Contents
Chế Độ Dinh Dưỡng Lành Mạnh Cho Người Bị Ung Thư Tuyến Giáp
Ngoài việc điều trị bằng y học thì việc chăm sóc và củng cố chức năng tuyến giáp bằng chế độ dinh dưỡng cũng rất cần thiết đối với những bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Vì vậy bệnh ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì sẽ là nội dung được giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Thông tin quan trọng về bệnh ung thư tuyến giáp bạn cần biết.
1.1. Bệnh ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, có nhiệm vụ bài tiết các hormone giúp điều hòa chức năng trao đổi chất của cơ thể.
Ung thư tuyến giáp là tình trạng các tế bào tuyến giáp tăng sinh bất thường, quá mức cho phép. Bệnh lý này là bệnh ác tính nhất trong số các bệnh ung thư của tuyến nội tiết. Bởi khi tuyến giáp gặp vấn đề, các bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng. Thế nhưng, may mắn là bệnh lý này có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với các loại ung thư tuyến giáp khác nhau bao gồm:
- Nhú: có tiên lượng tốt hơn với tỷ lệ sống trên 5 năm đạt gần 100%.
- Nang: Gần 100% đối với khu trú; khoảng 63% cho di căn.
- Tuỷ: Gần 100% đối với khu trú; khoảng 40% cho di căn.
- Loạn sản: Gần 31% đối với khu trú; 4% cho di căn.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa xác định được cụ thể và chính xác các nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Tuy nhiên, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Cụ thể như sau:
- Rối loạn chức năng hệ miễn dịch: Đây là nguyên nhân đầu tiên gây nên bệnh. Khi chức năng của hệ miễn dịch bị rối loạn, khả năng tạo ra các kháng thể giúp chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus bị suy giảm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công các bộ phận của cơ thể, trong đó có tuyến giáp gây nên ung thư tuyến giáp.
- Nhiễm hóa chất, phóng xạ: Những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, phóng xạ có thể bị nhiễm phóng xạ qua đường hô hấp hay đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp.
- Yếu tố di truyền: Theo các số liệu thống kê, có đến khoảng 70% bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp trong gia đình có bố mẹ, anh chị em hay người thân cũng mắc ung thư tuyến giáp.
- Tuổi, giới: Trong độ tuổi từ 30 – 50 tuổi, người phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 2 – 4 lần so với nam giới. Là do yếu tố hormone ở người phụ nữ gây kích thích sự hình thành và phát triển của bướu cổ ở tuyến giáp, hạch ở tuyến giáp.
- Tác dụng của một số loại thuốc: Một số loại thuốc có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp như iod phóng xạ.
- Các yếu tố khác: Uống rượu bia thường xuyên, thiếu iod, thừa cân, hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
1.4. Các triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư tuyến giáp
Tùy vào từng giai đoạn bệnh, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Các triệu chứng sớm
Người bệnh sẽ thấy xuất hiện khối u ở cổ, khối u cứng, bờ rõ, di động theo nhịp nuốt. Bên cạnh đó, còn có thể xuất hiện các hạch ở vùng cổ. Những hạch này thường nhỏ, mềm, di động theo nhịp nuốt và cùng bên với khối u.
Triệu chứng muộn
Nếu không phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh sẽ tiến triển với những biểu hiện như:
- Khối u to, cố định trước cổ
- Khó nuốt, nuốt vướng do khối u chèn vào thực quản
- Khàn tiếng, có thể bị khó thở do khối u chèn ép thanh quản, khí quản
- Da vùng cổ bị thâm hoặc sùi loét chảy máu
Nếu có những triệu chứng trên thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Người bệnh nên chủ động đi gặp bác sĩ để được khám bệnh và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị bệnh ung thư tuyến giáp bạn biết chưa?
2.1. Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị bệnh ung thư tuyến giáp
2.1.1. Người bị ung thư tuyến giáp nên ăn gì?
Thịt gà
Thịt gà là nguồn cung cấp protein động vật chứa nhiều axit amin, đặc biệt là tyrosine – xây dựng hormone tuyến giáp và dopamine – cả hai đều cần thiết để kiểm soát cân nặng.
Việc thiếu tyrosine trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến tuyến giáp hoạt động kém và sự thiếu hụt dopamine có liên quan đến cảm giác thèm ăn và tăng cân.
Bạn cũng có thể tìm thấy tyrosine trong sữa và rau xanh, nhưng thịt gia cầm có thêm lợi ích là ít chất béo tự nhiên và giàu vitamin B12. Tình trạng thiếu hụt chất này cũng phổ biến ở những người có tuyến giáp hoạt động kém.
Cá béo
Cá béo là một nguồn cung cấp protein dồi dào và các axit béo omega-3. Cơ thể của bạn chuyển hóa các axit béo này thành các hợp chất phân giải và bảo vệ, có tác dụng chống viêm và tăng cường miễn dịch, tốt cho tuyến giáp.
Cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, cá cơm… là nguồn thực phẩm giàu axit béo omega-3 tốt nhất bạn nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.
Các loại hạt
Hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt bí ngô… là những loại hạt chứa nhiều chất béo lành mạnh, protein và chất xơ. Đồng thời, đây cũng là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin E, magiê và selen, tốt cho người mắc bệnh tuyến giáp.
Chưa hết, hàm lượng chất béo lành mạnh trong các loại hạt này còn có đặc tính chống viêm có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Dầu ô liu
Axit béo chủ yếu trong dầu ô liu là chất béo không bão hòa đơn được gọi là axit oleic. Axit oleic được chứng minh là có tác dụng làm giảm viêm, thậm chí có thể có tác dụng có lợi đối với các gen liên quan đến ung thư.
Dầu ô liu cũng chứa nhiều polyphenol, chất chống oxy hóa giúp chống lại nhiều bệnh tật như ung thư, loãng xương và suy giảm trí não.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: chất xơ, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, chất xơ, chất chống oxy hóa và nhiều loại hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm viêm và ngăn ngừa bệnh tật.
Các loại đậu
Các loại đậu rất giàu chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Đậu cũng là một trong những nguồn thực vật tốt nhất cung cấp chất chống oxy hóa, đặc biệt là đậu xanh.
Ngoài ra, một số loại đậu như đậu cúc (đậu pinto) có chứa một chất chống oxy hóa đặc biệt gọi là kaempferol. Chất chống oxy hóa này giúp giảm viêm mạn tính và ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
Quả mọng
Các loại quả mọng đều rất giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp kiểm soát rối loạn chức năng tuyến giáp. Trong đó, quả việt quất có chứa lượng chất chống oxy hóa cao nhất trong số tất cả các loại trái cây và rau quả. Quả mâm xôi cũng là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin C, mangan và chất chống oxy hóa tuyệt vời.
Các nghiên cứu cho thấy, các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của quả mâm xôi đen có thể làm chậm và ngăn chặn tác động của nhiều loại bệnh ung thư.
Sữa chua
Sữa chua là thực phẩm rất giàu vitamin D. Các đặc tính chống viêm và tăng cường miễn dịch của vitamin D có thể bảo vệ tuyến giáp khỏi bị hư hại.
Ngoài vitamin D, sữa chua cũng rất giàu men vi sinh mà nhiều nghiên cứu cho thấy chúng có thể giúp cân bằng vi khuẩn có lợi trong đường ruột do nó có thể bị loại bỏ do rối loạn tuyến giáp.
2.1.2. Người bị ung thư tuyến giáp cần kiêng ăn gì?
Các loại rau họ cải
Bạn nên kiêng các rau thuộc họ cải, vì các loại rau họ cải như cải xoăn, cải bruxen, củ cải chứa nhiều chất Isothiocyanates, chất này có khả năng cản trở các hoạt động của tuyến yên. Do vậy, khi ăn loại rau này các bạn nên luộc sơ để loại bỏ các chất trên.
Các sản phẩm từ đậu nành không lên men
Một số hợp chất được tìm thấy trong các sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ có thể cản trở khả năng tạo hormones của tuyến giáp. Do vậy, nếu mắc bệnh mất cân bằng hormon hoặc rối loạn tuyến giáp nên ăn ít hoặc không nên ăn đậu nành hoặc đậu phụ.
Thực phẩm giàu gluten
Gluten là một protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, cụ thể là ở đường ruột.
Các sản phẩm chứa gluten thường là bánh mỳ, bánh quy, bánh ngọt, làm các món ăn chay…, có khoảng 10% dân số thế giới không dung nạp gluten, khi ăn các loại thực phẩm này gây đầy bụng, tiêu chảy, đau bụng….. Vì gluten gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc suy giáp. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng một chế độ ăn không có gluten có thể giúp ngăn ngừa các bệnh tuyến giáp.
Nội tạng động vật
Nội tạng có rất nhiều acid lipoic, nếu cơ thể nhận được quá nhiều acid béo này có thể phá vỡ hoạt động của tuyến giáp. Acid lipoic còn có thể có ảnh hưởng đến nhiều loại thuốc tuyến giáp mà bạn đang sử dụng.
Thực phẩm có chứa đường (đồ ngọt)
Thực phẩm chế biến như: bánh quy, bánh ngọt, kẹo, đồ ngọt, đồ uống có đường, đồ ăn nhẹ đóng gói, có chứa đường tinh luyện gây ảnh hưởng nhiều đến bệnh tuyến giáp, lượng đường trong máu tăng cao, dẫn đến tăng cân và các bệnh lý khác. Ngoài ra, tuyến tụy, gan cũng có thể bị tổn hại khi ăn quá nhiều đường tinh luyện.
Thực phẩm có chứa chất kích thích
Các loại thực phẩm có chứa chất kích thích như caffeine, theophylline và theobromine có thể làm tăng mức độ hoạt động của tuyến giáp. Vì vậy, người bệnh ung thư tuyến giáp phải tránh xa các loại nước uống có gas, bia rượu và các đồ uống, thực phẩm khác có chứa các chất kể trên.
Các loại đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn, đồ đông lạnh
Thực phẩm chế biến sẵn gây hại cho người bệnh tuyến giáp vì các thực phẩm này chứa calo rỗng, một số chất phụ gia không tốt cho sức khỏe.
Thức ăn nhanh cũng chứa lượng chất béo cao, khiến quá trình sản xuất thyroxin ở tuyến giáp bị chậm lại hoặc làm mất tác dụng của một số loại thuốc điều trị.
2.2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bệnh ung thư tuyến giáp bằng chế độ sinh hoạt
2.2.1. Tránh tình trạng căng thẳng, stress kéo dài
Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài khiến cơ thể sản sinh nhiều hóc-môn cortisol – tác động tiêu cực tới tuyến giáp. Lâu dần sẽ gây ra sự rối loạn tuyến giáp và các bệnh lý đi kèm.
Vì thế, hãy thư giãn cơ thể, lắng nghe cơ thể, học hỏi những điều tích cực. Bạn có thể thư giãn đơn giản bằng cách nghe nhạc, đọc sách, hoặc làm một điều yêu thích để giải tỏa tâm lý cho bản thân.
2.2.2.Tập luyện thể thao và lối sống lành mạnh
Việc duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức đề kháng, tăng cường hoạt động tuyến giáp. Vì thế, hãy dành tối thiểu 30 phút mỗi ngày để vận động với các bài tập yoga, chạy bộ, Aerobic,… Tập luyện môn thể thao bạn yêu thích trong tâm trạng thoải mái là cách để bạn tăng cường sức khỏe tuyến giáp hiệu quả và duy trì sức khỏe khỏe mạnh.
Ngoài ra các bạn cũng đừng quên ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya thường xuyên. Đặc biệt, hãy nói không với thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích để tránh những tác động xấu đến hoạt động tuyến giáp và sức khỏe nói chung.
2.3. Một số bài tập yoga tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp
Có nhiều bài tập khác nhau giúp cải thiện bệnh lý cho người mắc ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, yoga là phương pháp mà được nhiều bác sĩ khuyến khích thực hiện nhất với người mắc ung thư tuyến giáp.
Bệnh nhân có thể tham khảo một số bài tập như sau:
2.3.1. Tư thế đứng bằng vai
Đây là bài tập giúp hỗ trợ ổn định nồng độ T3 trong máu, giúp cho máu lưu thông đến các mô, cơ quan được dễ dàng hơn. Lưu ý, với những người bị tăng nhãn áp, tăng huyết áp, xoang, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên tập động tác này.
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Nằm ngửa ngước mặt lên trần nhà, 2 chân duỗi thẳng, 2 tay buông dọc xuôi theo người.
- Bước 2: Hít thật sâu và nâng từ từ 2 chân đưa lên cao, đảm bảo cho 2 chân luôn duỗi thẳng, 2 đầu gối chụm sát nhau. Đặt cổ và vai phẳng trên sàn nhà, đưa phần chân cùng thân người lên trên cao để tạo thành hình ảnh góc vuông đối với sàn nhà. Lưu ý, khi đẩy thân người lên, dùng 2 cánh tay và bàn tay đỡ chắc dưới lưng làm trụ, đồng thời tạo lực đẩy đưa thân lên cho đến khi cằm ép chặt xuống xương ức.
- Bước 3: Giữ tư thế này trong vòng 30 giây, luôn hít thở sâu.
- Bước 4: Gấp đầu gối, uốn cong lại và đặt 2 bàn tay úp xuống sàn, giữ thăng bằng và từ từ hạ thân mình xuống.
2.3.2. Tư thế con lạc đà
Tư thế này giúp kéo căng vùng cổ, giúp tăng cường các hoạt động của tuyến giáp. Tuy nhiên, tư thế này có thể gây khó thở cho người thực hiện bởi vùng cổ bị kéo căng. Chính vì vậy, khi thực hiện tư thế này, bạn nên cố gắng duy trì nhịp thở, không thở gấp.
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Ở tư thế này, đầu tiên, hãy quỳ nhẹ gối và để sao cho các ngón chân úp xuống sàn nhà.
- Bước 2: Sau đó, từ từ uốn cong người về phía sau hướng về mũi chân, sao cho bàn tay chạm đến gót chân.
- Nếu việc chạm vào gót chân quá, hãy thay bằng việc đặt 2 bàn tay lên ngang hông, giữ nguyên tư thế trong 30 giây và hít thở đều.
2.3.3. Tư thế con cá
Tư thế con cá sẽ giúp massage vùng cổ tự nhiên, tăng cường hoạt động của tuyến cận giáp.
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Nằm ngửa người, để 2 tay duỗi thẳng song song với người trên sàn.
- Bước 2: Đặt 2 bàn tay dưới mông, từ từ dùng lực đẩy ngực lên, ưỡn cổ ra phía. Dồn toàn bộ trọng lượng của cơ thể lên cánh tay và khuỷu tay, mở rộng lồng ngực.
- Bước 3: Đặt đỉnh đầu chạm dưới sàn và hít thở sâu khi hạ người xuống.
2.3.4.Tư thế rắn hổ mang
Tư thế này giúp kích thích vùng cổ họng và tuyến giáp.
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Nằm sấp trên sàn, để lòng bàn tay ở bên dưới vai, ép khuỷu tay vào hai bên sườn, đồng thời, nhấn lòng bàn tay xuống sàn.
- Bước 2: Nâng từ từ đầu lên, cho đến khi ngực được nâng lên khỏi sàn và lưng ưỡn cong, đồng thờ, thả đầu về phía dưới.
- Bước 3: Hít thở sâu 3 lần và từ từ hạ thấp ngực cùng đầu xuống sàn.
2.4. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh ung thư tuyến giáp.
Ngày càng nhiều người mắc ung thư tuyến giáp, nhất là phụ nữ. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh lý này, hãy áp dụng ngay những biện pháp dưới đây:
- Tránh xa các chất và tia phóng xạ.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý. Chế độ ăn nên cung cấp đủ i-ốt qua những thực phẩm như rong biển, tảo biển, hải sản và bổ sung magie qua hạt điều, hạnh nhân…
- Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường sức đề kháng.
- Nên đi khám, tầm soát ung thư tuyến giáp để phát hiện sớm bất thường.
- Khi cơ thể có biểu hiện lạ như tăng cân đột ngột, mệt mỏi kéo dài, cơ thể nhạy cảm hơn… thì nên đi khám vì đây có thể là biểu hiện của rối loạn hormone tuyến giáp.
- Nếu gia đình có tiền sử người thân mắc bệnh này thì càng nên đi khám và tầm soát ung thư tuyến giáp sớm.
Kết luận: Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lối sống lành mạnh và khoa học là chìa khóa giúp tăng cường, cải thiện sức khỏe tuyến giáp tốt nhất. Đồng thời, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các xét nghiệm kiểm tra tuyến giáp để có thể phát hiện sớm các vấn đề tuyến giáp và điều trị kịp thời bạn nhé!
Tài liệu tham khảo:
https://hongngochospital.vn/ung-thu-tuyen-giap/
https://www.nhathuocankhang.com/benh/ung-thu-tuyen-giap
https://tamanhhospital.vn/benh-tuyen-giap-kieng-an-gi-nen-an-gi/
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ