8 Loại Thức Ăn Người Hay Bị Dị Ứng Thực Phẩm Cần Tránh Xa

27 lượt xem

8 Loại Thức Ăn Người Hay Bị Dị Ứng Thực Phẩm Cần Tránh Xa

Dị ứng thực phẩm là hiện tượng cực kì phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 5% người trưởng thành và 3% trẻ em (tỉ lệ này hiện đang tăng lên). Vậy những loại thực phẩm nào dễ gây dị ứng nhất. Cùng điểm tên đầy đủ trong bài viết dưới đây nhé!

1. Thông tin quan trọng về dị ứng thực phẩm bạn cần biết.

1.1. Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng thực phẩm là một phản ứng của hệ thống miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó, ngay cả khi bệnh nhân dùng một lượng nhỏ thức ăn dị ứng cũng có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng trên tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy…), nổi mề đay hoặc sưng đường hô hấp. Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí là sốc phản vệ, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.

Dị ứng thực phẩm có thể phân thành hai loại chính: Dị ứng IgE và dị ứng không IgE. IgE là một loại kháng thể. Kháng thể là một loại protein trong máu có vai trò miễn dịch là nhận diện và chống lại sự nhiễm khuẩn. Trong dị ứng IgE, kháng thể IgE được hệ miễn dịch giải phóng ra. Trong dị ứng không IgE, kháng thể IgE không xuất hiện, thay vào đó là các thành phần khác.

Dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến ước tính 8% trẻ em dưới 5 tuổi và lên đến 4% người lớn. Trong khi không có cách chữa trị, một số trẻ em sẽ phát triển chứng dị ứng thức ăn của chúng khi chúng lớn lên.

1.2. Nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng thực phẩm

Nguyên nhân gây ra dị ứng thức ăn là do hệ thống miễn dịch nhận diện nhầm cho rằng một loại thực phẩm hoặc chất có trong thực phẩm như là dị nguyên nên sinh ra các kháng thể IgE có chức năng trung hòa các dị nguyên này.

Lần sau khi ăn chỉ với một lượng nhỏ loại thực phẩm đó, kháng thể IgE sẽ nhận ra và truyền tín hiệu đến hệ thống miễn dịch để giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học khác nhằm chống lại tác nhân gây hại và gây ra phản ứng dị ứng cho cơ thể.

1.3. Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng thực phẩm

Đối với một số người, phản ứng dị ứng với một loại thực phẩm có thể khó chịu nhưng không nghiêm trọng. Đối với những người khác, phản ứng dị ứng thực phẩm lại rất tồi tệ và thậm chí đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm thường xuất hiện và tiến triển trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi ăn nhưng hiếm khi bị trì hoãn trong vài giờ.

Một số dấu hiệu và triệu chứng dị ứng thực phẩm phổ biến:

  • Ngứa ran trên da hoặc ngứa trong miệng;
  • Phát ban, ngứa hoặc chàm;
  • Sưng phù phần mặt, môi, trong miệng (bao gồm lưỡi), cổ họng hoặc các bộ phận khác;
  • Nghẹt mũi, khò khè hoặc khó thở;
  • Triệu chứng trên đường tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn;
  • Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu;
  • Sốc phản vệ.

Ở một số người, dị ứng thực phẩm có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ đe dọa tính mạng, như:

  • Co thắt đường thở;
  • Cổ họng bị sưng tấy hoặc cảm giác có khối chẹn trong cổ họng gây khó thở;
  • Sốc do tụt huyết áp nghiêm trọng;
  • Mạch nhanh;
  • Choáng váng, chóng mặt, mất ý thức.
  • Trường hợp sốc phản vệ cần phải được cấp cứu ngay, nếu không có thể dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị dị ứng thực phẩm bạn biết chưa?

2.1. Điều bạn cần làm khi bị dị ứng thực phẩm

Một số điều mà bạn có thể tham khảo trong điều trị dị ứng thực phẩm là:

  • Trong trường hợp dị ứng nhẹ: Cần ngừng ngay thức ăn gây dị ứng, có thể sử dụng thuốc kháng histamin để giảm bớt các phản ứng dị ứng, giảm nổi mề đay, phát ban, ngứa, phù nề,…
  • Trong trường hợp dị ứng nghiêm trọng: Ngừng ngay thức ăn gây dị ứng và cấp cứu kịp thời. Có thể sử dụng epinephrine tiêm tĩnh mạch. Sau đó sử dụng một trong 2 phương pháp: liệu pháp miễn dịch đường uống và Anti – IgE.

2.2. Những loại thực phẩm dễ gây dị ứng các bạn nên tránh

2.2.1. Sữa bò

Dị ứng sữa bò thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ tiếp xúc với protein sữa bò từ trước khi 6 tháng tuổi.

Do vậy các bạn nên tránh sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò, bao gồm các đồ ăn và thức uống như: sữa tươi, bột sữa, pho mát, bơ, dầu thực vật, sữa chua, kem.

2.2.2. Trứng

Dị ứng trứng là loại dị ứng thực phẩm phổ biến thứ hai ở trẻ em. Tuy nhiên có tới 68% những đứa trẻ dị ứng với trứng sẽ không còn dị ứng nữa khi 16 tuổi.

Các triệu chứng dị ứng bao gồm: Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như đau bụng, phản ứng da, mẩn đỏ, nổi mề đay, các vấn đề về hô hấp, phản ứng phản vệ hiếm gặp.

2.2.3. Các loại hạt của quả có vỏ cứng

Dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng cũng là loại dị ứng thường gặp, chúng bao gồm: Hạt quả hạch Brazil, điều, hạnh nhân, mắc ca, dẻ cười, thông, quả óc chó.

Những người dị ứng với các loại hạt của quả có vỏ cứng cũng dị ứng với các sản phẩm chứa bơ hạt, dầu thực vật. Người dị ứng với một hoặc hai loại hạt vẫn được khuyên nên tránh sử dụng tất cả vì nguy cơ phát triển dị ứng đối với những loại hạt khác.

2.2.4. Lạc

Dị ứng với lạc ảnh hưởng tới khoảng 4 – 8% trẻ em và 1 – 2% người trưởng thành, dị ứng đậu phộng thường kéo dài suốt đời, tuy nhiên khoảng 15 – 22% trẻ em bị dị ứng với đậu phộng sẽ hết dị ứng khi bước vào tuổi thiếu niên.

Lạc có thể gây ra các phản ứng dị ứng dị nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng (sốc phản vệ) thậm chí chỉ cần một lượng nhỏ. Tiếp xúc da thông thường ít có khả năng gây phản ứng tuy nhiên nếu vùng tiếp xúc với đậu phộng vô tình chạm vào mắt, mũi, miệng thì các phản ứng dị ứng có thể xảy ra.

2.2.5. Động vật có vỏ

Dị ứng với động vật có vỏ là dị ứng với thức ăn từ các loài giáp xác và nhuyễn thể như tôm, cua, mực, sò điệp…

Triệu chứng của dị ứng với động vật có vỏ thường tiến triển nhanh và tương tự như các dị ứng thực phẩm IgE khác. Thậm chí, có người chỉ cần ngửi mùi trong quá trình chế biến thức ăn cũng đã đủ để biểu hiện dấu hiệu dị ứng. Dị ứng với động vật có vỏ thường kéo dài suốt đời, do đó người bị dị ứng cần loại bỏ toàn bộ động vật có vỏ ra khỏi chế độ ăn.

2.2.6. Lúa mì

Dị ứng với lúa mì gây ra bởi đáp ứng dị ứng với một hoặc một số protein trong lúa mì. Loại dị ứng này ảnh hưởng nhiều nhất tới trẻ em, mặc dù tình trạng dị ứng thường biến mất khi trẻ 10 tuổi.

2.2.7. Đậu nành

Dị ứng với đậu nành ảnh hưởng tới khoảng 0,4% trẻ em và thường gặp nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, tuy nhiên 70% trẻ em dị ứng sẽ tự hết khi lớn lên.

Những người bị dị ứng với đậu nành nhiều khả năng dị ứng hoặc nhạy cảm với các thực ăn hay gây dị ứng khác như lạc, các loại hạt, trứng, sữa… hơn là với các loại đậu khác như đậu Hà Lan, đậu lăng…

2.2.8. Cá

Khác với các loại dị ứng khác, dị ứng với cá có thể xuất hiện sau khi đã trưởng thành.

Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá da trơn và cá tuyết là những loại cá thường được báo cáo phản ứng dị ứng nhiều. Khi bạn bị dị ứng với cá, cần tránh ăn cá và các sản phẩm từ cá, luôn đọc kĩ nhãn thực phẩm và thành phần. Tránh xa các nhà hàng hải sản, tránh chạm vào cá khi đi chợ và tránh những khu vực nấu nướng vì protein của cá có thể trong hơi nước.

2.3. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị dị ứng bằng chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị và liên hệ ngay với nhân viên y tế khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và thăm khám định kỳ để bác sĩ tìm được hướng điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân.
  • Bệnh nhân cần lạc quan, duy trì lối sống tích cực, hạn chế tối đa căng thẳng vì tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị.
  • Lập danh sách những loại thực phẩm đã từng gây dị ứng và thông báo cho gia đình cũng như những người xung quanh.
  • Đọc kỹ thành phần trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng.


2.4. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng dị ứng thực phẩm

Để tránh dị ứng thực phẩm người lớn cần lưu ý:

  • Đọc kỹ thành phần trên bao bì, đảm bảo các thành phần không gây kích ứng
  • Không kết hợp các thức ăn có phản ứng chéo gây dị ứng. Chẳng hạn như sữa dê với sữa bò, thịt bò với thịt cừu, các loại cá với đậu…
  • Không ăn thực phẩm quá hạn, thực phẩm có dấu hiệu mốc, hỏng
  • Luôn chuẩn bị thuốc dị ứng khi đi du lịch hoặc ra ngoài
  • Vệ sinh dụng cụ nhà bếp, tránh để lẫn đồ dễ gây dị ứng

Đối với trẻ em dễ bị dị ứng thức ăn cần chú ý:

  • Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
  • Loại bỏ những tác nhân gây dị ứng trong bữa ăn của người mẹ
  • Nên lưu ý thành phần sữa nếu cho trẻ nhỏ sử dụng
  • Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm trước 6 tháng
  • Cần để trẻ từ từ làm quen với các loại thức ăn dễ gây dị ứng như lòng trắng trứng, lạc, hải sản…

Kết luận: Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng khi bị dị ứng thực phẩm cũng như các loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất. Để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình bạn hãy lựa chọn và sử dụng thực phẩm một cách khoa học nhé!

Tài liệu tham khảo:

https://medlatec.vn/tin-tuc/nhung-dieu-can-lam-khi-bi-di-ung-thuc-an-s195-n17957

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/8-loai-di-ung-thuc-pham-pho-bien-nhat/

 

 

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận