Contents
1. THÔNG TIN QUAN TRỌNG VỀ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH BẠN CẦN BIẾT
1.1. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Theo nghiên cứu của Đại học Southampton, hội chứng ruột kích thích (IBS) ngày nay đã ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số trên thế giới. Đây được coi là bệnh lý đường tiêu hóa, bài tiết điển hình. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng bệnh và dinh dưỡng chủ động sẽ giúp bạn có giải pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Hội chứng ruột kích thích (còn được gọi là đại tràng kích thích, đại tràng co cứng hoặc viêm đại tràng co cứng) là một rối loạn chức năng của đại tràng được đặc trưng bởi tình trạng đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu.
Hội chứng ruột kích thích được chia thành 4 loại gồm:
- IBS – U (không có triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón).
- IBS – C (triệu chứng táo bón).
- IBS – D (triệu chứng tiêu chảy).
- IBS – M (xen kẽ triệu chứng tiêu chảy và táo bón).
1.2. Những triệu chứng thường gặp khi bị hội chứng ruột kích thích.
Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh lý đường ruột thường gặp nhất ở nước ta cũng như trên thế giới. Tỷ lệ mắc căn bệnh này từ chiếm từ 5%- 20% dân số, tỷ lệ này thay đổi theo từng nghiên cứu, theo từng vùng dân cư.
Bệnh thường phổ biến ở lứa tuổi thanh niên và trung niên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong khoảng 18-30 tuổi và giảm sau tuổi 50. Nữ giới mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới với tỷ lệ 2:1. Những người có trình độ học vấn cao, học sinh, sinh viên, cán bộ… có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nhóm nông dân, công nhân; người sinh sống ở thành thị cũng mắc bệnh nhiều hơn so với ở nông thôn…
Ở Việt Nam nghiên cứu khảo sát bệnh tiêu hóa tại khoa Khám bệnh bệnh viện Bạch Mai (2004), bệnh lý ống tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao nhất, trong nhóm bệnh lý đại trực tràng và hậu môn, hội chứng ruột kích thích chiếm tới 83,38%.
Trên thực tế, các triệu chứng của hội chứng ruột kích rất đa dạng. Triệu chứng của bệnh có thể thay đổi trên từng cá nhân và trong từng khoảng thời gian khác nhau. Tuy nhiên, đa số người bệnh đều có các triệu chứng thường gặp sau:
- Đau bụng nhẹ, đôi khi có thể đau dữ dội. Triệu chứng này có thể giảm hoặc mất sau khi đi tiêu.
- Tiêu chảy, táo bón hoặc gặp cả hai tình trạng này xen kẽ.
- Bụng chướng, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua.
- Phân có nhầy.
- Đại tiện không hết phân.
1.3. Những nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Hiện nay, giới y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích, tuy nhiên có một số yếu tố ảnh hưởng có thể dẫn tới hội chứng này như: Stress, căng thẳng, lo âu kéo dài; thực phẩm (đồ ăn sống, rượu, bia, đồ chua cay, đồ tanh, lạ, không hợp vệ sinh, những thức ăn có vi khuẩn thương hàn gây bệnh, vi khuẩn lỵ hoặc amip …); chế độ ăn nhiều gia vị, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ; sử dụng kháng sinh quá nhiều cũng ảnh hưởng tới chức năng đường ruột.
Bên cạnh đó, những yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích:
- Độ tuổi: IBS thường phát bệnh với đối tượng dưới 45 tuổi
- Giới tính: Nữ giới có khả năng mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới, do đặc thù về hormon và cấu tạo giải phẫu đại tràng
- Di truyền: Các nghiên cứu đều cho thấy gia đình có người thân như cha mẹ hoặc anh chị em bị hội chứng ruột kích thích sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng này.
2. CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHỦ ĐỘNG CHO NGƯỜI BỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH BẠN BIẾT CHƯA?
2.1. Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị hội chứng ruột kích thích
2.1.1. Những thực phẩm người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Bổ sung các nhóm thực phẩm hữu ích sẽ tăng cường sức khỏe tiêu hóa, tránh gây áp lực cho dạ dày và đường ruột, giảm nguy cơ gặp các triệu chứng khó chịu.
Người bị hội chứng ruột kích thích nên sử dụng các loại thực phẩm dưới đây:
Các loại rau xanh
Rau xanh là nhóm thực phẩm cung cấp một lượng lớn chất xơ và vitamin cho cơ thể. Đây cũng đồng thời là loại thực phẩm dễ hấp thu.
Người mắc hội chứng ruột kích thích nên lựa chọn loại rau phù hợp dựa vào biểu hiện bệnh. Ví dụ nên bổ sung rau đay, mồng tơi, giá hẹ, cải thảo,… nếu có triệu chứng khó tiêu, táo bón.
Lưu ý: Khi chế biến rau xanh, các bạn nên ưu tiên luộc hoặc nấu canh. Không nên ăn rau sống vì dễ bị nhiễm khuẩn. Đồng thời hạn chẻ ăn rau xào để tránh nạp nhiều chất béo từ dầu mỡ.
Ngũ cốc nguyên cám
Ngũ cốc nguyên cám là nhóm thực phẩm đóng vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bạn nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên cám như: lúa mì, gạo lứt, ngô, yến mạch, hạt kê,…
Thành phần chất xơ có trong ngũ cốc nguyên cám vừa có vai trò hỗ trợ tiêu hóa, vừa góp phần tạo lớp màng bảo vệ dạ dày và ruột khỏi các kích thích. Ngoài ra, chúng còn chứa một số thành phần khoáng chất giúp đường ruột hoạt động ổn định hơn.
Thực phẩm giàu Omega-3
Omega-3 không chỉ có tác dụng chống viêm, kích thích quá trình hồi phục niêm mạc đường ruột mà còn giúp bảo vệ cơ quan tiêu hóa khỏi sự tấn công của các gốc tự do nhờ tác dụng chống oxy hóa.
Bơ, Quả Hạnh, Cá Hồi, Dầu Oliu,… là những thực phẩm giàu Omega – 3 bạn nên bổ sung vào thực đơn ăn hàng ngày
Thực phẩm ít béo
Ngay cả khi hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề, người bệnh vẫn cần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Do đó, chế độ ăn uống cần đảm bảo cân bằng dưỡng chất. Sử dụng các loại thực phẩm ít chất béo một cách khéo léo là việc vô cùng quan trọng.
Trứng, thịt nạc, cá nạc, tôm cua,… là những thực phẩm ít chất béo mà người bệnh có thể bổ sung. Nhóm thực phẩm này tương đối dễ tiêu nên sẽ có lợi cho hoạt động của dạ dày và ruột Người bị hội chứng ruột kích thích nên cung cấp khoảng 15g chất béo cho cơ thể mỗi ngày. Để không gây áp lực cho cơ quan tiêu hóa, nên tránh ăn nhiều nhóm thực phẩm ít chất béo.
Uống đủ nước
Nước hỗ trợ quá trình chuyển hóa, giúp tế bào thải độc. Ngoài ra nó cũng giúp vận chuyển oxy cũng như dưỡng chất đến các tế bào. Nếu không uống đủ nước, người bệnh hội chứng ruột kích thích dễ gặp các vấn đề như: táo bón, giảm hấp thụ dinh dưỡng,…
Người bệnh cần uống khoảng từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Các loại nước nên bổ sung gồm: nước lọc, nước canh, ăn hoa quả mọng, uống nước ép trái cây,…
2.1.2. Những thực phẩm người bị hội chứng ruột kích thích nên tránh
Thức ăn nhanh
Bản chất thức ăn nhanh đều chứa nhiều dầu mỡ và chất bảo quản nên không tốt cho hệ tiêu hóa nhất là người đang có vấn đề về đường ruột.
Việc bổ sung nhiều thức ăn nhanh sẽ tạo áp lực lớn cho dạ dày khiến ruột phải co bóp nhiều hơn để tiêu hóa. Đó chính là nguyên nhân khiến bạn thấy chướng bụng, đầy hơi, khó chịu thậm chí có thể bị rối loạn tiêu hóa.
Thịt đỏ
Thịt bò, dê, cừu… là những loại thịt đỏ bạn nên tránh vì hàm lượng protein khá cao trong thịt đỏ sẽ khiến dạ dày phải làm việc nhiều dẫn tới tăng nặng triệu chứng.
Đồ ăn cay nóng
Các gia vị sẽ làm món ăn ngon hơn tuy nhiên đối với người bị hội chứng ruột kích thích lại không nên ăn. Bởi vì chúng khiến đường ruột bị kích thích, tăng tiết acid gây co thắt quá mức.
Thực phẩm cứng
Bởi lẽ đồ ăn cứng có thể gây áp lực cho dạ dày và làm tổn thương ở niêm mạc dạ dày thêm nặng. Do vậy, đối với người bị hội chứng ruột kích thích nên ưu tiên ăn các món ăn được cắt nhỏ nấu mềm.
Đồ ăn tái, sống
Đồ ăn không được chế biến kĩ có thể chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh đường tiêu hóa.
Thức uống có cồn
Bởi vì khi uống rượu bia sẽ ức chế vi sinh vật, làm tổn thương niêm mạc đường ruột và gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra còn gây ợ chua, tiêu chảy và rối loạn nhu động ruột. Nếu uống nhiều còn gây nên tình trạng viêm loét và xuất huyết ống tiêu hóa.
Sữa
Những người không dung nạp Lactose thì không nên sử dụng sữa. Do hệ tiêu hóa của họ không có enzyme phân giải loại đường này. Vì vậy sữa không được hấp thụ mà đưa thẳng đến dạ dày, ruột già. Quá trình lên men ở ruột già tạo ra chất khí và đây cũng được coi là nguồn thức ăn giúp vi sinh vật phát triển. Vì vậy khi uống sữa bò bạn có thể đau bụng.
2.2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị hội chứng ruột kích thích bằng chế độ sinh hoạt
Không đơn thuần chỉ thay đổi chế độ ăn uống khỏe mạnh mà bạn cũng cần xây dựng một thói quen sinh hoạt khoa học hơn. Việc làm này sẽ giúp bạn thay đổi được những thói quen xấu và cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn. Một vài thói quen mà bạn cần duy trì như:
- Không nên quá lao lực khiến cơ thể mất ngủ và bị căng thẳng trong thời gian dài.
- Luôn duy trì trạng thái vui vẻ, tinh thần thoải mái, một lối sống lành mạnh và không nên quá để tâm, lo lắng về tình hình bệnh lý của mình.
- Áp dụng những biện pháp có thể giảm thiểu stress như tập thể dục, tập ngồi thiền, các bài tập yoga,… để cải thiện sức khỏe, độ bền và sự dẻo dai.
- Nên sinh hoạt một cách khoa học, có giờ giấc cụ thể. Bạn có thể lấy lòng bàn tay và xoa nhẹ ở xung quanh vùng thượng vị – rốn đúng theo chiều kim đồng hồ nhằm kích thích vùng nhu động ruột.
- Nên tập thói quen đi ngoài vào buổi sáng mỗi ngày và nên xoa bụng trước khi đi vệ sinh.
- Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng/lần. Hoặc bất cứ khi nào có dấu hiệu bị hội chứng kích thích ruột thì nên đi khám sớm để có thể chữa trị dứt điểm ngay thời điểm đầu, tránh để bệnh phát triển mạn tính.
2.3. 4 bài tập yoga chữa hội chứng ruột kích thích
2.3.1. Bài tập tư thế rắn hổ mang
Tác dụng của tư thế rắn hổ mang giúp giảm căng thẳng mệt mỏi, làm săn chắc cơ bụng, cải thiện lưu thông máu đồng thời kích thích các cơ quan trong bụng.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp trên thảm. Duỗi 2 chân ra sau sao cho mũi bàn chân chạm sàn. Hai tay thả lỏng, đặt xuôi theo cơ thể, khuỷu tay sát cơ thể
- Chống 2 tay lên thảm, 2 tay đặt ngay dưới ngực. Dùng lực ấn đùi và hông sát sàn. Sau đó, sử dụng lực từ bàn tay từ từ nâng phần thân trên lên.
- Tiếp tục dùng lực đẩy cơ thể lên cho đến khi cơ thể được kéo căng. Kéo vai ngược về sau và giữ hông thật chặt.
- Giữ nguyên tư thế trong vòng 15 – 30 giây, lặp lại nếu cần và tùy theo sức lực của bạn.
2.3.2. Bài tập gập người về phía trước
Bài tập này sẽ kích thích các bộ phận như thận, tuyến tụy, gan hoặc buồng trứng hoạt động.
Cách thực hiện:
- Chỉ cần ngồi thẳng chân, duỗi nhẹ hai cánh tay về phía trước giữ cho lưng thẳng. Để người ngả về phía trước sao cho chân chạm vào ngực.
- Nếu có thể đủ dẻo dai (đã tập luyện 1 thời gian) có thể nắm bắp chân hoặc dẻo hơn có thể nắm bàn chân. Giữ tư thế này trong vài nhịp thở, sau đó lại lặp lại.
2.3.3. Tư thế em bé
Đây là tư thế yoga dễ thực hiện hầu như ai cũng có thể thực hiện được. Tư thế này có tác dụng giúp thúc đẩy tiêu hóa và làm dịu tâm trí.
Cách thực hiện:
- Đầu tiên quỳ gối xuống và ngồi trên hai gót chân, đầu gối gập lại nghiêng người về phía trước thả lỏng cánh tay ở hai bên xuôi theo thân.
- Bài tập giúp làm săn chắc, cơ vùng bụng, giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.
2.3.4. Tư thế cây cầu
Tư thế cây cầu giúp tập trung vào phần bụng, hông và mông giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn.
Cách thực hiện:
- Khi thực hiện tư thế này bạn hãy nằm ngửa khép hai đầu gối lại với nhau đồng thời đặt bàn chân lên sàn sao cho chiều rộng bằng vai, hai cánh tay thẳng, lòng bàn tay hướng xuống.
- Nâng lưng lên cho đến khi tạo thành đường chéo, hít sâu và giữ nguyên vị trí đó trong 30 giây đồng thời thở chậm và đều. Sau đó hạ hông xuống trở về tư thế như lúc đầu.
2.4. 5 cách giúp bạn chủ động phòng tránh hội chứng ruột kích thích.
Nếu bạn muốn tránh khỏi nguy cơ gây bệnh, hãy áp dụng một số cách sau:
2.4.1. Ăn uống đảm bảo vệ sinh
Bạn nên chọn thực phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, hãy nhớ luôn ăn chín, uống sôi để bảo vệ hệ tiêu hóa.
Những loại thực phẩm tái sống như thịt tái, gỏi, sushi, rau sống,… nên hạn chế trong khẩu phần ăn vì chứa nhiều vi khuẩn có hại. Có nguy cơ làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột gây tiêu chảy liên tục.
2.4.2. Vận động thể dục thể thao thường xuyên
Những bài tập thể dục có cường độ vừa phải như đi bộ, đạp xe, bơi lội,…giúp giải phóng các myokine bảo vệ có vai trò thúc đẩy quá trình chữa lành và giúp chống viêm đường ruột, cải thiện hệ tiêu hóa.
2.4.3. Tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần giúp bạn nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân. Phát hiện các yếu tố gây bệnh và có biện pháp chữa trị kịp thời, hạn chế nguy cơ tái phát.
2.4.4. Chế độ ăn uống hợp lý
Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp cơ thể bảo vệ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích. Bạn nên bổ sung vào thực đơn các thực phẩm nhuận tràng giúp ngăn ngừa táo bón và chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
Ngoài ra, hãy duy trì các thói quen tốt như ăn đúng bữa, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước mỗi ngày, ăn chậm nhai kỹ,…Điều này giúp xây dựng hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tăng miễn dịch.
2.4.5. Tránh căng thẳng kéo dài
Hội chứng ruột kích thích thường hay gặp ở những đối tượng bị stress, căng thẳng kéo dài trong công việc và cuộc sống. Vì vậy, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, sắp xếp công việc hiệu quả để đối phó với tình trạng căng thẳng kéo dài.
Kết luận:
Trên đây là những thông tin về hội chứng ruột kích thích ruột nguyên nhân, triệu chứng cũng như chế độ ăn uống và sinh hoạt mà bạn đang quan tâm. Một thói quen sống lành mạnh chính là chiếc chìa khóa để bạn duy trì sức khỏe của mình ở trạng thái tốt nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://medlatec.vn/tin-tuc/hoi-chung-ruot-kich-thich-nguyen-nhan-va-cach-kiem-soat-benh-s195-n19713
https://tamanhhospital.vn/hoi-chung-ruot-kich-thich/
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ