loét dạ dày

1.1. Viêm loét dạ dày nên ăn gì?

  • Ưu tiên đồ ăn chứa nhiều tinh bột, dễ tiêu, ít mùi như bột sắn, gạo nếp, và bánh mì.
  • Nên ăn những đồ ăn mềm, ninh nhừ hoặc được băm nhỏ, xay, nghiền, tránh thức ăn rán, xào dầu mỡ.
  • Tăng cường bổ sung rau xanh, đặc biệt là rau giàu chất xơ và magie để cải thiện tiêu hóa.
  • Bổ sung thực phẩm Probiotic, chủ yếu là sữa chua, để cân bằng đường ruột và ổn định tiêu hóa. Đồng thời, một số thực phẩm như táo, dâu tây, ổi, lê giúp tăng lợi khuẩn và cân bằng vi sinh.
  • Chọn các loại ngũ cốc như đậu, lúa mì, yến mạch, giàu chất xơ để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt và cân bằng axit dư thừa.
  • Bổ sung các thực phẩm có tính chống viêm cao như nghệ, cà chua, đu đủ và bông cảnh xanh để bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ lành vết loét.
  • Bổ sung vitamin A, B, C, E thông qua khoai lang, khoai tây, thanh long để tái cấu trúc niêm mạc dạ dày và hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

1.2. Viêm loét dạ dày kiêng ăn gì?

  • Không dùng sữa tươi vì thực phẩm này có thể kích thích tiết axit và tăng mức độ viêm loét dạ dày.
  • Hạn chế đồ uống có cồn và chất kích thích như bia rượu và caffeine: chúng có thể gây hại cho hệ tiêu hóa và đặc biệt là dạ dày.
  • Tránh trái cây họ cam chanh: chúng có hàm lượng axit cao, có thể làm lan rộng các vết loét. Đặc biệt, không nên ăn trái cây chứa nhiều axit khi đói.
  • Hạn chế thực phẩm lên men như kim chi, dưa góp, mắm tôm: chúng có thể biến đổi axit trong dạ dày và tăng nguy cơ gây ung thư.
  • Tránh đồ cay nóng và gia vị cay: chúng có thể kích thích và gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
  • Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ: chúng làm tăng thời gian tiêu hóa, gây chướng bụng, đau bụng, đặc biệt là đối với người bị viêm loét dạ dày.

2. Chế độ sinh hoạt cho người bị viêm loét dạ dày

  • Ăn uống khoa học: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và ăn đúng giờ sẽ đồng thời cải thiện tình trạng bệnh một cách hiệu quả. Hạn chế đồ cay nóng để tránh làm tổn thương dạ dày.
  • Ăn chậm, nhai kỹ giúp giảm áp lực lên dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Uống nước khoa học, đặc biệt là vào buổi sáng và trước khi ăn khoảng 1 giờ.
  • Không nên nhịn đói, vì khi đói dạ dày sẽ tiết acid và gây đau bụng.
  • Tránh vận động mạnh sau khi ăn để không làm rối loạn quá trình tiêu hóa và tránh đau bụng.
  • Hạn chế stress, căng thẳng, lo lắng vì stress có thể gia tăng axit dạ dày, gây viêm loét và đau bụng.
  • Tránh thức khuya, vì thức khuya là mối nguy hại đối với sức khỏe tổng thể và đặc biệt nó làm tăng tiết acid dạ dày, làm trầm trọng tình trạng viêm loét dạ dày.

3. Chế độ tập luyện dành cho người viêm loét dạ dày

Dưới đây là một số bài tập vận động tác động tích cực đến sự hoạt động của dạ dày, từ đó cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Bạn đọc có thể tham khảo:

3.1. Bài tập: Thả lỏng cơ thể

Nằm ngửa trên sàn hoặc thảm, chân duỗi thẳng để cơ thể giãn ra. Thực hiện việc hít thở thoải mái, thả lỏng cơ thể và xoa bụng để giảm cơn đau. Với động tác này, nên thực hiện trong khoảng 10 phút. Bài tập này không chỉ giúp giảm đau vùng bụng mà còn giúp thư giãn đầu óc và giãn cơ toàn bộ cơ thể.

3.2. Bài tập: Kích thích tiêu hóa

Đứng ở tư thế thẳng, chân rộng bằng vai và đưa 2 tay đưa ra trước mặt. Đếm theo nhịp và từ từ ngồi xuống tay vẫn giữ ở tư thế thẳng đứng. Nhịp thở đều đặn nhịp nhàng, khi đứng lên hít vào và ngồi xuống thở ra.

Tập động tác này kiên trì trong khoảng 5-10 phút sẽ giúp kích thích hoạt động co bóp tiêu hóa thức ăn, hạn chế tích lũy mỡ thừa tại vùng bụng. Vừa giúp giảm bệnh viêm loét dạ dày lại có thể giảm mỡ bụng, 1 động tác có 2 lợi ích nên mọi người có thể tập luyện thường xuyên.

3.3. Bài tập: Động tác xoa bụng

Ngoài các bài tập thể dục ở trên, một số động tác xoa nhẹ nhàng cũng giúp giảm cơn đau dạ dày nhanh chóng: Đặt 2 tay chồng lên nhau rồi xoa bụng nhẹ nhàng tại vị trí vùng thượng vị. Xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ vừa xoa vừa ấn nhẹ nhẹ để kích thích tiêu hóa. Một số trường hợp có thể dùng ít dầu nóng xoa lên vùng bụng để nhiệt độ cao kết hợp với massage sẽ giúp giảm cơn đau nhanh.

Lời kết: Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về căn bệnh viêm loét dạ dày. Hy vọng sau bài viết này, bạn đọc có thể hiểu hơn về bệnh viêm loét dạ dày. Từ đó xây dựng cho mình lối sống lành mạnh để chăm sóc bản thân được tốt hơn. Chúc các bạn luôn có một sức khỏe dồi dào.

 

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận