Người Bị Viêm Mũi Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Bệnh Không Trở Nặng?

23 lượt xem

Người Bị Viêm Mũi Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Bệnh Không Trở Nặng?

Viêm mũi gây ra rất nhiều trở ngại, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bên cạnh các loại thuốc đặc trị thì dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt lành mạnh ảnh hưởng khá nhiều đến việc điều trị. Vậy bị viêm mũi nên kiêng gì và ăn gì? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!

1. Thông tin quan trọng về bệnh viêm mũi bạn cần biết.

1.1. Bệnh viêm mũi là gì?

Viêm mũi là sự viêm nhiễm gây sưng huyết, phù nề xảy ra trên bề mặt niêm mạc hốc mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn, dị ứng… Viêm mũi là bệnh tai mũi họng phổ biến, chiếm đến 15 – 17% dân số hiện nay.

Viêm mũi được phân thành 3 loại chính:

  • Viêm mũi nhiễm trùng: do vi khuẩn hoặc virus gây ra, gồm viêm mũi cấp tính và mạn tính.
  • Viêm mũi vận mạch (vasomotor): thường là chứng viêm mũi tự phát, nghẹt mũi, phù nề niêm mạc cuốn mũi nhưng không chảy mũi.
  • Viêm mũi dị ứng: gây ra bởi các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, súc vật, bụi và các chất gây dị ứng hít vào.
  • Viêm mũi có thể gây ra rất nhiều biến chứng nặng nề như: Viêm xoang, viêm tai giữa, viêm kết mạc, viêm phổi….

1.2. Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi

Viêm mũi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân dưới đây:

  • Thời tiết thay đổi: gây viêm mũi cấp tính do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ và độ ẩm nhiều lần trong ngày khiến niêm mạc mũi không thích nghi kịp, bị kích thích dẫn đến viêm mũi.
  • Ô nhiễm không khí: viêm mũi thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với khói bụi, chất khí thải do tổn thương niêm mạc mũi.
  • Vi sinh vật: gây viêm mũi nhiễm trùng với các tác nhân như virus, nấm, vi khuẩn… phát triển trong môi trường sống không sạch sẽ và xâm nhập qua mũi gây viêm mũi.
  • Thay đổi nội tiết: viêm mũi thường xuất hiện khi cơ thể có những rối loạn hormone như ở tuổi dậy thì, mang thai… Ngoài ra, người thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Thuốc: nếu người bệnh lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch (decongestion) trong thời gian dài, khiến niêm mạc mũi bị xơ hóa rất dễ dẫn đến xung huyết, phù nề niêm mạc.
  • Các bệnh lý khác: Viêm VA (hay gặp ở trẻ em), viêm amidan, viêm họng… cũng có thể dẫn đến bị viêm mũi.

1.3. Các triệu chứng thường gặp

Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi có thể diễn tiến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chúng thường ảnh hưởng đến khoang mũi, cổ họng và mắt của người bệnh, bao gồm:

  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Ngứa mũi, họng, mắt và tai
  • Chảy dịch mũi sau
  • Hắt xì
  • Ho
  • Viêm họng
  • Chảy nước mắt
  • Ngủ ngáy
  • Đau đầu
  • Đau mặt
  • Giảm khứu giác, vị giác hoặc thính giác.

2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị bệnh viêm mũi bạn biết chưa?

2.1. Người bị viêm mũi nên ăn gì và kiêng gì để bệnh không trở nặng

2.1.1. Các thực phẩm tốt cho người bị viêm mũi

Người mắc viêm mũi, đặc biệt là viêm mũi dị ứng nên tăng cường các loại thực phẩm sau:

Thực phẩm giàu vitamin C

Các loại thực phẩm giàu vitamin C như: súp lơ, bông cải xanh, ớt chuông, như cam, bưởi… có tác dụng tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch, rất tốt cho người bệnh viêm mũi dị ứng.

Thực phẩm giàu omega-3

Một số nghiên cứu cho thấy axit béo omega-3 (có nhiều trong các loại cá: cá ngừ, cá hồi, cá thu…) có thể làm giảm nguy cơ phát triển dị ứng. Các thực phẩm này cũng giúp ngăn ngừa các phản ứng sưng tấy tại đường hô hấp.

Chất lỏng ấm

Bổ sung nước ấm, canh, súp ấm… sẽ giúp loại bỏ tắc nghẽn trong đường thở, làm loãng dịch nhầy và hỗ trợ quá trình lưu thông.

Mật ong, hành, tỏi, gừng, bạc hà, rau mùi

Đây đều là những thực phẩm có lợi cho người bị viêm mũi. Do đó, người bệnh có thể bổ sung chúng một cách hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày.

2.1.2. Các thực phẩm người bị viêm mũi nên kiêng

Các thực phẩm gây dị ứng

Người bị viêm mũi cần tránh những thực phẩm gây dị ứng gây kích thích niêm mạc cổ họng, làm tăng nguy cơ bệnh tái phát như:

  • Các loại hạt: Hạt dưa, đậu phộng, hạt bí,…
  • Thịt bò chứa hàm lượng protein cao nhưng dễ gây dị ứng.
  • Các thực phẩm khác: côn trùng, nấm, đào, cần tây,…
  • Hải sản: tôm, cua, mực, trứng.

Đồ ăn cay nóng

Các loại đồ ăn cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt cũng có thể khiến bệnh nhân bị ho, sổ mũi, hắt xì… Bên cạnh đó, đồ ăn cay nóng cũng dễ khiến axit dạ dày trào lên trên cổ, gây ảnh hưởng xấu tới tai – mũi – họng. Vì vậy, bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên hạn chế tới mức tối đa việc sử dụng các loại thực phẩm này.

Sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể làm tăng chất nhầy trong mũi, gây tắc mũi. Hiện tượng ẩm ướt, tắc mũi gây cản trở lưu thông khí trong các rãnh xoang, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển, làm viêm mũi dị ứng trở nên nặng hơn.

Bia và rượu

Đồ uống có cồn như bia, rượu chứa sulfit có khả năng kích hoạt một loạt các phản ứng dị ứng bao gồm viêm mũi, ngứa, sưng mặt, nhức đầu ho và hen suyễn.

2.2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bệnh viêm mũi bằng chế độ sinh hoạt

  • Tránh sử dụng thuốc nhỏ mũi một cách bừa bãi hoặc hạn chế sử dụng chúng. Nếu bị ngạt mũi thì trong ngày đầu tiên cố gắng đừng đụng tới thuốc nhỏ mũi.
  • Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi thích hợp, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luyện tập để duy trì sức đề kháng chung chống nhiễm trùng.
  • Giữ sạch môi trường xung quanh, tránh xa khói thuốc lá, bụi và các chất ô nhiễm. Đeo khẩu trang khi ra đường và khi làm việc nơi có nhiều bụi bặm, hóa chất.
  • Vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên. Tránh uống rượu vì có thể làm viêm mũi nặng hơn.
  • Thường xuyên vệ sinh mũi khi bị cảm cúm, tiếp xúc khí lạnh.
  • Cần điều trị các tác nhân gây viêm mũi như cúm, sởi, polyp mũi, nạo VA…

2.3. 5 bài tập yoga chữa viêm mũi hiệu quả, đơn giản

Tư thế gập người về phía trước (Uttanasana)

Tư thế gập người về phía trước (Uttanasana) là một trong những động tác yoga đang được ứng dụng rộng rãi trong điều trị viêm mũi. Theo các chuyên gia, những người thường xuyên tập luyện có tác dụng thư giãn thần kinh, giảm đau đầu hoặc đau nhức mũi xoang, giải tỏa căng thẳng, làm thông thoáng đường thở.

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Đầu tiên cần đứng thẳng người trên sàn nhà. Sau đó hai chân mở rộng ngang vai và thả lỏng cả hai tay dọc theo cơ thể.
  • Bước 2: Tiếp đến nhẹ nhàng hít vào một hơi thật sâu kết hợp cúi gập phần thân trên xuống sao cho càng áp sát 2 chân càng tốt. Úp hai bàn tay xuống sàn ở ngang bàn chân. Giữ cho đầu gối luôn thẳng.
  • Bước 3: Hãy giữ khoảng 15 giây. Từ từ thở ra rồi quay trở lại tư thế đứng ban đầu.
  • Bước 4: Lặp lại động tác theo các bước hướng dẫn ở trên vài lần liên tục. Khi mới bắt đầu làm quen, bạn cố gắng giữ ở tư thế gập người trong khoảng 10 – 15 giây. Sau đó có thể tăng dần thời gian lên từ 30 – 90 giây.

Tư thế gập mình – Paschimottanasana

Tư thế gập mình không chỉ mang lại tác dụng giúp xoa dịu cơn đau đầu, đau nhức mũi, đau họng do viêm mũi gây ra mà còn giúp kích thích lưu thông máu, giải tỏa căng thẳng thần kinh.

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Đầu tiên người tập hãy ngồi trên sàn nhà, hai chân duỗi thẳng ra phía trước và đặt song song nhau. Cột sống lưng giữ thẳng, hai tay buông lỏng đặt cạnh mông.
  • Bước 2: Tiếp đến, hít một hơi thật sâu để bơm đầy khí trong buồng phổi. Từ từ thở ra kết hợp gập lưng xuống để ngực áp sát hai cẳng chân. Ngón chân căng lên hướng về phía đầu. Tay phải giữ lấy bàn tay trái và đặt phía trước lòng bàn chân.
  • Bước 3: Giữ nguyên tư thế trên trong 45 giây, hít thở đều đặn.
  • Bước 4: Cuối cùng thả lỏng cơ thể, nghỉ 1 phút rồi lặp lại theo cách tương tự thêm vài lần nữa.

Tư thế hình cây cầu (Setu Bandhasana)

Tư thế này được thực hiện nhằm mục đích làm giãn đường thở, tăng lượng không khí lưu thông qua mũi, giảm nghẹt mũi, đau đầu. Với những tác dụng trên, động tác yoga này được nhiều bệnh nhân lựa chọn để tập luyện tại nhà nhằm hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang rất hiệu quả.

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Đầu tiên, hãy nằm ngửa trên một mặt phẳng có không gian rộng rãi, hai tay đặt dọc theo cơ thể và úp lòng bàn tay xuống.
  • Bước 2: Tiếp đến, cần gập hai chân lên, lòng bàn chân chạm sàn để lấy lực đẩy hông và phần thân giữa lên cao.
  • Bước 3: Sau đó, hãy đặt cằm chạm vào ngực. Hai tay đan vào nhau để phía dưới gót chân hoặc giữa hai bên mắt cá chân để uốn cong cơ thể.
  • Bước 4: Duy trì tư thế trên trong 30 giây rồi thả lỏng lưng. Từ từ duỗi chân ra đưa cơ thể trở về tư thế nằm.
  • Bước 5: Thực hiện thêm 2 – 3 lần nữa. Ở những lần tập sau, bạn có thể kiễng chân để đẩy phần hông lên cao hơn.

Tư thế tam giác (Trikonasana)

Tư thế này giúp mở rộng khoang ngực, tăng cường hô hấp giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn, giảm mệt mỏi, căng thẳng nhất là với những người bị viêm mũi.

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Trước hết hãy đứng thẳng trên sàn nhà, giữ cho hai chân giang rộng qua vai sao cho chân trái để ở xa cơ thể hơn so với chân phải.
  • Bước 2: Sau đó, hít sâu rồi từ từ thở ra. Kết hợp uốn cong cơ thể xuống sao cho tay phải chạm đất, tay trái đưa lên cao qua đầu hợp với vai và tay phải thành một đường thẳng.
  • Bước 3: Để khoảng 10 giây rồi đưa người trở về trạng thái ban đầu, đổi bên. Mỗi bên thực hiện 5 lần.

Tư thế ống bễ (Pavanamuktasana)

Động tác này có khả năng giúp kích thích thần kinh, tăng cường lưu thông máu lên vùng xoang mũi giảm các tổn thương do viêm mũi gây nên.

Các bước thực hiện

  • Bước 1: Đầu tiên, hãy nằm ngửa trên thảm tập và để hai chân áp sát vào nhau. Tay để xuôi theo cơ thể.
  • Bước 2: Sau đó, cần hít vào một hơi thật sâu rồi từ từ thở ra kết hợp gập hai chân lại đẩy đầu gối về phía trước ngực. Phần đùi áp sát bụng và dùng hai tay vòng qua đầu gối để giữ cố định hai chân.
  • Bước 3: Cuối cùng, hít thở đều đặn và giữ tư thế trên trong 20 giây sau đó thả lỏng ra. Lặp lại động tác tương tự từ 3 – 10 lần.

2.4. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh viêm mũi

Nếu là viêm mũi dị ứng thì cứ tiếp xúc với dị nguyên hoặc thay đổi thời tiết bạn sẽ bị chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì hơi,…. Tuy nhiên bạn có thể phòng ngừa tương đối bằng cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu viêm mũi không do dị ứng, dưới đây là những điều người bệnh có thể thực hiện để phòng bệnh:

  • Không sử dụng thuốc thông mũi bừa bãi mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Điều quan trọng nhất là phải tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, các thực phẩm giàu omega-3, ăn uống đủ chất và ăn ngủ một cách khoa học.
  • Không nên chủ quan với mọi biểu hiện của bệnh ở mũi dù ở dạng nhẹ. Nên đi khám xác định nguyên nhân để được điều trị, đúng, kịp thời.

Kết luận: Trên đây là những thông tin về những thực phẩm cần tránh và nên ăn mà Nhà thuốc HK Care muốn giới thiệu đến những bệnh nhân bị viêm mũi. Hy vọng nhờ đó, bạn sẽ nắm được thông tin để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh nhanh khỏi hơn và không bị tái phát.

Tài liệu tham khảo

https://tamanhhospital.vn/viem-mui/

https://www.nhathuocankhang.com/benh/viem-mui

 

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận