Gàu là gì? 10 nguyên nhân khiến bạn bị gàu và cách phòng ngừa từ chuyên gia

48 lượt xem

Gàu thường không phải là căn bệnh nghiêm trọng nhưng lại khiến người gặp phải tình trạng này đau đầu, phiền não. Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Cách phòng ngừa ra sao? Cùng tìm hiểu ngay dưới đây để sớm lấy lại da đầu khỏe mạnh cùng mái tóc bồng bềnh cuốn hút nhé!

1. Thông tin quan trọng về bệnh gàu bạn cần biết

1.1 Gàu là gì? Dấu hiệu khi bị bệnh gàu

Theo Bệnh viện Mayo (Mayo Clinic) cho biết, gàu là một dạng viêm da tiết bã nhẹ, khiến những vảy rời từng mảng hay rơi lấm tấm trên da đầu cũng như tóc. Nó không truyền nhiễm hoặc nghiêm trọng, nhưng lại gây khó chịu và mất thẩm mỹ.  

Gàu (hay gầu, viêm tiết bã) phổ biến đến nỗi người trưởng thành nào cũng gặp phải tình trạng này. Chưa hết, gàu có thể điều trị khỏi nhưng vẫn quay trở lại, khó có thể loại bỏ triệt để. 

Dấu hiệu bị gàu rất dễ nhận biết: 

  • Bong da trên da đầu, tóc, lông mày, râu hoặc ria mép 
  • Vảy gàu trên tóc, ria mép, vai áo
  • Ngứa da đầu
  • Da đầu có vảy, đóng vảy ở trẻ sơ sinh (bị “cứt trâu”)

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn bị căng thẳng và chúng có xu hướng bùng phát vào mùa khô, lạnh.

1.2 Ai thường bị gàu

Hầu hết ai cũng đều có thể bị gàu, nhưng một số yếu tố nhất định có thể khiến bạn dễ bị gàu hơn:

  • Tuổi tác: Gàu thường bắt đầu ở tuổi dậy thì và tiếp tục kéo dài đến tuổi trung niên. Điều đó không có nghĩa là người lớn tuổi không bị gàu. Thậm chí, đối với một số người, vấn đề này có thể kéo dài suốt đời.
  • Là nam giới: Gàu phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
  • Mắc một số bệnh: Ví dụ như bệnh Parkinson và các bệnh khác ảnh hưởng đến hệ thần kinh, từ đó làm tăng nguy cơ viêm tiết bã. Nhiễm HIV hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu cũng tương tự.

1.3 Nguyên nhân gây gàu

Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị gầu, bao gồm: 

  • Da dầu, dễ kích ứng
  • Da đầu khô, thiếu ẩm
  • Bị mắc một loại nấm giống nấm men (malassezia) 
  • Nhạy cảm với các sản phẩm chăm sóc tóc (viêm da tiếp xúc)
  • Thường xuyên sử dụng máy sấy tóc, uốn, nhuộm, duỗi… 
  • Thời tiết hanh khô, bụi bẩn, ô nhiễm…
  • Các tình trạng da khác, chẳng hạn như bệnh vẩy nến hoặc bệnh chàm

1.4 Những biến chứng thường gặp ở bệnh gàu

Bản thân gàu không gây rụng tóc. Tuy nhiên, viêm tiết bã nghiêm trọng có thể khiến bạn ngứa, và gãi da đầu mạnh đến mức bị thương.

Tình trạng viêm lặp đi lặp lại ở nang lông có thể gây tổn thương và để lại sẹo, làm tóc chậm hoặc ngừng phát triển. Điều này cũng có thể khiến tóc yếu hoặc mỏng. Xoắn tóc, chải mạnh hoặc gãi da đầu có thể khiến tình trạng rụng tóc này trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài ra, bị gàu cũng tiềm ẩn một số tình trạng bệnh lý bao gồm viêm da tiết bã, chàm, vẩy nến da đầu và nấm ngoài da đầu… Nên nếu bị gàu nghiêm trọng, mãi không hết, hãy đi khám bác sĩ.

1.5 Phân loại các loại gàu

Gàu được chia thành nhiều loại khác nhau, có thể kể đến như: 

  • Do da khô, da đầu quá khô có thể bị kích ứng, bong tróc các tế bào da
  • Do da nhờn, lượng dầu dư thừa kết tụ lại, gây kích ứng da đầu và sinh ra gầu
  • Do liên quan đến nấm
  • Do mắc một số bệnh lý: Viêm da tiết bã, bệnh chàm, vảy nến…

2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị bệnh gàu bạn biết chưa?

2.1 Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị gàu

Chế độ ăn uống có liên quan đến tình trạng gàu không? Theo Jessica Krant, MD, trợ lý giáo sư lâm sàng về da liễu tại Trung tâm Y tế SUNY Downstate ở New York, cho biết: “Một ‘chế độ ăn giảm gàu – dandruff diet’ có thể giúp ích.”

Nó bao gồm: 

Hạn chế đường

Cắt giảm đường có thể làm giảm tình trạng viêm, nhờ đó giảm thiểu sự xuất hiện của vảy gàu. Krant chia sẻ : “Đường và các loại carbs đơn giản có thể thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm nhiều hơn trong cơ thể chúng ta. Vì vậy, việc áp dụng chế độ ăn ít đường, giàu chất chống oxy hóa có thể giúp kiểm soát tình trạng gàu bùng phát”.

Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn và chất béo ‘xấu’ dễ dẫn đến tăng đột biến insulin. Việc này kích thích lượng hormone tăng cao, hệ quả là tăng sản xuất dầu. Việc hạn chế tổng thể các loại thực phẩm béo, thực phẩm chiên, chế biến sẵn, đường tinh luyện và gluten có thể giúp giảm gầu bong tróc.

Ăn nhiều trái cây và rau củ hơn

Hãy thêm nhiều trái cây và rau quả vào chế độ ăn uống của bạn. Bởi chúng chứa nhiều dinh dưỡng và chất xơ, thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Mà tiêu hóa kém có thể dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm cả các vấn đề về da như gàu. 

Joy Dubost, Tiến sĩ, RD, người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho biết: “Trên thực tế, nấu rau có thể giúp giải phóng một số chất dinh dưỡng cần thiết và không cần thiết để cơ thể bạn có thể hấp thụ chúng tốt hơn”. Bởi vậy, hãy ưu tiên ăn rau nấu chín và trái cây tươi sống để ngừa gàu.

Hạn chế thực phẩm lên men 

Một số chuyên gia khuyên bạn nên cắt giảm (nhưng không loại bỏ) bánh mì và rượu để hạn chế tình trạng gàu. 

Cùng với đó, nhiều giả thuyết cho rằng men trong chế độ ăn uống có liên quan đến gàu. Alan J. Bauman – bác sĩ phục hồi tóc ở Boca Raton, Fla, cho biết: “Sự phát triển quá mức của nấm men là một chủ đề tranh luận sôi nổi và có liên quan đến nhiều tình trạng, bao gồm cả gàu” Ví dụ như bánh mì và rượu khuyến khích sự phát triển của nấm.

Tích cực bổ sung chất béo lành mạnh

Các axit béo thiết yếu, bao gồm thực phẩm giàu axit béo omega-3 và omega-6 giúp hỗ trợ tóc và da khỏe mạnh nói chung.

Cố vấn dinh dưỡng Rebecca Bitzer, RD cho biết: “Chúng (acid béo tốt) đóng vai trò quan trọng trong chức năng và vẻ ngoài bình thường của da và có đặc tính chống viêm”. Các loại thực phẩm này bao gồm: Cá hồi, cá ngừ, bơ đậu phộng, hạt lanh… Các loại dầu ô liu nguyên chất, dầu hạt cải, quả bơ, quả óc chó và trứng…

Một số chuyên gia cũng cho rằng việc thêm dầu dừa vào chế độ ăn uống của bạn có thể cải thiện tình trạng gàu. Vì dầu dừa thường được thoa lên da đầu như một phương pháp trị gàu tại nhà. 

Bổ sung Biotin và Kẽm

Bổ sung Kẽm, biotin và vitamin nhóm B có thể cải thiện tình trạng gàu.

Krant nói: “Xà phòng và dầu gội trị gàu có chứa kẽm pyrithione, và việc bổ sung kẽm bằng đường uống giúp giảm bớt các đợt bùng phát gàu”. “Một nghiên cứu đã chứng minh là trẻ sơ sinh có ít biotin sẽ bị viêm da tiết bã ở trẻ em (cứt trâu) nhiều hơn.”

Điều đó có thể thấy rằng thực phẩm giàu kẽm và biotin có thể kiểm soát và làm giảm gàu. Thực phẩm giàu biotin bao gồm trứng, sữa chua, cà chua, cà rốt… Và thực phẩm giàu kẽm bao gồm hàu, cua, hạt bí ngô, đậu phộng và socola đen…

Tích cực ăn sữa chua

Sữa chua và nhiều loại thực phẩm chứa probiotic khác rất tốt cho sức khỏe của chúng ta. Probiotic cũng đã được chứng minh là cải thiện hệ thống miễn dịch của. Mà một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ có thể làm giảm nguy cơ gàu do nấm gây ra. 

Tuy nhiên, hãy lựa chọn sữa chua ít đường hoặc không đường, sữa chua hy lạp… Kết hợp với trái cây để tăng hiệu quả bổ sung

2.2 Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người gàu bằng chế độ sinh hoạt

Một lối sống lành mạnh mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe tổng thể cũng như da đầu của bạn – theo nhiều cách. Theo đó, hãy cố gắng:

Kiểm soát căng thẳng

Vì mức độ căng thẳng cao có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn và làm trầm trọng thêm một số tình trạng da. Trong đó có viêm da tiết bã, bệnh chàm và bệnh vẩy nến. Mà những bệnh này có thể khiến bạn bị gàu

Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh

Bao gồm nhiều axit béo omega-3, kẽm, vitamin B và men vi sinh. Đồng thời tránh những thực phẩm kém lành mạnh, nhiều dầu mỡ

Lựa chọn kỹ lưỡng dầu gội đầu và các sản phẩm chăm sóc tóc

Một trong những lý do khiến da dầu bị vảy, gầu là do chọn sai sản phẩm làm sạch, dưỡng tóc. Vậy nên, hãy lưu ý khi lựa chọn, bạn nên: 

  • Ưu tiên các sản phẩm làm sạch tóc, chăm sóc tóc có nguồn gốc tự nhiên an toàn, lành tính
  • Lựa chọn những sản phẩm không chứa hóa chất độc hại, dễ gây kích ứng
  • Cấp ẩm cho da đầu thường xuyên bằng cách dùng dầu xả, kem ủ tóc phù hợp
  • Cân nhắc sử dụng dầu dừa để cấp ẩm cho da đầu

Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh

Một chế độ sống, làm việc và sinh hoạt lành mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh, bao gồm cả da đầu. Hãy: 

  • Có kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý
  • Tránh thức khuya, bỏ bữa, ăn uống thiếu chất
  • Tập thể dục, vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Uống đủ nước

2.3 Chế độ tập luyện chủ động cải thiện tình trạng bệnh cho người bị gàu

Các bài tập Yoga có thể kiểm soát vảy gầu – bạn không nghe nhầm đâu. Nếu bạn đang bị gàu làm phiền, hãy cân nhắc tập các bài dưới đây: 

Paschimottasana (Cúi người về phía trước bằng hai chân)

Ở tư thế Paschimottanasana , phần sau của toàn bộ cơ thể từ đầu đến gót chân được kéo căng hoàn toàn. Điều này sẽ kiểm soát tình trạng rụng tóc và làm chậm quá trình lão hóa.

Balayam Yoga (Chà móng tay)

Bằng cách này, rễ của các nang tóc nối với móng tay sẽ “bơm năng lượng” đến da đầu cần thiết cho sự phát triển của tóc. Hành động này có thể chữa gàu và giảm tình trạng tóc bạc sớm.

Chakrasana (Nằm xoắn cơ thể)

Tư thế này cung cấp nhiều oxy hơn cho da đầu và ngăn ngừa sự hình thành gàu.

Adho Mukha Svanasana (Tư thế chó úp mặt)

Tư thế Adho mukha svanasana cho phép máu lưu thông đến não nhiều hơn, do đó cải thiện tình trạng của da đầu và từ đó giảm gàu.

Sarvangasana (Đứng bằng vai)

Sarvangasana làm tăng lượng máu và oxy cung cấp cho đầu. Tốt nhất nên thực hiện vào đầu giờ sáng vì nó làm giảm mệt mỏi do ngủ ít hoặc ngủ quá nhiều. Tư thế này cũng giúp cải thiện giấc ngủ khi tập vào buổi tối.

2.4 Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh bệnh gàu (bổ sung mới)

Bằng cách thực hiện những biện pháp dưới đây, bạn có thể tránh xa gầu hiệu quả. 

10 mẹo gội đầu giúp bạn giảm gàu và rụng tóc: 

  • Dùng dầu xả trước khi gội đầu hoặc bôi dầu dưỡng tóc trước khi tắm bằng các loại dầu chống nấm như dầu cây trà, dầu neem (dầu margosa)…
  • Chải tóc trước gội đầu và trước khi đi ngủ
  • Gội đầu bằng nước ấm (khoảng 35 – 40 độ) 
  • Sử dụng dầu gội trị gàu chuyên dụng
  • Gội đầu thường xuyên bằng dầu gội chứa thành phần hoạt chất như Zinc Pyrithione (ZPT) có khả năng ngăn ngừa gàu.
  • Tần suất gội đầu phù hợp, không gội đầu quá nhiều/quá ít mỗi tuần, tần suất phù hợp là 2 – 3 lần/tuần
  • Sử dụng dầu xả phù hợp
  • Chải tóc ướt bằng  ngón tay để giảm tác động kéo của lược trên tóc 
  • Xả tóc bằng nước mát
  • Làm khô tóc bằng khăn nhẹ nhàng, tránh chà xát tóc

Lời khuyên khác: 

  • Thay đổi thói quen làm tóc, hạn chế sử dụng hóa chất uốn, nhuộm… nhất có thể
  • Sử dụng những sản phẩm an toàn, không gây phản ứng xấu với tóc và da đầu, nhẹ nhàng và massage kỹ trong khi gội đầu. Nếu da đầu của bạn nhạy cảm, hãy gội đầu ít thường xuyên hơn.
  • Chống nắng cho tóc, mặc dù anh nắng mặt trời có thể giúp giảm gàu nhưng bạn không nên dành quá nhiều thời gian ở ngoài trời. Vì tia cực tím sẽ có hại cho tóc và da bạn

Lời kết

Với những chia sẻ trên đây, ắt hẳn bạn đã nắm được nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa gàu. Chúc bạn luôn sở hữu mái tóc bóng khỏe và sạch gầu. 

Nguồn tham khảo: 

  1. https://www.ndtv.com/health/9-foods-that-help-reduce-dandruff-3113383
  2. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/features/food-link
  3. https://www.headandshoulders.co.in/en-in/healthy-hair-and-scalp/hair-care/washing

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận