Đau mắt đỏ là bệnh lý liên quan đến mắt phổ biến, dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trên diện rộng. Hiểu được dấu hiệu và biết đau mắt đỏ lây qua đường nào, từ đó có biện pháp phòng tránh chính là cách để căn bệnh này không ảnh hưởng đến đôi mắt nói riêng và cuộc sống của chúng ta nói chung.
Contents
1. Thông tin quan trọng về bệnh đau mắt đỏ bạn cần biết
1.1 Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là tình trạng lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng của mắt), hay còn gọi là giác mạc hoặc kết mạc bị vi khuẩn, virus, bụi bẩn… xâm nhập, gây viêm nhiễm, khiến mạch máu giãn nở, sưng đỏ, đau cộm khó chịu.
Đau mắt đỏ có tên tiếng anh là Pink eye, cũng được gọi với tên khác là viêm kết mạc, viêm giác mạc. Đây là một trong những bệnh lý liên quan đến mắt phổ biến nhất hiện nay, dễ bùng phát thành dịch.
Các chuyên gia chia sẻ, viêm kết mạc bùng phát vào khoảng tháng 8 – 10 hàng năm. Bởi đây là thời điểm chuyển mùa, thay đổi nhiệt độ, độ ẩm… khiến vi khuẩn, virus phát triển mạnh mẽ cộng thêm tình trạng suy giảm sức đề kháng khiến bệnh dễ bùng phát thành dịch trên diện rộng.
Theo thống kê từ Bệnh viện Mắt Trung ương, trong thời điểm tháng 9/2023, viện ghi nhận 700-800 ca đến khám mỗi tuần. Trong đó, cứ 100 bệnh nhân đến thì có khoảng 20 – 30 bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Không chỉ vậy, năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỷ lệ lên tới 15-20% tổng số ca được chẩn đoán. Yêu cầu ai trong chúng ta cũng cần có hành động chủ động phòng ngừa đúng cách để tránh bệnh tiến triển mất kiểm soát.
1.2 Dấu hiệu đau mắt đỏ
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà các dấu hiệu đau mắt đỏ sẽ có sự khác nhau nhất định. Tuy nhiên, các trường hợp đều có những triệu chứng điển hình dưới đây:
- Mắt đỏ ở một hoặc hai mắt
- Cảm giác cộm cứng như có sạn ở một hoặc cả hai mắt
- Ngứa, kích ứng và/hoặc cảm giác nóng rát ở mắt
- Chảy nước mắt và tăng lượng nước mắt
- Dịch, mủ màu trắng hoặc xanh lá cây chảy ra từ mắt
- Hai mí bị dính vào nhau bởi dịch, khó mở mắt, đặc biệt là sau khi ngủ dậy
- Sưng mí mắt
- Suy giảm thị lực, giảm tầm nhìn
- Nhạy cảm với ánh sáng
1.3 Nguyên nhân đau mắt đỏ
Theo Bệnh viện uy tín hàng đầu Hoa Kỳ là Mayo Clinic, có 3 nguyên nhân đau mắt đỏ chủ yếu, bao gồm:
Đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus:
Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ do nguyên nhân này là do adenovirus gây ra nhưng cũng có thể do các loại virus khác gây ra, bao gồm virus herpes simplex và virus varicella-zoster.
Đau mắt đỏ do dị ứng:
Đau mắt đỏ dị ứng ảnh hưởng đến cả hai mắt (thay vì xuất hiện 1 bên trước và lan sang cả 2 mắt như đau mắt đỏ do virus, vi khuẩn) và là phản ứng của cơ với một chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, khói bụi…
Đau mắt đỏ do kích ứng:
Trang điểm mặt hoặc mắt, ô nhiễm không khí, clo trong bể bơi hoặc các hóa chất độc hại khác vô tình bắn vào mắt… có thể gây kích ứng hoặc viêm ở một hoặc cả hai mắt.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh như:
- Tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn
- Tiếp xúc với thứ gì đó mà bạn bị dị ứng, ví dụ như thực phẩm, mùi hương…
- Sử dụng kính áp tròng sai cách như đeo kính trong thời gian dài, không chú ý vệ sinh kính áp tròng…
- Đối với trẻ sơ sinh bị bệnh, rất có thể trẻ bị tắc nghẽn tuyến lệ.
1.4 Đau mắt đỏ lây qua đường nào
Đau mắt đỏ có thể lây nhiễm qua đường hô hấp, tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus. Đặc biệt, virus có thể tồn tại trên các bề mặt lên đến hai tuần, nên nếu tiếp xúc với những đồ vật mà người bệnh từng dùng trước đó mà chưa được tiệt trùng đúng cách, bạn cũng có nguy cơ bị bệnh.
1.5 Ai có nguy cơ cao bị đau mắt đỏ
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đau mắt đỏ, tuy nhiên những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ bị cao hơn:
- Người đề kháng kém suy giảm miễn dịch
- Người có người thân, bạn bè bị viêm kết mạc do virus
- Người có tiền sử dị ứng với các tác nhân như phấn hoa, lông động vật…
- Người thường xuyên đeo kính áp tròng
- Người làm việc trong những môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ như công trường, phòng thí nghiệm, shipper… đặc biệt là khi không đeo kính bảo hộ mắt
1.6 Những biến chứng thường gặp ở đau mắt đỏ
Mặc dù hiếm nhưng ếu không được chữa trị đúng cách, đau mắt đỏ có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm như: Viêm kết mạc mãn tính, suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.
Vậy nên, khi bị bệnh, bạn cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa để điều trị, tránh tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Nhất là khi điều trị 7 – 10 ngày không khỏi, bệnh trở nặng hơn.
2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị bệnh đau mắt đỏ bạn biết chưa?
2.1. Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ nên ăn gì?
Các chuyên gia từ Bệnh viện Medicover – là chuỗi bệnh viện đa quốc gia ở Châu Âu và Ấn Độ chia sẻ, người bị viêm kết mạc nói riêng và người mắc các bệnh lý liên quan đến mắt nói chung nên bổ sung những thực phẩm dưới đây để giúp giảm các triệu chứng khó chịu, tránh biến chứng, giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
Thực phẩm giàu vitamin A:
Vitamin A luôn được biết đến là vitamin dành cho mắt, giúp tăng cường sức đề kháng của mắt, bảo vệ và duy trì giác mạc và kết mạc. Các loại thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, bí ngô, khoai lang, rau bina (chân vịt), cải xoăn, mơ… sẽ giúp giảm bớt sự khó chịu cho mắt và hỗ trợ quá trình chữa bệnh.
Axit béo Omega-3:
Axit béo Omega-3 sở hữu khả năng chống viêm tuyệt vời, giúp giảm các triệu chứng viêm và khó chịu khi bị đau mắt đỏ. Theo đó, bạn nên thêm các thực phẩm giàu Omega-3 như cá béo ((như cá hồi, cá thu và cá mòi), cùng với hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân, macca, óc chó…vào chế độ ăn hàng ngày khi bị đau mắt đỏ.
Trái cây họ cam quýt:
Trái cây họ cam quýt như cam, bưởi, chanh là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, có công dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp phục hồi nhanh hơn trong và sau khi bị đau mắt đỏ.
Các loại rau lá xanh:
Rau lá xanh có nhiều chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin – là những dưỡng chất được coi như “thần dược” cho mắt, đẩy sức khỏe của mắt. Rau lá xanh bao gồm cải bina, cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, rau muống, rau ngót… có khả năng làm giảm viêm mắt và giảm bớt sự khó chịu.
Các loại trà thảo mộc:
Trà hoa cúc, trà Hibiscus, trà gừng, oải hương, cam sả… có đặc tính chống viêm và làm dịu mắt. Nhấm nháp những loại trà này sẽ giúp bạn thư giãn hơn, đồng thời giảm bớt sự khó chịu cho mắt.
Quả mọng:
Các loại quả mọng như việt quất, dâu tây, quả mâm xôi, nam việt quất, dâu tằm… có chứa chất chống oxy hóa cao. Cúng có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể của mắt. Những loại trái cây thơm ngon này cũng có thể giúp giảm viêm nhiễm cho mắt. Đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành mắt khi bị đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ kiêng ăn gì?
Ngoài những thực phẩm nên bổ sung, người đau mắt đỏ nên kiêng những thực phẩm:
Thực phẩm mặn, nhiều muối:
Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tích nước trong cơ thể. Với mắt, nước sẽ tích ở bọng mắt quanh mắt và làm trầm trọng thêm tình trạng khó chịu. Vậy nên hãy tránh đồ ăn quá mặn, nhiều muối như dưa muối, thịt nguội, xúc xích, snack…
Thực phẩm cay nóng:
Thực phẩm cay có thể gây kích ứng mắt và làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Bất kể là do virus, vi khuẩn hay kích ứng, dị ứng. Lời khuyên tốt nhất là hãy lựa chọn ăn các món luộc, chế biến đơn giản. Thay đổi thói quen tẩm ướp nhiều gia vị cay nóng vào thực phẩm trong giai đoạn bị bệnh.
Thực phẩm chiên rán:
Những thực phẩm này thường chứa hàm lượng chất béo không lành mạnh cao. Chúng cũng thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng. Khi nạp vào cơ thể sẽ có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm chậm quá trình phục hồi.
Đồ uống có chứa caffeine và có cồn:
Caffeine và rượu có thể dẫn đến mất nước, làm trầm trọng thêm các triệu chứng khó chịu. Thay vào đó, hãy ưu tiên bổ sung những đồ uống lành mạnh. Ví dụ như nước lọc, nước trái cây, trà thảo dược…
2.2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người đau mắt đỏ bằng chế độ sinh hoạt
Để giúp đau mắt đỏ nhanh khỏi, ngăn ngừa sự lây lan. Cũng như hạn chế hoặc làm gia tăng thêm các triệu chứng viêm nhiễm, sưng, khó chịu. Bạn hãy chủ động duy trì chế độ sinh hoạt dưới đây:
- Không chạm hoặc chà xát (các) mắt bị nhiễm trùng
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước
- Rửa sạch mủ, ghèn mắt hay bất kỳ dịch tiết nào nào từ mắt hai lần một ngày. Bằng cách sử dụng một miếng bông gòn mới và nước muối sinh lý. Lưu ý, cần vứt bỏ bông gòn và rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau đó
- Chườm ấm hoặc lạnh bằng cách đặt miếng gạc thấm nước ấm/lạnh lên mắt
- Rửa tay sau khi nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ lên mắt bạn hoặc mắt của người khác
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như kính áp tròng, khăn tắm, cốc, kính mắt… với người khác
- Sử dụng thuốc nhỏ hoặc các thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý sử dụng để tránh những biến chứng xảy ra
- Hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử… trong thời gian bị bệnh
- Không đeo kính áp tròng trong thời gian bị bệnh
- Luôn đeo kính bảo hộ để tránh dị vật, vi khuẩn virus lạ xâm nhập. Đồng thời tránh lây lan cho người khác
- Hạn chế đến những nơi đông đúc, ô nhiễm để tránh làm bệnh trầm trọng thêm
- Tái khám sau khi dùng hết thuốc (từ 7 – 10 ngày). Hoặc khi các triệu chứng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí nặng hơn sau khi điều trị
2.4. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể lây lan và ai trong chúng ta cũng có nguy cơ bị. Tin vui là chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bệnh. Bạn có thể tham khảo những biện pháp phòng ngừa đơn giản dưới đây:
- Tránh dùng tay chạm vào mắt bạn, đặc biệt là khi chưa rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn
- Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyêm. Đặc biệt, rửa tay trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Thay vỏ gối thường xuyên, không dùng chung đồ cá nhân với người khác.
- Vứt bỏ những vật dụng cá nhân, chẳng hạn như ga gối, đồ make up, trang điểm mắt… lâu ngày không sử dụng.
- Không sử dụng lại khăn giấy đã dùng hoặc khăn tay để lau mắt
- Làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa về việc sử dụng và vệ sinh kính áp tròng đúng cách.
- Chủ động tăng cường đề kháng, phòng ngừa bệnh bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, ngủ đủ giấc, không thức khuya, tăng cường hoạt động thể chất…
- Luôn đeo kính che bụi hoặc kính bảo hộ khi ra ngoài đường, làm việc, đặc biệt là khi tiếp xúc với những môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như khói bụi, dịch chiết…
- Khám mắt định kỳ và đến gặp bác sĩ nhãn khoa khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến mắt
Lời kết
Với những thông tin chia sẻ trên đây hy vọng đã giải đáp những thắc mắc của bạn về đau mắt đỏ để từ đó biết cách chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Nguồn tham khảo:
- https://www.medicoverhospitals.in/articles/eye-flu-diet#:~:text=A%20well%2Dbalanced%20eye%20flu,support%20eye%20health%20and%20healing.
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pink-eye#:~:text=Pink%20eye%20has%20several%20causes,contaminated%20makeup%20or%20face%20lotions.
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355#:~:text=Pink%20eye%20is%20the%20inflammation,your%20eyelashes%20during%20the%20night.
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8614-pink-eye
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng
Đã kiểm duyệt nội dung
Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.
Tư vấn dược sỹ