Trĩ là căn bệnh phổ biến và đang có xu hướng gia tăng khiến nhiều người e sợ. Thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học là một trong những tác nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Do vậy, để phòng bệnh cũng như giúp bệnh mau khỏi hơn, thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống là việc làm vô cùng cần thiết.
Contents
1. Thông tin quan trọng về bệnh trĩ bạn cần biết
1.1. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (tên tiếng anh: hemorrhoids) là tình trạng giãn ra của các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới, tương tự như chứng giãn tĩnh mạch chân.
Báo cáo của Hội tiêu hóa Việt Nam năm 2017. Có khoảng 55% dân số nước ta mắc bệnh trĩ với tỷ lệ trẻ hóa ngày càng nhanh. Chính tâm lý e ngại, cố chịu đựng bệnh mà không đi khám kịp thời đã khiến cho trĩ ngày càng phát triển với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng gọi là trĩ nội hoặc dưới da xung quanh hậu môn gọi là trĩ ngoại.
- Trĩ nội
Là tình trạng búi trĩ xuất hiện từ phía trên đường lược (là đường hình răng cưa, ranh giới giữa lớp trong cùng (biểu mô) của hậu môn và trực tràng. Vì trĩ nội nằm bên trong trực tràng nên ở giai đoạn sớm không thể nhìn thấy và chỉ phát hiện khi đi tiêu ra máu. Khi trĩ to lên, bệnh nhân đi tiêu sẽ lòi trĩ.
- Trĩ ngoại
Là tình trạng búi trĩ xuất hiện ở phía dưới đường lược, và nằm bên dưới lớp da của hậu môn. Trĩ ngoại có thể nhìn thấy, sờ thấy và thường gây ra tình trạng đau rát, khó chịu nhiều hơn trĩ nội do vùng tổn thương tiếp xúc, cọ xát trực tiếp với các tác nhân bên ngoài như trang phục, ghế ngồi.
1.2. Các triệu chứng của bệnh trĩ
Người bị bệnh trĩ có thể biểu hiện các triệu chứng như sau:
- Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi tiêu, khi trĩ nặng có thể xuất hiện ngoài hậu môn thường xuyên.
- Búi trĩ bị tắc mạch hoặc bị sa nghẹt gây sưng đau
- Đại tiện bị chảy máu nhưng không đau. Tùy mức độ chảy máu, bệnh nhân có thể chỉ thấy máu thấm giấy vệ sinh, hoặc nhỏ giọt hay máu bắn thành tia, càng rặn thì càng chảy nhiều máu.
- Thường xuyên bị kích thích hoặc ngứa hậu môn. Triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng bị nhiễm giun kim.
- Khó chịu, đau rát hậu môn tăng dần theo sự tiến triển của búi trĩ.
1.3. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh trĩ thường xuất hiện ở những người độ tuổi từ 40 – 60. Tuy nhiên, gần đây căn bệnh này có dấu hiệu trẻ hóa. Những người độ tuổi từ 25 – 35 mắc bệnh ngày càng nhiều.
Nguyên nhân gây bệnh trĩ theo các chuyên gia nhận định là do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý. Các tĩnh mạch xung quanh hậu môn có xu hướng căng dưới áp lực và có thể phồng lên hoặc sung huyết. Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng do:
- Rặn khi đi cầu
- Ngồi lâu trên bồn cầu
- Giao hợp qua đường hậu môn
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
- Béo phì
- Mang thai
- Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần.
2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị bệnh trĩ bạn biết chưa?
2.1. Những thực phẩm người bị bệnh trĩ nên ăn
2.1.1. Rau xanh và các thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa hệ thống tiêu hóa, giúp tiêu hóa tốt và nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón.
Người bệnh trĩ nên bổ sung thêm các nhóm thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như mồng tơi, rau đay, đậu bắp, thanh long,… Hoặc nhóm thực phẩm chứa nhiều chất xơ không hòa tan như trái cây, rau xanh các loại, ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang…
2.1.2. Thực phẩm giàu Omega 3
Thực phẩm giàu Omega 3 có tác dụng hỗ trợ rất tốt với lớp màng nhầy niêm mạc. Đồng thời nó còn giúp cho sự đàn hồi của da tốt hơn. Nhờ đó các thực phẩm giàu Omega 3 rất hữu ích cho người bị bệnh trĩ.
Bạn có thể bổ sung những thực phẩm giàu Omega 3 vào thực đơn ăn hàng ngày như: Hạt lanh, hạt chia, cá hồi, cá ngừ….
2.1.3. Thực phẩm giàu collagen
Thiếu collagen là nguyên nhân khiến mô đệm ống hậu môn mất đi tính đàn hồi, gây ra giãn mạch máu, dây chằng treo trĩ dẫn đến bệnh trĩ. Vì vậy bổ sung các thực phẩm giàu collagen có thể làm giảm thiểu tình trạng bệnh trĩ.
Cá hồi, da heo, lòng trắng trứng gà… là những thực phẩm giàu collagen. Ngoài ra, các bạn có thể bổ sung collagen từ các sản phẩm thực phẩm chức năng.
2.1.4. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất xơ, protein và vi chất dinh dưỡng hơn so với ngũ cốc tinh chế như bột mì trắng. Hầu hết mọi người hiện nay chưa đáp ứng đủ lượng chất xơ mà cơ thể cần mỗi ngày, khoảng từ 21 và 38 gam chất xơ. Hãy ăn nhiều các loại bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt…
2.1.5. Sữa chua
Sữa chua cung cấp các vi khuẩn có lợi giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa và chức năng miễn dịch. Theo Trung tâm Y tế, Đại học Maryland, probiotics trong sữa chua có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh trĩ. Để có kết quả tốt nhất, nên sử dụng sữa chua có chứa khuẩn sống như lactobacillus hay bifidus thường xuyên.
2.1.6. Chất lỏng
Để ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ do chế độ ăn uống thiếu chất lỏng, nên tăng cường uống nước hàng ngày. Uống ít nhất 8 ly chất lỏng hoặc có thể thay bằng sữa, nước ép trái cây nguyên chất, các loại trà thảo dược và nước dùng.
2.2. Những thực phẩm người bị bệnh trĩ nên tránh
2.2.1. Thực phẩm cay nóng
Đồ ăn cay có tính nóng sẽ khiến cơ thể bị nóng trong dễ gây táo bón và khó tiêu. Điều này sẽ làm cho các triệu chứng trĩ nội ngày một nặng, cảm giác nóng ngứa nghiêm trọng hơn. Do vậy, bạn cần hạn chế các loại gia vị cay như ớt, tiêu, gừng mù tạt, hạt tiêu,…
2.2.2. Thực phẩm giàu đạm
Các loại thực phẩm giàu đạm điển hình là các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò, thịt trâu,… Nếu tiêu thụ lượng thịt đỏ quá nhiều sẽ rất khó tiêu hóa, gây táo bón nặng và tình trạng trĩ thêm nghiêm trọng.
2.2.3. Thực phẩm nhiều muối
Thực phẩm nhiều muối, đồ ăn quá mặn khi đi vào cơ thể sẽ hút một lượng nước lớn khiến cho cơ thể bị mất nước. Như vậy sẽ không đủ lượng nước để làm mềm thức ăn, làm chậm lại quá trình tiêu hóa. Vì thế, phân sẽ bị cứng và dễ vón cục làm đại tiện khó, người bệnh thường phải rặn mạnh và gây ra áp lực lên vùng tĩnh mạch hậu môn và dễ dẫn tới trĩ.
2.2.4. Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ hoặc các loại chất béo không tốt sẽ khiến dễ dẫn tới cảm giác đầy bụng, khi tình trạng kéo dài sẽ dẫn tới khó tiêu và táo bón.
2.2.5. Đồ uống có cồn
Rượu, bia và các loại đồ uống có chứa chất kích thích khác đều khiến cho cơ thể tích nhiệt, dễ đầy bụng, mất nước. Chất cồn còn làm hại tới trực tràng, thậm chí làm sung huyết dạ dày, cản trở quá trình lưu thông máu.
2.3. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bệnh trĩ bằng chế độ sinh hoạt
Bên cạnh chế độ ăn đúng cách, người bệnh bị trĩ nội cũng cần kết hợp điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng như chế độ vận động điều độ.
- Ưu tiên các môn thể thao cường độ vừa và nhẹ như đi bộ, tránh vận động quá sức như bê vác nặng, tập gym, cưỡi ngựa,…
- Tránh việc nằm/ngồi một chỗ quá lâu.
- Một số thói quen hằng ngày tốt cho người bệnh trĩ như đi vệ sinh đều đặn mỗi ngày, dùng loại giấy vệ sinh mềm, tránh việc rặn mạnh cả khi đại tiện khó,..
- Vệ sinh sạch sẽ và đúng cách vùng hậu môn từ 2 – 3 lần/ngày.
2.4. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh trĩ
2.4.1. Không nhịn đi vệ sinh
Việc nhịn đi vệ sinh sẽ khiến cho phân trở nên cứng và khô ở trong ruột. Tình trạng này kéo dài dẫn đến táo bón và việc đại tiện sẽ khó khăn hơn..
2.4.2. Uống nhiều nước
Cơ thể con người có tới 70% nước, do đó nước đóng vai trò quan trọng, vì vậy bạn nên uống 2 lít nước mỗi ngày, điều này giúp tiêu hóa dễ dàng và phòng ngừa chứng táo bón hiệu quả.
2.4.3. Ăn thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa bệnh trĩ, giúp phòng ngừa chứng táo bón, hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt hơn. Chất xơ thường có nhiều trong các thực phẩm như bông cải xanh, cà rốt, trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…
2.4.4. Vệ sinh hậu môn hàng ngày
Hậu môn là nơi chứa nhiều vi khuẩn, vì vậy việc vệ sinh hậu môn hằng ngày là đều vô cùng quan trọng. Mỗi lần đi vệ sinh bạn nên dùng nước rửa sạch, hoặc dùng vòi rửa cũng có tác dụng phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả..
2.4.5. Hạn chế việc ngồi quá lâu 1 chỗ
Bạn nên thường xuyên đứng lên đi lại, vận động cho máu lưu thông qua vùng hậu môn. Bên cạnh đó nên tập luyện thể dục thể thao. Việc này vừa giúp nâng cao được sức khỏe vừa kích thích hoạt động của ruột. Từ đó giảm chứng táo bón và phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả..
2.4.6. Hạn chế căng thẳng
Căng thằng gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch trong trực tràng. Căng thằng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh trĩ thêm đau đớn hoặc chảy máu. Trong một số trường hợp, điều này có thể xảy ra do rặn quá mạnh khi cố gắng đi tiêu.
Kết luận:
Trên đây là những gợi ý quan trọng cho người bệnh về chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh dành cho người bệnh trĩ. Các bạn hãy lưu ý tuân thủ đề phòng bệnh, chữa bệnh tốt nhất cũng như hạn chế tối đa tình trạng tái phát nhé!
Tài liệu tham khảo:
- https://hongngochospital.vn/benh-tri-nguyen-nhan-dau-hieu/
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-tri-tu-a-den-z-nguyen-nhan-dau-hieu-va-cach-dieu-tri-hieu-qua/
- https://tamanhhospital.vn/benh-tri-kieng-an-gi-va-nen-an-gi/
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ