Viêm kết – giác mạc là một trong những bệnh lý thường gặp liên quan đến mắt, không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh mà nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tổn thương thị lực vĩnh viễn. Biết được viêm kết – giác mạc là gì, nguyên nhân của bệnh là cách để chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Contents
1. Thông tin quan trọng về viêm kết – giác mạc bạn cần biết
1.1 Viêm kết – giác mạc là gì?
Viêm kết – giác mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là một trong những bệnh lý liên quan đến mắt phổ biến nhất. Theo giải phẫu học, kết – giác mạc là lớp mô bao phủ tròng trắng của mắt và bên trong mí mắt, có công dụng bảo vệ mắt khỏi những tác hại xấu từ bên ngoài như bụi bẩn, vi khuẩn, chất gây dị ứng…
Viêm kết mạc chính là tình trạng lớp mô bao phủ này bị vi khuẩn tấn công hoặc do chấn thương dẫn đến viêm nhiễm, các mạch máu giãn nở khiến mắt bị cộm cứng, khó chịu.
Mặc dù viêm kết – giác mạc có thể điều trị được, tuy nhiên do sự thiếu hiểu biết hoặc tự ý dùng thuốc nhỏ mắt sai cách đã khiến tình trạng viêm giác mạc chuyển biến xấu, đến khi tới khám bác sĩ thì bệnh đã trở nặng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.
1.2 Dấu hiệu viêm kết – giác mạc
Theo các chuyên gia từ Mayo Clinic – Bệnh viện uy tín hàng đầu Hoa Kỳ chia sẻ, các triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Đỏ mắt
- Đau mắt
- Chảy nước mắt
- Có dịch tiết ra từ mắt, dịch có thể có màu vàng và mùi hôi
- Khó mở mí mắt vì đau hoặc kích ứng, đặc biệt là sau khi ngủ dậy
- Giảm thị lực, tầm nhìn bị thu hẹp
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Luôn cảm giác rằng có thứ gì đó trong mắt mà không thể lấy ra được
Viêm kết giác mạc bao lâu thì khỏi? Hầu hết các triệu chứng viêm kết mạc sẽ khỏi nếu được điều trị đúng cách từ khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên có những trường hợp bệnh có dấu hiệu không cải thiện hoặc tồi tệ hơn, nhất là khi được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Lúc này, bạn không nên chủ quan mà hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng lâu dài đến thị lực của mình.
1.3 Nguyên nhân viêm kết – giác mạc
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây viêm kết – giác mạc mà các chuyên gia chia thành 8 loại khác nhau, bao gồm:
Do vi khuẩn:
Thường do các chủng khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, hoặc ít phổ biến hơn như Chlamydia trachomatis và Neisseria gonorrhoeae gây ra.
Do virus:
Vi rút herpes – herpes simplex và herpes zoster – có thể gây viêm giác mạc.
Do dị ứng:
Xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, thực phẩm…
Do mắt tiếp xúc với hóa chất độc hại:
Ví dụ như cồn, khói, chất lỏng lạ… bắn vào mắt.
Do có dị vật trong mắt:
Dị vật nếu không được lấy ra đúng cách sẽ gây xước giác mạc, tổn thương và dẫn đến viêm kết mạc mắt.
Do tắc tuyến lệ:
Khiến mắt bị kích ứng, tích tụ nước mắt gây sưng, đau và viêm
Do dùng kính áp tròng:
Sử dụng kính áp tròng lâu này và được được vệ sinh đúng cách sẽ tích tụ vi khuẩn, bụi bẩn khiến giác mạc bị tổn thương.
Do tiếp xúc với người bị viêm kết – giác mạc khác:
Viêm kết giác mạc mắt có thể lây lan nếu do virus gây ra, nên chẳng may tiếp xúc với người bệnh, bạn cũng có nguy cơ mắc phải.
1.4 Đối tượng có nguy cơ cao bị viêm kết – giác mạc
Ai cũng có thể là đối tượng bị viêm kết – giác mạc tấn công, tuy nhiên những nhóm đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn những người khác:
- Người có miễn dịch suy giảm, ví dụ như người bị HIV, bệnh tự miễn, trẻ em… khiến vi khuẩn, virus, ký sinh trùng dễ có cơ hội tấn công, gây bệnh hơn.
- Người từng bị chấn thương mắt, nếu giác mạc mắt của bạn đã bị tổn thương do chấn thương trong quá khứ, bạn có thể dễ bị viêm giác mạc hơn.
- Người thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường có hoá chất độc hại, khói bụi, ví dụ như công trường…
- Người thường xuyên đeo kính áp tròng mà không vệ sinh kính đúng cách
1.5 Biến chứng của viêm kết – giác mạc
Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bị viêm kết – giác mạc có nguy cơ gặp phải các biến chứng:
- Viêm kết mạc mắt, viêm kết mạc mắt mãn tính
- Sẹo kết giác mạc
- Loét giác mạc
- Suy giảm thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn
- Mù lòa
2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị viêm kết – giác mạc bạn biết chưa?
2.1. Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị viêm kết – giác mạc
Viêm kết – giác mạc là một dạng viêm, vậy nên trong trường hợp này, chế độ ăn với những thực phẩm có công dụng chống viêm, giàu chất chống oxy hoá sẽ phù hợp nhất.
Theo đó, Natural Eye Care – Trang web chuyên về chăm sóc sức khỏe cho mắt đã chỉ ra rằng, người bị viêm kết – giác mạc có thể áp dụng chế độ ăn Địa trung Hải để cải thiện tình trạng viêm và giúp bệnh mau khỏi hơn.
Chế độ ăn Địa Trung Hải khuyên
- Các loại rau xanh: Bông cải xanh, cải bắp, rau cải chân vịt, cải ngọt, rau ngót, rau muống…
- Trái cây: Cam, quýt, bưởi, dâu tây, dâu tằm, việt quất, cà chua, cherry, mận…
- Ngũ cốc nguyên hạt: lúa mì, lúa mạch, yến mạch, diêm mạch…
- Các loại đậu: Đậu xanh, đậu đen, đậu nành…
- Các loại hạt: Óc chó, hạnh nhân, macca, hạnh nhân…
- Dầu ô liu
- Bổ sung protein từ thịt trắng (thịt gà, cá) và các loại cá béo, hải sản có vỏ (hàu, tôm…)
Bên cạnh đó, những loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá mòi… giàu Omega 3 và các loại thực phẩm giàu vitamin A tốt cho mắt như khoai lang, đu đủ, cà rốt… cũng được khuyến khích để tăng cường sức khoẻ của đôi mắt, sức đề kháng của cơ thể để giúp viêm kết mạc mắt nhanh khỏi hơn.
Ngoài những thực phẩm nên ăn, người bị viêm kết – giác mạc nên kiêng:
- Thực phẩm bão hòa với carbohydrate: bánh ngọt, soda, các loại nước ngọt,
- Thực phẩm giàu tinh bột: Bánh mì tinh chế, bánh mì trắng, gạo trắng
- Thực phẩm nhiều đường: bánh kem, pudding, kẹo, mứt…
- Thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo, mặn: xúc xích, thịt nguội, pho mát, jambon…
- Đồ uống chứa cồn: Rượu, bia, rượu vang…
- Trà và cà phê chứa cafein
- Thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, chiên rán: Gà rán, khoai tây chiên
Đặc biệt, trong quá trình điều trị viêm giác mạc, các chuyên gia bạn nên từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng trứng và các món thịt đỏ (bò, cừu, ngựa) để bệnh nhanh hồi phục nhất.
2.2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người viêm kết – giác mạc bằng chế độ sinh hoạt
Một chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học luôn được các chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta nên thực hiện để chủ động nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp cơ thể có khả năng chiến đấu với bệnh tật tốt hơn, bao gồm cả bệnh viêm kết – giác mạc.
Cụ thể, người bị viêm kết – giác mạc nên duy trì chế độ sinh hoạt:
- Ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tránh để mắt tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại, các tác nhân gây hại như bụi bẩn, dị vật… quá lâu, quá gần.
- Chườm ấm hoặc chườm lạnh để giảm kích ứng và khó chịu ở mắt trong 5-10 phút mỗi ngày
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt để bôi trơn cho mắt khô, bị kích ứng. tuy nhiên không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc kháng sinh nhỏ mắt khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ, chuyên gia
- Từ bỏ thói quen dụi mắt, đưa tay lên lau mắt khi tay chưa được vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn
- Rửa sạch tay trước và sau khi tiếp xúc với mắt.
- Lau mắt bằng gạc y tế hoặc khăn cá nhân sạch (giặt bằng xà phòng diệt khuẩn và phơi chỗ có nắng).
- Tránh để chất tiết từ mắt tiếp xúc với người khác để tránh lây lan thành dịch trong trường hợp viêm kết mạc do virus.
- Không đeo kính áp tròng trong thời gian bị bệnh
- Tái khám ngay khi có các triệu chứng nặng của bệnh như nhìn mờ, mắt đau nhức nhiều, sợ ánh sáng…
2.3. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh viêm kết – giác mạc
Nắm được nguyên nhân viêm kết mạc chính là cơ sở để chúng ta có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả nhất.
Bằng cách:
- Cố gắng vận động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường khả năng miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể
- Duy trì thói quen vệ sinh mắt mỗi khi đi ra ngoài về bằng cách rửa nước muối sinh lý, nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc rửa mắt bằng nước sạch
- Hạn chế đến những nơi đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ví dụ như khu vực công cộng, công viên…
- Kiểm soát những bệnh liên quan đến dị ứng
- Hạn chế đeo kính áp tròng và chú ý đến việc vệ sinh kính áp tròng thường xuyên
- Bên chuyển sang đeo kính nhiều hơn
- Tẩy trang trước khi đi ngủ, đặc biệt là tẩy trang mắt
- Luôn đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt khi đi ra ngoài
- Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước giặt và ấm thường xuyên
- Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa, kính mắt… với người khác
- Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào liên quan đến mắt, hãy cố gắng điều trị chúng càng nhanh càng tốt để ngăn chúng phát triển thành bất cứ bệnh gì nghiêm trọng hơn.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ về nguyên nhân, dấu hiệu và cách chăm sóc người viêm kết – giác mạc cũng như cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả nhất. Hy vọng rằng, sau bài viết này bạn đã biết cách bảo vệ bản thân và những người yêu thương xung quanh tránh xa viêm kết giác mạc, hay nói cách khác là tránh xa đau mắt đỏ.
Nguồn tham khảo:
- https://tamanhhospital.vn/viem-ket-mac/
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/keratitis/symptoms-causes/syc-20374110
- https://www.eatingwell.com/article/7943887/best-foods-for-eye-health/
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ