5 dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hoá sớm nhất và cách đề phòng

21 lượt xem

Rối loạn tiêu hoá là một trong những bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hoá phổ biến mà ai trong chúng ta cũng có nguy cơ mắc phải. Nắm rõ nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết, từ đó chủ động phòng ngừa là cách để bảo vệ bản thân và gia đình hiệu quả nhất khỏi rối loạn tiêu hoá. 

1. Thông tin quan trọng về rối loạn tiêu hoá bạn cần biết

1.1 Rối loạn tiêu hoá là gì? 

Rối loạn tiêu hoá là tình trạng hệ tiêu hoá gặp vấn đề trong tiêu hoá, hấp thụ và đào thải thức ăn, dẫn đến táo bón, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy… 

Hệ tiêu hoá của chúng ta bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng và hậu môn. Khi một cơ quan nào trong hệ tiêu hoá gặp vấn đề cũng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hoá. Nhưng chủ yếu là do dạ dày, ruột non, đại tràng (ruột già) và trực tràng. 

roi-loan-tieu-hoa

Theo Vietnamplus, ước tính khoảng 10% dân số Việt Nam bị rối loạn tiêu hoá hoặc có ít nhất một dấu hiệu tiêu hoá rối loạn. Còn theo trang tin của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) chia sẻ, rối loạn tiêu hoá ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người Mỹ mỗi năm. 

Có thể thấy, rối loạn tiêu hoá là bệnh lý liên quan đến tiêu hoá phổ biến hàng đầu và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và tinh thần của nhiều người. Không chỉ có vậy, ai trong chúng ta cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý này. 

1.2 Dấu hiệu rối loạn tiêu hoá sớm nhất

Dấu hiệu đầu tiên của rối loạn tiêu hóa thường bao gồm hoặc nhiều triệu chứng. Theo Medlineplus – Trang thông tin sức khỏe thuộc Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, 5 dấu hiệu điển hình nhất là:

  • Đầy hơi
  • Chướng bụng
  • Khó tiêu
  • Táo bón
  • Tiêu chảy

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cảm thấy:

  • Ợ nóng
  • Khó tiêu
  • Ăn không ngon miệng
  • Nấc cụt
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đau bụng
  • Khó nuốt
  • Thường xuyên buồn đi vệ sinh nhưng lại không đi được
  • Thay đổi thói quen đại tiện
  • Phân lẫn máu, chất nhầy
  • Tăng hay giảm cân thất thường, không kiểm soát

Nhìn chung, rối loạn tiêu hóa nói riêng hay bệnh tiêu hoá nói chung là bất kỳ vấn đề sức khỏe nào xảy ra trong đường tiêu hóa. 

dau-hieu-roi-loan-tieu-hoa

1.3 Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hoá

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hoá, chia làm 2 loại là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý. 

nguyen-nhan-gay-roi-loan-he-tieu-hoa

Nguyên nhân sinh lý

  • Chế độ ăn ít chất xơ, giàu chất đạm khó tiêu
  • Ít vận động thể chất, làm chậm quá trình tiêu hoá
  • Đi du lịch, thay đổi thói quen ăn uống hoặc cách chế biến món ăn (quá cay, quá mặn, quá ngọt…)
  • Tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm từ sữa
  • Thường xuyên uống bia, rượu, chất kích thích, caffeine
  • Căng thẳng
  • Thường xuyên nhịn đi vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh nặng
  • Sử dụng quá nhiều thuốc chống tiêu chảy, theo thời gian, làm suy yếu các chuyển động của cơ ruột được gọi là nhu động ruột.
  • Dùng thuốc kháng axit có chứa canxi hoặc nhôm
  • Dùng một số loại thuốc (đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, thuốc sắt và thuốc giảm đau mạnh như ma túy).
  • Mang thai 
nguyen-nhan-sinh-ly

Nguyên nhân bệnh lý

  • Sỏi mật, viêm túi mật và viêm đường mật
  • Các vấn đề về đại tràng, ví dụ như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích…
  • Các vấn đề về trực tràng, chẳng hạn như nứt hậu môn, bệnh trĩ, viêm ruột thừa và sa trực tràng
  • Các vấn đề về thực quản, chẳng hạn như hẹp thực quản và viêm thực quản
  • Các vấn đề về dạ dày, bao gồm viêm dạ dày, loét dạ dày thường do nhiễm Helicobacter pylori (khuẩn HP) và ung thư
  • Các vấn đề về gan, chẳng hạn như viêm gan B hoặc viêm gan C, xơ gan, suy gan, và viêm gan tự miễn
  • Viêm tụy và giả nang tuyến tụy
  • Các vấn đề về đường ruột, chẳng hạn như polyp và ung thư, nhiễm trùng, bệnh celiac, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, viêm  thừa, kém hấp thu, hội chứng ruột ngắn và thiếu máu cục bộ đường ruột
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh loét dạ dày tá tràng 

1.4 Ai có nguy cơ cao bị rối loạn tiêu hoá

Ai trong chúng ta cũng có nguy cơ bị rối loạn, nhưng những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao hơn: 

  • Những người có đề kháng kém, mắc các bệnh tự miễn, hệ miễn dịch suy giảm
  • Trẻ sơ sinh đến 18 tuổi
  • Người lớn tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Người thường xuyên phải thay đổi thói quen ăn uống, ăn uống không đúng giờ (ví dụ tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch…)
  • Những người mắc các bệnh lý liên quan đến tiêu hoá kể trên

1.5. Những biến chứng của rối loạn tiêu hóa thường gặp

Bởi có nhiều nguyên nhân khiến hệ tiêu hoá bị rối loạn, nên nếu không được phát hiện, can thiệp và điều trị kịp thời, rối loạn tiêu hoá có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm: 

  • Ngộ độc thực phẩm nặng, nhiễm trùng máu, suy hô hấp
  • Viêm loét dạ dày, trực tràng, đại tràng
  • Rối loạn tiêu hoá mãn tính
  • Tắc ruột, viêm ruột thừa
bien-chung-thuong-gap

Vậy nên, khi thấy có các dấu hiệu của tiêu hoá bị rối loạn kèm theo các tình trạng: khó thở, đau bụng dữ dội, huyết áp thấp, đổ mồ hôi lạnh… hãy đến gặp bác sĩ để tránh những rủi ro không mong muốn.

2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị rối loạn tiêu hoá bạn biết chưa?

2.1 Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị rối loạn tiêu hoá

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hệ tiêu hoá bị rối loạn chủ yếu là do chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Do đó, để giảm tình trạng cũng như giúp rối loạn tiêu hoá mau khỏi, việc đầu tiên là phải xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân bằng. 

Theo đó, 5 loại thực phẩm giúp cải thiện tiêu hóa của bạn mà người rối loạn tiêu hoá nên ăn gồm:

Ngũ cốc nguyên hạt

Hệ tiêu hoá bị rối loạn nên ăn gạo trắng hay gạo lứt? Bánh mì nguyên cám hay bánh mì trắng? Các bác sĩ khuyên rằng nếu bạn muốn đường ruột của mình hoạt động tốt hơn, hãy chọn ngũ cốc nguyên hạt. Vì đại tràng cần ít nhất 25 gram chất xơ mỗi ngày để hoạt động tối ưu nhất. 

ngu-coc-nguyn-hat

So với carbohydrate tinh chế, như bánh mì trắng và mì ống, ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất xơ, cũng như các chất dinh dưỡng bổ sung, chẳng hạn như axit béo omega-3. Khi vi khuẩn đường ruột lên men chất xơ, chúng tạo ra axit béo chuỗi ngắn. Những phân tử này kích thích chức năng phù hợp trong các tế bào lót ở niêm mạc đại tràng, nơi 70 phần trăm tế bào miễn dịch của chúng ta tồn tại.

Ngũ cốc nguyên hạt gồm: Lúa mạch, ngô, hạt kê, bỏng ngô (không phải bắp rang bơ), hạt kê, yến mạch, hạt quinoa, lúa mì nguyên cám, gạo lứt, bánh mì nguyên cám, gạo nguyên cám… 

Lưu ý, khi nấu ngũ cốc nguyên hạt, hãy nấu chín kỹ và nhai chậm – kỹ để tránh gây áp lực cho dạ dày.

Các loại rau lá xanh

Rau lá xanh, chẳng hạn như rau bina hoặc cải xoăn, là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, cũng như các chất dinh dưỡng như folate, vitamin C, vitamin K và vitamin A. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy trong các loại rau xanh cũng chứa một loại đường cụ thể giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Ăn nhiều chất xơ và rau xanh giúp hệ vi sinh đường ruột phát triển khỏe mạnh, cân bằng (85% lợi khuẩn – 15% hại khuẩn). Nhờ đó tăng quá trình tiêu hoá thức ăn, tăng hấp thụ dinh dưỡng và tăng đề kháng cho cơ thể.

rau-la-xanh

Các loại rau lá xanh giàu chất xơ mà bạn nên bổ sung khi bị rối loạn tiêu hoá cũng như để phòng ngừa tình trạng này là: 

  • Súp lơ (bông cải xanh)
  • Rau ngót 
  • Mồng tơi
  • Rau đay
  • Cải ngọt 
  • Cải xoăn (cải kale) 
  • Xà lách
  • Bắp cải
  • Đậu Hà Lan

Thịt ít béo (thịt nạc)

Thực phẩm giàu chất béo có thể kích thích các cơn co thắt của đại tràng, làm gia tăng tình trạng rối loạn tiêu hoá, đặc biệt là táo bón, căng trướng bụng. Các chuyên gia cũng nói rằng thịt đỏ còn thúc đẩy hệ vi sinh tại đại tràng tạo ra các hóa chất liên quan đến việc tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch.

thit-it-beo

Do đó, người tiêu hoá bị rối loạn hãy hạn chế ăn thịt đỏ (lợn, bò…), thịt mỡ. Thay vào đó là bổ sung protein từ các nguồn lành mạnh hơn như thịt trắng (gà, cá), các loại đậu…

Trái cây ít fructose

Nếu bạn là người dễ bị đầy hơi và căng chướng bụng, hãy giảm tiêu thụ fructose hoặc đường trái cây. Một số loại trái cây như táo, lê và xoài đều chứa nhiều fructose.

Mặt khác, quả mọng và trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như cam và bưởi, chứa ít fructose hơn, khiến cơ thể dễ dung nạp hơn và ít có khả năng sinh khí trong ruột hơn. 

trai-cay-it-froctose

Ngoài ra, chuối là một loại trái cây ít fructose khác, giàu chất xơ và chứa inulin – chất kích thích sự phát triển của lợi khuẩn trong ruột.

Bơ là một “siêu thực phẩm” chứa hàm lượng chất xơ dồi dào và các chất dinh dưỡng thiết yếu, chẳng hạn như kali, omega-3… giúp thúc đẩy chức năng tiêu hóa khỏe mạnh. Nó cũng là một loại thực phẩm ít fructose, vì vậy mà ít sinh khí để gây căng trướng bụng hơn.

qua-bo

Tuy nhiên, hãy cảnh giác với khẩu phần chứa nhiều bơ và các loại hạt. Mặc dù chúng rất giàu chất dinh dưỡng, nhưng cũng có nhiều chất béo, vì vậy hãy nhớ ăn chúng một cách điều độ.

Thực phẩm người tiêu hoá bị rối loạn nên tránh

Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, người rối loạn tiêu hoá nên tránh:

  • Thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, chiên rán, giàu chất béo xấu. Ví dụ như xúc xích, gà rán, khoai tây chiên…
  • Thực phẩm tái chín, chưa được chế biến kỹ. Bởi những thực phẩm này có nguy cơ chứa vi khuẩn, kí sinh trùng… Có thể gây hại cho tiêu hoá.
  • Thực phẩm giàu acid có thể khiến tình trạng đầy hơi trở nên trầm trọng hơn. Chúng bao gồm chanh, quất…
  • Hoa quả sấy khô: Trong những hoa quả sấy khô chứa lượng đường cao, không tốt cho hệ tiêu hoá
  • Đồ uống chứa cồn: Sẽ giết chết lợi khuẩn trong hệ tiêu hoá, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển, gây bệnh.
thuc-pham-chien-ran

2.2 Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người rối loạn tiêu hoá bằng chế độ sinh hoạt

Chế độ sinh hoạt cũng đóng vai trò không nhỏ trong chăm sóc sức khỏe chủ động cho người tiêu hoá bị rối loạn. 

Người thường xuyên gặp tình trạng tiêu hoá rối loạn nên điều chỉnh chế độ sống và sinh hoạt theo hướng: 

Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học

Ăn uống điều độ, đúng giờ, tránh ăn khuya, ăn quá nhiều, tiêu thụ quá nhiều đồ chiên rán, dầu mỡ…

Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, tập trung

Ăn chậm, nhai kỹ giúp giảm áp lực cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Từ đó giảm tình trạng đau dạ dày và rối loạn tiêu hoá. Việc nhai kỹ cũng giúp chúng ta hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn tốt hơn, no lâu hơn để duy trì cơ thể cân đối, khỏe mạnh.

an-cham-nhai-ky

Tăng cường vận động thể chất 

Hãy cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, 150 phút/tuần. Bằng cách bài tập thể dục phù hợp như đi bộ, chạy, nhảy dây, đạp xe…

Việc tập thể dục sẽ tăng cường hoạt động của nhu động ruột, kích thích quá trình tiêu hoá. Nhờ đó ngừa rối loạn tiêu hoá hiệu quả. Đồng thời tăng đề kháng và miễn dịch tuyệt vời.

Tránh căng thẳng

Căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị rối loạn tiêu hoá. Bởi trục não – ruột có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi căng thẳng, đường ruột của chúng ta sẽ tiết ra các cytokine để điều hòa các phản ứng trong cơ thể. Nhưng nếu cytokine tiết ra quá nhiều sẽ gia tăng tình trạng viêm. Nó cũng tăng tính thấm của ruột khiến hệ tiêu hoá dễ bị tổn thương, rối loạn hơn. 

tranh-cang-thang

Để tránh căng thẳng, hãy chủ động xây dựng chế độ làm việc, học tập, nghỉ ngơi hợp lý. 

Nói không với rượu bia, chất kích thích

Rượu, bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích đã được cảnh báo là mang đến vô vàn ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe, và hệ tiêu hoá chỉ là một trong số đó. 

Cụ thể, những đồ uống độc hại này sẽ tiêu diệt lợi khuẩn cư trú trong đường ruột. Đồng thời kích thích hại khuẩn gây khó tiêu, đầy bụng, sinh khí, căng trướng, tiêu chảy… Thậm chí là viêm loét dạ dày, đại tràng.

2.3 Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh rối loạn tiêu hoá

Chủ động phòng ngừa rối loạn tiêu hoá là cách hiệu quả nhất để tình trạng khó chịu này không ảnh hưởng cuộc sống của chúng ta. 

phong-ngua-benh-tieu-hoa

Muốn vậy, hãy: 

Chia nhỏ bữa ăn

Hãy chia nhỏ bữa ăn mỗi bữa, ăn vừa đủ no, tránh ăn quá nhiều vào một lúc. Vì ăn quá no sẽ gây áp lực lớn hơn cho hệ tiêu hoá

Luôn ăn chín, uống sôi

Nguyên tắc ăn chín uống sôi phải luôn được đặt lên hàng đầu trong bữa ăn. Việc nấu chín kỹ thức ăn sẽ giúp bạn để tránh vi khuẩn. Cũng như ngừa kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể gây bệnh

Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên

Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn dưới vòi nước chảy ít nhất 10 giây. Đặc biệt là trước/sau khi ăn, chế biến thực phẩm, sau khi đi vệ sinh

rua-tay-sach-se

Bổ sung chất xơ nhiều hơn vào chế độ ăn

Như đã chia sẻ ở trên, hãy tập thói quen xây dựng khẩu phần ăn với nhiều chất xơ hơn từ rau xanh, củ quả… Để vừa cung cấp chất xơ tốt cho tiêu hoá, vừa bổ sung dưỡng chất lành mạnh cho cơ thể

Hạn chế thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ, thực phẩm quá mặn

Những thực phẩm này luôn được các chuyên gia khuyên hạn chế. Thậm chí loại bỏ khỏi chế độ ăn trong mọi tình huống để phòng ngừa nhiều bệnh lý, bao gồm cả rối loạn tiêu hoá.

Uống đủ nước 

Nước giúp tăng cường trao đổi chất và tăng cường nhu động ruột, giảm táo bón

Duy trì cân nặng phù hợp

Bởi tăng cân có thể làm cho các vấn đề về tiêu hóa. Chẳng hạn như ợ nóng, đầy hơi và ợ hơi, trở nên tồi tệ hơn

Chủ động tăng đề kháng cho cơ thể 

Tập thể dục, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý… Là những cách giúp bạn tăng đề kháng tự nhiên cho cơ thể, phòng ngừa bệnh tật.

tap-the-duc

Điều trị các vấn đề tiêu hoá sớm, triệt để 

Điều trị triệt để các bệnh lý để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá

Sử dụng các loại thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ

Chỉ được sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Tránh lạm dụng kháng sinh để tránh làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột

Khám sức khỏe định kỳ 

Hãy khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những vấn đề liên quan đến tiêu hoá. Từ đó có hướng xử lý kịp thời để tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.

Lời kết

Mặc dù ai cũng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách rất đơn giản. Đó là xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, khoa học hơn. Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn.

Nguồn tham khảo: 

  1. https://medlineplus.gov/ency/article/007447.htm
  2. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/7040-gastrointestinal-diseases
  3. https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/5-foods-to-improve-your-digestion
  4. https://www.scripps.org/news_items/5225-six-tips-to-prevent-digestive-problems

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận