4 con đường lây nhiễm của bệnh thủy đậu và phương pháp phòng ngừa hiệu quả

22 lượt xem

4 con đường lây nhiễm của bệnh thủy đậu và phương pháp phòng ngừa hiệu quả

I. Những điều cần biết về bệnh thủy đậu

1. Bệnh thủy đậu là gì?

Bệnh thủy đậu hay còn được biết đến với tên gọi trái rạ. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thủy đậu, được biết đến với tên gọi Varicella virus gây ra. Loại virus này là nguyên nhân gây chính gây nên bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn.

Thủy đậu rất dễ lây nhiễm và có khả năng lây lan rất nhanh chóng. Đặc biệt vào mùa xuân tại miền Bắc, với thời tiết ẩm nồm, bệnh thủy đậu có khả năng bùng phát mạnh mẽ. Biểu hiện chính của bệnh là sự xuất hiện của những mụn nước phồng trên toàn bộ cơ thể, kể cả niêm mạc lưỡi và miệng. Bệnh thủy đậu có nhiều con đường lây nhiễm và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc hiểu biết cơ bản về bệnh đóng vai trò quan trọng để chủ động phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Hội Y học Dự phòng tại Việt Nam, năm 2016, cả nước ghi nhận khoảng 22.000 ca mắc bệnh; năm 2017, con số tăng 45,9%, đạt mức 39.000 trường hợp mắc bệnh thủy đậu. Và vào năm 2018, Việt Nam ghi nhận hơn 31.000 ca mắc. Đến thời điểm hiện tại, năm 2023, chỉ trong 7 tháng đầu năm, đã có hơn 4.000 ca mắc bệnh. Trong đó Hà Nội một mình đăng ký gần 2.000 ca, tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

2. Triệu chứng của bệnh thủy đậu qua từng giai đoạn

2.1. Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn này là thời kỳ virus bắt đầu phát triển trong cơ thể. Khoảng thời gian ủ bệnh kéo dài từ 10 đến 20 ngày. Trong giai đoạn này, người mắc bệnh không có bất kỳ dấu hiệu nào và rất khó để nhận biết.

2.2. Giai đoạn khởi phát

Thời điểm phát bệnh, bệnh nhân sẽ có một số triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi. Các nốt ban đỏ bắt đầu xuất hiện với đường kính vài milimet trong vòng 24 – 48 giờ đầu. Một người có thể có hạch sau tai và đau họng.

2.3. Giai đoạn toàn phát

Bệnh nhân bị sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ có hình tròn và mụn nước bên trong với đường kính từ 1 – 3 mm. Những mụn nước gây ngứa, rát, tạo sự khó chịu cho người bệnh. Chúng xuất hiện khắp cơ thể và có thể mọc vào niêm mạc miệng, gây khó khăn trong việc ăn uống. Một số trường hợp nhiễm trùng mụn nước có thể làm các vết loét to, chứa nhiều mủ nước.

2.4. Giai đoạn hồi phục

Sau khoảng 7 – 10 ngày từ khi phát bệnh, các mụn nước sẽ tự vỡ, khô lại, bong vảy và bắt đầu quá trình hồi phục. Trong giai đoạn này, việc vệ sinh các vết thủy đậu rất quan trọng để tránh tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời, bạn cần kết hợp sử dụng các loại thuốc trị sẹo và trị thâm để vùng da bị thủy đậu được nhanh chóng phục hồi mà không gây mất thẩm mỹ.

3. Biến chứng nguy hiểm của thủy đậu

Thủy đậu được đánh giá là căn bệnh lành tính và sẽ khỏi sau một thời gian từ 5-10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan và không có biện pháp điều trị đúng, bệnh thủy đậu cũng có nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm:

  • Nhiễm trùng và lở loét mụn nước
  • Viêm não và viêm màng não
  • Viêm phổi do thủy đậu
  • Viêm thận và viêm cầu thận cấp
  • Lây nhiễm từ mẹ sang con gây nên khuyết tật thai nhi
  • Viêm tai giữa và viêm thanh quản

II. 4 con đường lây nhiễm của bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu có khả năng lây nhiễm cao và nhanh chóng bùng phát thành dịch. Dưới đây là 4 con đường lây nhiễm của bệnh thủy đậu, bạn đọc cần biết.

1. Lây qua đường hô hấp

Virus Varicella Zoster là virus gây bệnh thủy đậu, tồn tại trong dịch tiết của mũi họng và sống trong không khí. Người nhiễm bệnh khi nói chuyện, hắt hơi, ho có thể lây lan virus ra không khí và lây nhiễm cho người khỏe mạnh. Đây được xem là con đường lây nhiễm nhanh và phổ biến của căn bệnh này.

2. Lây qua đường tiếp xúc trực tiếp

Tiếp xúc trực tiếp da chạm da với người bị thủy đậu cũng là một trong những con đường dễ lây nhiễm bệnh. Khi người khỏe mạnh chạm vào vùng da của người bệnh hay các vết dịch mủ đang lở loét, người khỏe mạnh sẽ có nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh.

3. Lây qua đường tiếp xúc gián tiếp

Bệnh thủy đậu cũng có khả năng lây qua đường tiếp xúc gián tiếp, khi người khỏe mạnh tiếp xúc với đồ dùng cá nhân của người bệnh. Các món đồ đó có nguy cơ chứa chất dịch từ mụn nước thủy đậu. Sau đó, nếu chạm vào mắt, mũi hoặc miệng thì người khỏe mạnh sẽ có nguy cơ rất cao bị mắc thủy đậu.

4. Lây truyền từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc sau khi sinh nở. Do đó, nếu mắc thủy đậu trong thai kỳ thì mẹ cần đi khám và theo dõi bệnh sát sát để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bào thai.

III. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người thủy đậu

1. Bị thủy đậu nên ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân bị thủy đậu nhanh chóng hồi phục. Dưới đây là một số thực phẩm mà bệnh nhân thủy đậu nên ăn:

1.1. Uống đủ nước

Uống đủ nước là một điều quan trọng đối với người mắc thủy đậu. Việc uống đủ nước giúp cơ thể thanh nhiệt, đào thải độc tố và tăng cường hệ miễn dịch. Điều này giúp giảm mệt mỏi và hỗ trợ bệnh nhân hồi phục bệnh nhanh hơn.

Ngoài nước lọc, người bệnh có thể chọn sử dụng nước ép từ rau củ hoặc trái cây như nước ép dưa chuột, nước ép cà rốt. Những loại nước ép này chứa nhiều dưỡng chất, vitamin quan trọng, giúp tăng cường sức khỏe.

1.2. Bổ sung rau xanh, trái cây

Người thủy đậu nên tích cực bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin A, vitamin C, bio-flavonoid, canxi, kẽm, magie, để hỗ trợ sức đề kháng. Bạn có thể tham khảo các loại rau quả như cà chua, đu đủ, cà rốt, bông cải xanh, rau bina, cải bắp.

1.3. Các loại canh, cháo, súp

Khi mắc thủy đậu, việc chọn thực phẩm như canh, cháo, súp vừa dễ ăn vừa giúp cơ thể dễ hấp thụ dinh dưỡng. Một số loại cháo súp bạn có thể tham khảo như cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh, cháo gạo lứt. Bên cạnh đó, những loại canh thanh nhiệt, giải độc cũng được khuyến khích để làm mát cơ thể từ bên trong.

2. Bị thủy đậu kiêng ăn gì?

Ngoài việc cần bổ sung những thực phẩm có lợi, người mắc thủy đậu cũng cần hạn chế một số loại thực phẩm để tránh kích ứng da, gây sẹo. Một số thực phẩm bạn cần tránh như:

2.1. Tránh thực phẩm tanh

Các thực phẩm tanh, đặc biệt là hải sản, có khả năng gây kích ứng da. Việc bệnh nhân thủy đậu ăn chúng có thể làm tăng nguy cơ kích ứng da và làm tăng khả năng hình thành sẹo.

2.2. Tránh thực phẩm cay nóng

Thực phẩm và gia vị có tính cay nóng như tỏi, hành, ớt, hạt tiêu, quả vải, quả mận, quả nhãn, xoài, mít,… cũng như các món ăn chiên xào, có thể gây nóng trong cho cơ thể. Từ đó làm tăng tiết mồ hôi, gây viêm nhiễm và làm tăng tình trạng ngứa rát da.

2.3. Hạn chế thức ăn mặn

Bệnh nhân thủy đậu nên giảm lượng muối trong khẩu phần, chẳng hạn như hạn chế ăn các món kho, nấu. Vì muối có thể làm cơ thể mất nước nhanh chóng và tăng cơn ngứa tại các vết lở loét.

2.4. Hạn chế sữa và sản phẩm từ sữa

Mặc dù sữa là một nguồn dưỡng chất quan trọng nhưng người mắc thủy đậu nên hạn chế tiêu thụ sữa. Bởi sữa có thể kích thích tăng tiết dịch nhờn trên da, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm da.

3. Chế độ sinh hoạt cho người bị thủy đậu

  • Tránh nơi đông người: Đối với những người mắc thủy đậu, bệnh nhân cần tránh nơi đông người bởi bệnh có nguy cơ lây lan rất cao. Điều này đóng vai trò quan trọng giúp dịch bệnh thủy đậu không bùng phát.
  • Hạn chế tiếp xúc với mụn nước: Người bệnh cần tránh việc chạm vào nốt mủ nước, đặc biệt là khi chúng bắt đầu ngứa. Gãi có thể làm vỡ mụn nước và lan ra các vùng da khác. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với mụn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và tránh tình trạng vết loét nặng hơn.
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân: Đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, quần áo, bàn chải đánh răng,… cần được giữ sạch và không dùng chung với người khác để tránh lây lan bệnh.
  • Tránh tắm lá: Tắm lá là một mẹo dân gian để chữa thủy đậu. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng không nên tắm lá để phòng ngừa tình trạng tổn thương và gây dị ứng ở da.
  • Tắm rửa nhẹ nhàng: Trong quá trình điều trị thủy đậu, dân gian hay có quan niệm kiêng nước kiêng gió. Tuy nhiên điều này không đúng. Việc cơ thể bẩn có thể gia tăng nguy cơ nhiễm trùng tại các vết mụn lở loét.

III. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả

Để ngăn chặn bệnh thủy đậu lây lan, dưới đây là những phương pháp phòng ngừa cơ bản bạn cần biết:

  • Tránh tiếp xúc gần những người đang mắc bệnh thủy đậu, để ngăn chặn sự lây nhiễm qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch mủ của mụn nước.
  • Người mắc bệnh thủy đậu cần chủ động cách ly với cộng đồng trong khoảng 7-10 ngày sau khi phát hiện các dấu hiệu đỏ đầu tiên trên cơ thể.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, và khi tiếp xúc với vật thể nghi ngờ có chứa mầm bệnh. Tránh sử dụng đồ dùng cá nhân chung.
  • Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý để ngăn ngừa lây nhiễm virus thủy đậu.
  • Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ và các vật dụng tiếp xúc hàng ngày cần liên tục được vệ sinh bằng chất sát khuẩn.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu là phương pháp phòng bệnh hiệu quả cao. Nó có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi virus gây thủy đậu với hiệu quả lên đến 90%. Trong trường hợp bạn có mắc bệnh thì các triệu chứng cũng nhẹ và tỷ lệ xảy ra biến chứng do bệnh là rất thấp.

Lời kết: Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về căn bệnh thủy đậu Hy vọng qua bài viets, bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này. Từ đó có phương pháp chủ động phòng ngừa bệnh cũng như chăm sóc bản thân khi mắc bệnh được tốt nhất.

NGUỒN THAM KHẢO

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-thuy-dau-nguyen-nhan-trieu-chung-bien-chung-va-cach-dieu-tri/

Bệnh thủy đậu: Triệu chứng, nguyên nhân và sự nguy hiểm

https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/b%E1%BB%87nh-truy%E1%BB%81n-nhi%E1%BB%85m/vi-r%C3%BAt-herpes/th%E1%BB%A7y-%C4%91%E1%BA%ADu

 

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận