9 nguyên nhân gây sâu răng thường gặp nhất và cách chủ động phòng ngừa hiệu quả
Sâu răng thường do ăn quá nhiều thức ăn và đồ uống chứa đường và không làm sạch khoang miệng đúng cách. Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến bệnh lý răng miệng này còn nhiều yếu tố hơn thế. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây nhé!
Contents
1. Thông tin quan trọng về sâu răng mà bạn cần biết
1.1 Sâu răng là gì?
Sâu răng là thuật ngữ nha khoa dùng để chỉ những khu vực trên bề mặt của răng bạn bị tổn thương. Những khu vực này nếu để lâu ngày sẽ trở thành những lỗ hổng. Và khi không được can thiệp kịp thời, lỗ sâu ngày càng ngày càng to, dẫn đến đau răng nghiêm trọng, nhiễm trùng, thậm chí mất răng.
Theo thống kê từ Cleveland Clinic (Hoa Kỳ), hơn 80% người Mỹ có ít nhất một lỗ sâu răng vào thời điểm họ bước vào giữa độ tuổi 30. Đây cũng là một trong những bệnh liên quan đến răng miệng phổ biến nhất. Và ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.
Tại Việt Nam, Theo thống kê từ bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương, hơn 90% người Việt Nam đang mắc các vấn đề về răng miệng. Trong đó, trên 80% người trưởng thành và cao tuổi có răng sâu vĩnh viễn.
Thực trạng trên đòi hỏi ai trong chúng ta cũng cần quan tâm đến sức khỏe răng miệng nhiều hơn. Bằng cách nắm được nguyên nhân, dấu hiệu từ đó chủ động ngừa bệnh.
1.2 Dấu hiệu sâu răng
Các triệu chứng của sâu răng khác nhau, tùy thuộc vào số lượng bạn có và vị trí của chúng. Khi răng mới bị tổn thương, hầu như nó sẽ không có bất kỳ một dấu hiệu nào.
Tuy nhiên, khi vết sâu răng đã lớn, nó sẽ xuất hiện các triệu chứng:
- Hôi miệng, hơi thở có mùi
- Chảy máu chân răng, nướu
- Đau răng, cơn đau có thể lan ra hàm hoặc nửa đầu
- Răng trở nên nhạy cảm, đặc biệt là khi ăn đồ lạnh, nóng, cay
- Bạn có thể nhìn thấy những lỗ sâu nhỏ trên răng của mình
- Xuất hiện vết đen trên bất kỳ bề mặt nào của răng, thường gặp nhất là ở mặt nhai thức ăn
- Đau khi bạn ăn uống, nhất là khi ăn đồ cứng, dai
- Sưng nướu, viêm nướu xung quanh răng bị sâu
1.3 4 Nguyên nhân gây sâu răng thường gặp nhất
Vi khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sâu răng. Cụ thể, vi khuẩn sẽ sử dụng những thực phẩm bạn tiêu thụ, nhất là các loại thực phẩm và đồ uống có đường, giàu tinh bột. Ví dụ như trái cây, kẹo, bánh mì, ngũ cốc, nước ngọt, nước trái cây và sữa. Sau đó, vi khuẩn chuyển đổi các carbohydrate này thành acid.
Hỗn hợp vi khuẩn, acid, thức ăn sẽ tạo thành mảng bám và bám trên răng của bạn (cao răng). Nếu mảng bám không được làm sạch đúng cách, axit trong mảng bám sẽ ăn mòn men răng. Từ đó tạo ra các lỗ sâu hoặc lỗ trên bề mặt men răng theo thời gian.
Ngoài vi khuẩn, các nguyên nhân khác là:
- Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách, ví dụ như chải răng quá nhanh. Hoặc không sử dụng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng. Điều này khiến thực phẩm sót lại trong miệng, trở thành thức ăn cho vi khuẩn.
- Tiêu thụ nhiều đồ ngọt, bao gồm sữa, kem, mật ong, đường, soda, trái cây khô. Đồ ngọt cũng bao gồm bánh ngọt, bánh quy, kẹo cứng, khoai tây chiên…
- Ăn vặt quá nhiều mà không làm sạch răng sau khi ăn
- Thiếu Florua – khoáng chất tự nhiên, giúp ngăn ngừa sâu răng. Đây thành phần phổ biến trong kem đánh răng và nước súc miệng.
- Khô miệng, tình trạng này xảy ra do thiếu nước bọt. Nước bọt giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách rửa sạch thức ăn và mảng bám trên răng của bạn.
- Hút thuốc, uống ít nước, mắc một số bệnh mãn tính… Góp phần gây ra tình trạng khô miệng, tăng nguy cơ sâu răng.
- Trám răng lâu năm, vết trám bắt đầu bị hỏng hoặc có các cạnh thô ráp. Điều này cho phép mảng bám tích tụ dễ dàng hơn và khó loại bỏ hơn.
- Chứng ợ nóng khiến axit dạ dày chảy vào miệng của bạn. Cái này được gọi là trào ngược. Nó có thể làm mòn men răng của bạn và gây ra vấn đề răng miệng khác
1.4 Ai có nguy cơ sâu răng cao nhất
Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ) cho biết, sâu răng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mặc dù sâu răng phổ biến hơn ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có tỷ lệ sâu răng cao.
Nhìn chung, nếu bạn có những thói quen dưới đây, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý liên quan đến răng miệng này cao hơn:
- Lười vệ sinh răng miệng, chải răng sai cách
- Không súc miệng, sử dụng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để vệ sinh răng
- Lười uống nước
- Ăn đồ ngọt, ăn đêm, ăn trước khi đi ngủ mà không vệ sinh răng miệng
- Thường xuyên ăn đồ cay, nóng, chua, uống nước đá… khiến men răng bị mòn
- Hút thuốc lá, uống rượu bia…
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị mãn tính, thực hiện hoá trị, xạ trị
1.5 Những biến chứng thường gặp ở sâu răng
Nếu không được can thiệp kịp thời, các biến chứng của bệnh bao gồm:
- Đau đớn, khó nhai nuốt, giảm cân
- Áp xe nướu răng, nhiễm trùng răng
- Gãy răng
- Mất răng, gây xô lệch hàm, sai lệch khớp nhai. Lâu dần, mặt của bạn có thể bị lệch, mất cân đối nếu răng bị mất không được trồng lại
2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị sâu răng bạn biết chưa?
2.1 Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị sâu răng
Răng bị sâu nên ăn gì?
Trái cây và rau quả giàu chất xơ
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) cho biết, thực phẩm giàu chất xơ giúp giữ cho răng và nướu của bạn sạch sẽ hơn. Những thực phẩm này cũng tăng tiết nước bọt, ngừa khô miệng. Nhờ đó mà ngừa sâu răng, đồng thời ngừa vi khuẩn phát triển thêm – nguyên nhân khiến lỗ sâu răng to lên.
Không chỉ có vậy, trái cây và rau quả cũng giàu vitamin và khoáng chất. Vitamin giúp tăng đề kháng, phòng ngừa sự phát triển của vi khuẩn quá mức. Còn khoáng chất (canxi, phốt pho) giúp răng chắc khỏe, hạn chế mòn men răng. Tất cả đều tốt cho răng cũng như sức khỏe tổng thể của bạn.
Vậy nên, bên cạnh việc chăm sóc răng miệng tại nhà tốt, đây là biện pháp bảo vệ răng miệng, ngừa răng bị sâu và viêm nướu hiệu quả được các chuyên gia khuyến nghị.
Trái cây và rau quả giàu chất xơ gồm: bông cải xanh, rau muống, rau chân vịt, cải bó xôi, bí đỏ, cà rốt, cà chua. Chúng cũng gồm dưa hấu, dưa leo, cam, táo, chuối…
Phô mai, sữa, sữa chua nguyên chất và các sản phẩm từ sữa khác
Có thể bạn chưa biết, phô mai có khả năng kích thích quá trình tiết nước bọt trong khoang miệng. Nhờ đó giúp loại bỏ lượng thức ăn dư thừa còn dính lại trên kẽ răng sau mỗi bữa ăn.
Ngoài ra, phô mai nói riêng và các sản phẩm từ sữa nói chung giàu canxi và phốt phát. Giúp bù đắp khoáng chất thiết yếu cho răng đã “vô tình” bị mất đi do vi khuẩn. Qua đó giúp răng chắc, men răng khoẻ hơn, hạn chế vi khuẩn tấn công.
Trà xanh và trà đen
Cả hai loại trà này đều chứa polyphenol tương tác với vi khuẩn mảng bám. Theo đó, những chất này hoặc là tiêu diệt hoặc kìm hãm vi khuẩn. Điều này ngăn vi khuẩn phát triển hoặc tạo ra acid tấn công răng.
Bên cạnh đó, một tách trà cũng có thể là nguồn cung cấp florua. Bạn chỉ cần pha trà với nguồn nước sạch, miễn đó không phải là nước đã tách florua.
Kẹo cao su không đường
Nhai kẹo cao su cũng là một cách tuyệt vời để kích thích sản xuất nước bọt, làm sạch khoang miệng. Đồng thời loại bỏ các hạt thức ăn ra khỏi miệng của bạn hiệu quả. Lưu ý, hãy chọn loại không đường, chứa xylitol.
Thực phẩm chứa fluoride
Fluoride đã được chứng minh có khả năng phòng ngừa sâu răng, tái khoáng men răng giúp răng cứng chắc hơn.
Bạn có thể lựa chọn nước uống có fluoride, hoặc bất kỳ sản phẩm nào chứa fluoride, đều giúp ích cho răng của bạn. Bao gồm:
- Nước khoáng chứa Flour
- Trà xanh, trà đen
- Các loại nho khô lẫn nho tươi
- Các hải sản như tôm, cua, hàu đều chứa vi chất fluor. Ngoài ra chúng cũng chứa canxi giúp răng chắc khỏe hơn.
- Khoai tây
- Các loại rau quả như rau xanh, bắp cải, súp lơ, cà chua, cà rốt, dưa chuột, đậu…
Ngoài những thực phẩm trên, thực phẩm giàu canxi như hải sản, rau lá xanh… cũng góp phần giúp răng chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, hãy lưu ý, nếu bạn có dấu hiệu đau răng hay răng tổn thương, hãy nấu mềm thức ăn để tránh gây áp lực cho răng.
Thực phẩm người răng bị sâu nên tránh
- Thực phẩm giàu acid Phytic: Acid phytic là một chất chống dinh dưỡng nổi tiếng có tác dụng ức chế sự hấp thụ một số chất dinh dưỡng. Bao gồm các khoáng chất cần thiết để tái khoáng hóa, như canxi và magiê. Thực phẩm giàu acid phytic là lúa mì, hạnh nhân, đậu nành, ngô, đậu nành…
Thực phẩm và đồ uống có đường: Thực phẩm và đồ uống có đường cung cấp thức ăn cho vi khuẩn trong miệng gây sâu răng. Nó bao gồm bánh ngọt, bánh quy, nước ép trái cây, kẹo, nước ngọt có gas…
Thực phẩm và đồ uống có tính acid: Acid ăn mòn men răng và làm trầm trọng thêm tình hình sâu răng. Chúng bao gồm nước ngọt, cà phê, nước ép cam, chanh, bưởi, nước tăng lực, rượu, kombucha…
- Ngoài ra, bất kỳ thực phẩm nào dính hoặc dai – như kẹo cao su, trái cây khô, xi-rô và kẹo- đều bị mắc kẹt trong các ngóc ngách của răng và khoảng trống giữa chúng. Khi lượng đường dư thừa đọng lại trên răng của bạn, vi khuẩn có hại sẽ sử dụng chúng làm thức ăn để sinh trưởng, gây sâu răng.
2.2 Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người sâu răng bằng chế độ sinh hoạt
Có thể nói, vệ sinh răng miệng đúng cách là điều kiện tiên quyết để sở hữu hàm răng chắc khỏe. Cùng với đó, chế độ sinh hoạt đúng cách cũng giúp bảo vệ răng của bạn khỏi vi khuẩn hiệu quả.
Cụ thể:
Vệ sinh răng miệng đúng cách
- Chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày (sáng ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ)
- Chải răng ít nhất khoảng 2 phút/lần theo khuyến nghị của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ. Nên chia hàm thành 4 khu trái/phải/trên/dưới, mỗi khu đánh 30 giây.
- Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch kẽ răng
- Sử dụng nước súc miệng sau khi đánh răng
- Súc miệng bằng nước lọc sau khi ăn khoảng 10 – 15 phút. Bạn không nên súc miệng ngay sau khi ăn vì răng cũng cần hấp thụ một số khoáng chất từ thức ăn. Ví dụ như canxi, phốt pho, Flour…
- Sử dụng kem đánh răng chứa flour phù hợp
- Thay bàn chải khoảng 3 tháng/lần hoặc sớm hơn nếu thấy dấu hiệu mòn
Chế độ sinh hoạt chủ động cho người sâu răng
- Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tránh ăn khuya. Vì theo nhiều nghiên cứu, ăn khuya tăng đáng kể nguy cơ sâu răng.
- Uống nhiều nước, nên uống khoảng 8 ly nước (250ml/ly) mỗi ngày, tránh để miệng quá khô
- Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày. Tập thể dục giúp tăng cường đề kháng, góp phần làm chậm quá trình tấn công của vi khuẩn gây hại. Đồng thời kích thích chúng ta uống nhiều nước hơn, tránh khô miệng.
- Từ bỏ ăn vặt, đặc biệt là những đồ ăn vặt nhiều đường, quá cay, quá chua…
- Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, dầu mỡ, giàu tinh bột… bởi chúng sẽ giúp vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mạnh mẽ hơn.
- Hạn chế sử dụng răng sai mục đích, ví dụ như mở nắp chai bia, cắt băng dính…
- Hạn chế uống nước đá
- Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích
2.3 Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh sâu răng
Bảo vệ răng khỏi vi khuẩn không khó, nếu muốn tránh sâu răng nói riêng cũng như tránh các bệnh liên quan đến răng miệng khác, hãy:
Duy trì thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách
Như đã kể trên, chăm sóc răng miệng đúng cách quyết định phần lớn đến sức khoẻ răng miệng của bạn. Nên hãy cố gắng duy trì những thói quen lành mạnh như chải răng 2 lần/ngày, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miêng… để bảo vệ răng miệng
Đừng quên làm sạch khoang miệng
Làm sạch răng là chưa đủ bởi vi khuẩn tồn tại trong cả khoang miệng. Do đó, hãy chú ý vệ sinh cả nướu, bên trong má và lưỡi để loại bỏ vi khuẩn tối đa.
Xử lý các vấn đề răng miệng sớm
Nấm miệng, viêm loét nướu… đều là những bệnh lý liên quan đến răng miệng có thể kích thích sự phát triển của vi khuẩn gây tổn thương răng. Nếu muốn ngừa răng bị sâu, hãy giải quyết những vấn đề trên trước.
Ăn các bữa ăn bổ dưỡng và cân bằng và hạn chế ăn nhẹ.
Ăn nhiều rau xanh, chất xơ và giàu canxi, phốt pho là chế độ ăn được nha sĩ khuyên áp dụng giúp răng chắc khỏe. Đồng thời ngừa bệnh răng miệng hiệu quả.
Bạn nên hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate như kẹo, bánh quy và khoai tây chiên, hay những thứ có thể dính chặt lại trên bề mặt răng. Nếu ăn thức ăn dính, hãy đánh răng ngay sau đó.
Hạn chế sử dụng thuốc tây
Nhiều loại thuốc, kháng sinh vô cùng có hại cho men răng. Thuốc này làm giảm tiết acid làm giảm lượng acid tiết ra trong dạ dày. Mặc dù giúp làm giảm chứng ợ nóng hoặc khó tiêu như thuốc ức chế thụ thể H2 (như famotidine và ranitidine) và thuốc ức chế bơm proton (như lansoprazole và omeprazole)… Nhưng chúng lại khiến răng yếu hơn và gây sâu.
Khám răng định kỳ hoặc khi có bất thường
Hãy nhớ lịch khám răng với nha sĩ 6 tháng/lần hoặc khi có bất kỳ bất thường về răng miệng nào. Việc khám răng mang đến nhiều lợi ích hơn bạn tưởng:
- Làm sạch mảng bám, cao răng tích tụ trên răng. Mảng bám chính là “nơi cư trú” của vi khuẩn gây tổn thương răng.
- Phát hiện những vấn đề răng miệng sớm nhất, từ đó xử lý kịp thời, tránh biến chứng.
- Kiểm tra tình trạng răng, xem liệu bạn có cần bổ sung flour không và bổ sung bằng cách phù hợp.
- Phòng ngừa mọi vấn đề răng miệng, ví dụ bong vết trám răng, viêm nha chu…
Lời kết
Ai trong chúng ta cũng có nguy cơ bị sâu răng. Đó là lý do mà ai cũng cần chủ động nắm được nguyên nhân, dấu hiệu từ đó chủ động phòng ngừa. Chúc các bạn luôn sở hữu hàm răng chắc khoẻ để nụ cười toả nắng.
Nguồn tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cavities/symptoms-causes/syc-20352892
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10946-cavities
- https://www.nhs.uk/conditions/tooth-decay/#:~:text=Tooth%20decay%20happens%20when%20bacteria,gums%20from%20an%20early%20age.
- https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=4062
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ