Bệnh động mạch vành là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng suy giảm lưu lượng máu qua động mạch vành và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong bệnh lý liên quan đến tim mạch. Nắm bắt được triệu chứng bệnh mạch vành sớm từ đó có biện pháp chủ động phòng ngừa là cách bảo vệ chúng ta khỏi căn bệnh đáng sợ này.
Contents
1. Động mạch vành và những điều cần biết
1.1 Động mạch vành là gì?
Theo các chuyên gia giải phẫu, động mạch vành là các mạch máu có nhiệm vụ cung cấp oxy, các dưỡng chất cần thiết cho cơ tim hoạt động. Nếu mạch vành có vấn đề – hay nói chung là bệnh động mạch vành, ví dụ như hẹp động mạch vành sẽ tác động xấu đến hoạt động của tim, khiến thiếu máu cơ tim và nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến đột tử do tim (chết tim).
Theo Cẩm nang MSD, các nước có thu nhập cao có tỷ lệ gặp bệnh động mạch vành cao hơn gấp nhiều lần so với các nước chậm và đang phát triển, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả hai giới, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca tử vong.
1.2 Phân loại và triệu chứng bệnh mạch vành sớm
Bệnh động mạch vành được chia làm 3 loại (3 cấp độ), mỗi một loại lại có những triệu chứng bệnh khác nhau, bao gồm:
Đau thắt ngực ổn định
Triệu chứng bệnh mạch vành đau thắt ngực ổn định chỉ xuất hiện khi thực hiện các hoạt động sử dụng nhiều sức như lao động nặng, chơi thể thao, leo cầu thang… hoặc khi căng thẳng tâm lý, thay đổi nhiệt độ.
Khi bị đau thắt ngực ổn định, người bệnh sẽ có cảm giác đau hay khó chịu ở ngực, ngay phía dưới xương ức, cảm giác giống như trái tim bị đè nén, bóp chặt, khó thở. Cơn đau có thể lan sang vùng vai, cổ, hàm… đôi khi kèm theo các cơn buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi. Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ hết sau khi được nghỉ ngơi hay sử dụng thuốc giãn mạch.
Đau thắt ngực không ổn định
Giống như đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định cũng có những triệu chứng đau thắt ngực ở phía sau xương ức hoặc giữa ngực, lan sang các vị trí xung quanh.
Tuy nhiên, những triệu chứng sẽ có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong ngày chứ không cần phải hoạt động nặng, đồng thời cơn đau thường kéo dài trên 15 phút, không giảm khi nghỉ ngơi và cũng không đáp ứng với thuốc giãn mạch như các cơn đau thắt ngực ổn định.
Nhồi máu cơ tim
Là tình trạng động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, khiến phần sau động mạch vành bị tắc hoại tử. Chính sự nứt vỡ của mảng xơ vữa và gây huyết khối bịt tắc hoàn toàn là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim.
Triệu chứng nhồi máu cơ tim điển hình nhất là đau quặn thắt ngực (cảm giác như bị một bàn tay vô hình bóp chặt lấy tim, đè nén lồng ngực) một vài phút và lặp lại nhiều lần.
Có những trường hợp bệnh động mạch vành không có bất kì một triệu chứng nào, gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng. Trong trường hợp này, chỉ khi chủ động khám sức khỏe định kỳ mới có thể phát hiện, tránh những biến chứng xảy ra.
1.3 Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh động mạch vành, nhưng chủ yếu là do:
- Xơ vữa mạch vành: Là sự lắng đọng cục bộ của các khối lipid chứa đầy cholesterol, canxi và các “chất thải” của cơ thể theo thời gian sẽ làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn lòng mạch, cản trở dòng máu chảy qua.
- Co thắt mạch vành: Là thuật ngữ y học chỉ tình trạng rối loạn nội mạc mạch máu, khiến xơ vữa động mạch tăng lên và góp phần làm co thắt động mạch vành.
Bên cạnh đó, nguyên nhân ít phổ biến hơn gây bệnh mạch vành là viêm mạch (thường gặp ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống, giang mai…), thuyên tắc động mạch vành, phình động mạch, bóc tách động mạch…
1.4 Yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành
Những nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn những người khác:
- Người cao tuổi
- Là nam giới
- Trong gia đình có người mắc bệnh động mạch vành
- Bệnh lý nền: Tăng huyết áp, cholesterol trong máu cao (mỡ máu), tiểu đường type 2…
- Hút thuốc lá, uống rượu bia
- Thừa cân, béo phì
- Lười vận động, thiếu hoạt động thể chất
Ngoài yếu tố cao tuổi và di truyền thì thật may khi những yếu tố nguy cơ bệnh động mạch vành hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách giảm mức cholesterol thông qua chế độ ăn uống của mình.
1.4 Những biến chứng thường gặp ở bệnh động mạch vành
Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh động mạch vành có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Rối loạn chức năng điện học của tim: gồm rối loạn dẫn truyền, loạn nhịp tim…
- Rối loạn chức năng cơ học: bao gồm suy tim, vỡ cơ tim, phình động mạch hoặc rối loạn chức năng cơ nhú
- Các biến chứng huyết khối: Thiếu máu động mạch vành tái diễn, cục máu đông
- Các biến chứng viêm: màng ngoài tim, hội chứng sau nhồi máu cơ tim…
- Đột quỵ, đột tử
2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị bệnh động mạch vành
2.1 Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị bệnh động mạch vành
Như chia sẻ ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh động mạch vành cũng như làm chậm quá trình phát triển của bệnh động mạch vành bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh.
Cụ thể, hãy giảm tiêu thụ những thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol LDL (mỡ xấu) cao, thay thế bằng thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp và chất béo bão hòa (bởi vì cơ thể bạn biến chất béo bão hòa thành cholesterol). Những thực phẩm như vậy bao gồm:
Các loại ngũ cốc nguyên hạt:
Yến mạch, gạo lứt, cao lương, kiều mạch, lúa mạch, hạt kê, hạt chia…
Các loại hạt:
Quả phỉ, hạnh nhân, hồ đào, hạt điều, quả óc chó và hạt mắc ca. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều mà chỉ nên ăn 3 – 5 hạt mỗi lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Các loại đậu:
Đậu xanh, đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu gà, đậu tây, đậu Hà Lan…
Sữa không béo hoặc sữa có hàm lượng béo 1%:
Sữa tươi, sữa thanh trùng, sữa chua ít béo, pho mát…
Các loại dầu thực vật:
Sử dụng các loại dầu ít béo để nấu ăn như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải (có chất béo không bão hòa đơn, làm giảm LDL và mức cholesterol toàn phần) thay vì các loại dầu có nhiều chất béo không bão hòa đa, chẳng hạn như dầu ngô, dầu đậu phộng và nhiều loại bơ thực vật.
Các loại cá:
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên ăn cá (đặc biệt là cá giàu chất béo như cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ…) ít nhất 2 lần một tuần để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch vành.
Thịt:
Gia cầm – ức gà, gà tây bỏ da hoặc thịt gà nạc xay (ít nhất 93% nạc). Thịt gia súc như thịt vai heo, thịt thăn bò hoặc thịt bò nạc xay (ít nhất 93% nạc)
Tỏi:
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi làm giảm mức cholesterol LDL và giảm huyết áp, nên hãy nấu các món ăn với tỏi để tăng hương vị và tốt cho sức khỏe.
Các loại trái cây:
Quả bơ, cà chua, táo, việt quất, cam quýt, bắp cải, đậu bắp, cà rốt…
Các loại rau xanh:
Như rau diếp Romaine, rau bina, cải ngọt và cải xoăn
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, người bệnh động mạch vành cần tránh những thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm chiên rán, dầu mỡ như khoai tây chiên, gà chiên…
- Rau nấu với bơ, pho mát, hoặc sốt kem
- Sữa nguyên chất, sữa béo
- Thịt xông khói, xúc xích và thịt nội tạng (như gan) và các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm mặn
- Lòng đỏ trứng
- Bánh phô mai, bánh ngọt, bánh rán, kem
- Bơ thực vật
- Mỡ động vật
- Các món ăn vặt kém lành mạnh như snack
- Đồ uống chứa cồn, chất kích thích
Có một nguyên tắc được các chuyên gia khuyên người bệnh động mạch vành nên áp dụng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày là hãy cố gắng duy trì chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, bao gồm nhiều trái cây và rau quả tươi (5 phần mỗi ngày) và ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời hạn chế lượng muối ăn không quá 6g (khoảng 1 thìa cà phê) mỗi ngày vì quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp của bạn, ảnh hưởng xấu đến mạch vành.
2.2 Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bệnh động mạch vành bằng chế độ sinh hoạt
Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh với chế độ sinh hoạt lành mạnh là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh động mạch vành hiệu quả nhất. Theo đó bạn nên:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tim và hệ tuần hoàn máu của bạn hiệu quả hơn, giảm mức cholesterol trong máu và cũng giữ huyết áp của bạn ở mức khỏe mạnh, làm giảm nguy cơ bị đau tim. Những bài tập được khuyến nghị là bất kỳ bài tập aerobic nào, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội và khiêu vũ… đều tốt cho mạch vành của bạn.
- Ăn uống và đi ngủ đúng giờ: Tạo điều kiện cho các tế bào trong cơ thể được tái tạo đúng cách, tăng cường đề kháng cho cơ thể, hạn chế gốc tự do, mỡ máu tích tụ…
- Hạn chế căng thẳng, stress, áp lực trong công việc và cuộc sống: Hãy xây dựng kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức bởi stress sẽ tăng gốc tự do trong cơ thể, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
- Tránh thức khuya, không ăn đêm, ăn quá gần giờ đi ngủ: Những việc này sẽ gia tăng nguy cơ béo phì, kích thích cơ thể tích tụ mỡ thừa khiến thành mạch bị ảnh hưởng.
2.3. Chế độ tập luyện chủ động cải thiện tình trạng bệnh cho người bệnh động mạch vành
Người bị bệnh động mạch vành có thể lựa chọn những bài tập khác nhau để cải thiện tình trạng bệnh, tuy nhiên, cần lưu ý những nguyên tắc dưới đây:
- Chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, yoga, thiền… tránh những bài tập mạnh, nhanh như cardio, aerobic.
- Duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày sau đó tăng dần thời gian tập
- Hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi khi cần, không tập quá sức
- Hãy nghỉ ngơi trước khi bạn quá mệt mỏi. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc có bất kỳ triệu chứng tim nào, ví dụ như Chóng mặt, hoa mắt, đau ngực, nhịp tim không đều, khó thở, buồn nôn… hãy dừng lại.
- Mặc quần áo thoải mái khi đi tập
- Luôn mang theo thuốc được bác sĩ kê đơn khi đi tập thể dục
2.4 Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh bệnh động mạch vành
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện, sinh hoạt, các chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Y tế Học thuật Hoa Kỳ đã khuyên rằng, bạn nên chủ động thực hiện những việc dưới đây để phòng ngừa bệnh động mạch vành:
Kiểm soát huyết áp của bạn:
Huyết áp cao có thể tạo ra những vết rách siêu nhỏ trong thành động mạch, có thể dẫn đến sẹo. Mảng bám (cholesterol) bị mắc kẹt trong mô sẹo, khiến các động mạch cứng lại và hẹp lại, dần dần sẽ khiến bạn mắc bệnh động mạch vành.
Giảm Cholesterol trong máu:
Nồng độ cholesterol cao trong máu khiến mảng bám tích tụ trong động mạch. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim, gây ra các triệu chứng như đau ngực. Do đó hãy chủ động giảm cholesterol trong máu bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt như ở trên để phòng ngừa bệnh mạch vành.
Bỏ hút thuốc lá:
Hút thuốc có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh động mạch vành lên từ hai đến bốn lần. Nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp và nhịp tim, giảm lượng oxy mà tim nhận được và tăng nguy cơ đông máu. Các hóa chất trong thuốc lá cũng góp phần vào sự tích tụ mảng bám trong các động mạch dẫn đến tim.
Duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì:
Béo phì là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh động mạch vành, bởi vì thừa cân buộc tim phải làm việc chăm chỉ hơn. Ngoài ra, những người béo phì có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và mức cholesterol không lành mạnh, tất cả đều là những yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành.
Kiểm soát bệnh tiểu đường:
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp hai đến bốn lần so với những người không mắc bệnh này. Hãy cố gắng kiểm soát bệnh tiểu đường vì sức khỏe của bạn, đừng để lượng đường trong máu quá cao vượt ngưỡng cho phép.
Giảm mức tiêu thụ rượu:
Nếu bạn uống đồ uống có cồn, ví dụ như rượu, đừng vượt quá giới hạn tối đa được đề xuất. Đặc biệt, hãy luôn tránh uống rượu say, vì điều này làm tăng nguy cơ đau tim.
Khám sức khỏe định kỳ:
Việc khám sức khỏe chủ động sẽ giúp bạn phát hiện những thay đổi bất thường trong cơ thể mình sớm nhất (ví dụ như mỡ máu, đường huyết…) từ đó có biện pháp can thiệp để phòng ngừa mọi nguy cơ bệnh có thể xảy ra, bao gồm cả bệnh động mạch vành. Hãy khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần hoặc mỗi năm 2 lần vì sức khỏe của mình
Lời kết
Hy vọng những chia sẻ trên đây đã giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh động mạch vành, qua đó biết cách chủ động thay đổi lối sống, sinh hoạt để phòng ngừa bệnh động mạch vành.
Nguồn tham khảo:
https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2003/0415/p1769.html
https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000094.htm#:~:text=Choose%20an%20aerobic%20activity%20such,cool%20down%20after%20you%20exercise.
https://www.nhs.uk/conditions/coronary-heart-disease/prevention/
https://www.vinmec.com/vi/tim-mach/thong-tin-suc-khoe/tim-hieu-ve-benh-dong-mach-vanh/
https://www.vinmec.com/vi/tim-mach/thong-tin-suc-khoe/benh-mach-vanh-thuong-co-may-loai/
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ