10 Bài Thuốc Dân Gian Dễ Thực Hiện Giúp Chữa Viêm Mũi Dị Ứng Hiệu Quả

27 lượt xem

10 Bài Thuốc Dân Gian Dễ Thực Hiện Giúp Chữa Viêm Mũi Dị Ứng Hiệu Quả

Có nhiều cách chữa viêm mũi dị ứng, trong đó trị sử dụng các bài thuốc dân gian là phương pháp được nhiều người tin chọn và thực hiện. Do đó, Nhà thuốc HK Care đã tìm kiếm và tổng hợp 10 bài thuốc dân gian, dễ thực hiện, đảm bảo an toàn và hiệu quả mời bạn đọc cùng tham khảo.

1. Thông tin quan trọng về bệnh viêm mũi dị ứng bạn cần biết.

1.1 Bệnh viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý thường gặp ở rất nhiều người. Viêm mũi xảy ra khi niêm mạc (màng lót bên trong mũi) bị viêm khi người bệnh hít phải dị nguyên (chất gây dị ứng) như bụi, khói, lông, tơ,… và hắt hơi là một dạng phản ứng của cơ thể nhằm chống lại dị nguyên này. Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên lại gây nhiều khó chịu trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (AAAAI), có khoảng 10-30% dân số thế giới mắc chứng viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng thường được chia thành các dạng bao gồm:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa (thể có chu kỳ): Hay còn gọi là viêm mũi dị ứng thời tiết, thường xảy ra ở một vài thời gian nhất định trong năm.
  • Viêm mũi dị ứng quanh năm (thể không có chu kỳ): Là tình trạng bất cứ khi nào gặp phải các yếu tố dị ứng thì mũi đều bị kích ứng và viêm.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, thường gặp như:

  • Cơ địa nhạy cảm: thường do di truyền.
  • Tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng.

Khá đa dạng như dị nguyên đường thở (lông động vật, bụi, phấn hoa,…), dị nguyên đường ăn uống (hải sản, sữa, trứng,…), các thành phần của thuốc (thường là kháng sinh như aspirin, penicillin, vaccine).

1.3. Những triệu chứng thường gặp khi bị viêm mũi dị ứng

Hầu hết người mắc viêm mũi dị ứng sẽ có các biểu hiện như: hắt hơi liên tục; sổ mũi; ngứa mũi, mắt, cổ họng, da hoặc các vùng khác trên cơ thể; ho; nghẹt mũi; viêm hoặc ngứa họng; chảy nước mắt; xuất hiện quầng thâm dưới bọng mắt; đau đầu thường xuyên; phát ban; mệt mỏi.

Trường hợp có tiền sử hen suyễn, chàm, viêm da dị ứng, nổi mày đay hay khám nội soi mũi thấy niêm mạc mũi nhợt màu, phù nề, nước mũi trong cũng là những triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.

2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bị bệnh viêm mũi dị ứng bạn biết chưa?

2.1. Chế độ dinh dưỡng chủ động cho người bị viêm mũi dị ứng

2.1.1. Các thực phẩm có lợi cho người bị viêm mũi dị ứng

Gừng

Gừng và các chiết xuất từ gừng có tác dụng chữa bệnh, bao gồm chống buồn nôn, giảm đau và chống viêm. Chất chống viêm có trong gừng cũng giúp đối phó với chứng viêm mũi dị ứng.

Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C có khả năng ức chế trực tiếp các tế bào viêm giải phóng histamine. Đồng thời, nó giúp phá vỡ histamine đã được tiết ra, làm giảm triệu chứng dị ứng.

Các loại thực phẩm giàu vitamin C bạn có thể tham khảo gồm: dâu tây, kiwi, đu đủ, xoài và bưởi hồng, bông cải xanh…

Nghệ

Nhờ vào việc chứa hàm lượng cao curcumin, chất chống viêm và chống dị ứng. nghệ sẽ giúp ức chế giải phóng histamine từ các tế bào mast.

Thực phẩm chứa quercetin

Hành tây, bắp cải, ớt, quả mọng và táo… là những thực phẩm chứa quercetin – một hợp chất thực vật tự nhiên giảm các triệu chứng dị ứng mũi. Quercetin hoạt động như chất kháng histamine tự nhiên bằng cách ổn định các tế bào mast, có thể làm giảm histamine, từ đó giảm triệu chứng dị ứng.

Các loại cá béo

Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi và cá thu có thể giúp chống lại chứng viêm dị ứng nhờ axit Omega 3. Những chất béo này giúp ổn định màng tế bào, làm cho chúng giải phóng histamine ít hơn khi chất gây dị ứng xuất hiện.

Ngoài cá, các bạn có thể bổ sung thêm thực phẩm giàu omega-3 khác để chống viêm từ thực vật như quả óc chó và hạt lanh.

Thực phẩm giàu probiotics

Probiotics là những vi khuẩn có ích sống trong ruột, có tác dụng chống viêm và chống dị ứng. Sữa chua, kefir, dưa cải bắp và kim chi đều là những nguồn cung cấp men vi sinh tốt.

Cà chua

Cà chua chứa nhiều vitamin C và lycopene, một chất chống oxy hóa khác giúp giảm viêm. Lycopene cũng tìm thấy trong các loại thực phẩm màu đỏ và hồng khác như dưa hấu và bưởi hồng.

2.1.2. Các thực phẩm người bị viêm mũi dị ứng không nên ăn

Thức ăn cay

Gia vị cay như tiêu, ớt, sẽ kích thích và làm gia tăng các triệu chứng viêm xoang mũi dị ứng như hắt hơi, ngứa mũi, và tăng tiết dịch nhầy trong xoang mũi. Thêm vào đó, thực phẩm cay cũng có thể tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, ảnh hưởng xấu tới thực quản và hệ hô hấp.

Thực phẩm có tính lạnh

Các thực phẩm có tính lạnh, đặc biệt là hải sản, có thể làm tăng phản ứng dị ứng trong trường hợp viêm xoang mũi dị ứng, ví dụ như tôm, cua, mực, ốc. Thịt mỡ cũng có thể ảnh hưởng xấu tới cổ họng. Thêm vào đó, thịt gà đã được chứng minh có khả năng làm gia tăng triệu chứng dị ứng.

Ngoài ra, người bị viêm mũi dị ứng cũng nên tránh uống nước lạnh và ăn các thực phẩm ướp lạnh, kem đá, vì chúng có thể kích thích cổ họng, gây co thắt phế quản, ho và tăng tiết dịch nhầy.

Thực phẩm kích thích cổ họng

Người mắc viêm xoang mũi dị ứng cần tránh những thực phẩm gây ngứa cổ họng, kích thích và làm gia tăng triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Các thực phẩm đó bao gồm các loại hạt (dưa, bí, lạc), thịt bò (có hàm lượng protein cao và dễ gây kích thích dị ứng), và các thực phẩm khác như côn trùng, nấm, đào, cần tây.

Sữa và sản phẩm từ sữa

Bởi lẽ trong sữa chứa một số chất có thể làm tăng tiết chất nhầy trong mũi, gây tắc mũi và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

2.2. Chăm sóc sức khỏe chủ động cho người bệnh viêm mũi dị ứng bằng chế độ sinh hoạt

  • Cách chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả nhất là tránh tiếp xúc và hít phải chất gây dị ứng bằng cách bản thân có chế độ sinh hoạt phù hợp, ví dụ: sử dụng máy lạnh thay vì để cửa sổ mở, việc làm này sẽ giúp bạn tránh tiếp xúc với phấn hoa, khói hoặc bụi.
  • Khi thay đổi thời tiết, điều tiết độ ẩm, ấm, đề phòng viêm đường hô hấp;
  • Chú ý giữ vệ sinh mũi, chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối sinh lý để rửa mũi.
  • Tránh tổn thương niêm mạc mũi bằng việc không ngoáy mũi bằng tay.
  • Ăn uống tránh đồ sống, lạnh, tanh, tránh uống rượu, tránh khói thuốc lá.
  • Tránh stress, các chất kích thích và giảm sử dụng thuốc aspirin.
  • Kiên trì rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
  • Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng ở mũi xoang và vùng răng miệng.

2.3. Một số bài thuốc dân gian giúp chữa viêm mũi dị ứng đơn giản tại nhà

2.3.1. Dùng lá tía tô

Lá tía tô với hàm lượng cao acid rosmarinic được cho là có tác dụng chống dị ứng, chống viêm, đồng thời cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi và ngứa mũi trong viêm mũi dị ứng hiệu quả

Thực hiện:

  • Lá tía tô tươi 1 nắm hãm nước uống hàng ngày. Không dùng cho người bị ra mồ hôi nhiều, huyết áp thấp.
  • Lá tía tô 9g, gừng khô 1 lát (3g). Hãm uống chia 2 lần uống trong ngày.
  • Ngoài ra, có thể dùng tía tô để xông mũi: Dùng 1 nắm tía tô, hương nhu 1 nắm, hoắc hương 1 nắm… đun sôi để xông hơi vùng mũi.

2.3.2. Lá cây húng chanh

Nghiên cứu chỉ ra trong tinh dầu húng chanh có thymol, carvacrol, 1,8-cineole, eugenol… có tính kháng sinh mạnh. Việc áp dụng cách chữa viêm mũi dị ứng bằng lá cây húng chanh giúp giảm hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi và cổ họng.

Thực hiện:

Cách 1:

  • Rửa sạch 1 nắm lá húng chanh
  • Ngâm trong nước muối loãng 10 phút để sạch bụi bẩn và vi khuẩn bám trên lá
  • Vớt ra để ráo
  • Hãm lá húng chanh bằng nước sôi trong 20 phút
  • Uống nước này khi còn ấm 1 – 2 lần/ngày.

Cách 2:

  • Rửa sạch 30 gram lá húng chanh
  • Ngâm lá trong nước muối loãng 10 phút, vớt ra để ráo
  • Đun sôi lá húng chanh với 1 lít nước sạch
  • Xông mũi với nước này. Có thể dùng khăn trùm để tận dụng hơi nóng chứa tinh dầu được tốt hơn. Thực hiện 1 lần/ngày vào buổi tối lúc nghỉ ngơi.

Lưu ý: giữ khoảng cách an toàn khi xông hơi để tránh bị bỏng do hơi nước nóng rất nguy hiểm.

2.2.3. Lá cây ngải cứu

Các hoạt chất trong tinh dầu ngải cứu như dehydro matricaria este, tricosanol, cineol, tetradecatrilin… có công dụng sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau tự nhiên.

Nhờ đó mà việc áp dụng cách chữa viêm mũi dị ứng bằng lá cây ngải cứu có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu: tiêu đờm, giảm nghẹt mũi ngứa họng, đỏ mắt, hắt hơi, đau đầu…

Thực hiệu:

Cách 1:

Nấu nước lá ngải cứu tươi hoặc khô để ngâm chân buổi tối trước khi ngủ. Công dụng giúp kích thích lưu thông máu toàn thân, nhờ đó giảm nghẹt mũi, giúp ngủ ngon, cải thiện thể trạng.

Cách 2:

Kỹ thuật cứu ngải (dùng hơi nóng để điều hòa khí huyết trong kinh lạc)

  • Lá ngải cứu tươi rửa sạch, để ráo
  • Phơi ở nơi râm mát, thoáng gió để lá khô nhưng không bị ảnh hưởng thành phần hoạt chất
  • Vò lá bằng tay cho đến khi tơi hẳn và có thể tách bỏ được phần gân lá
  • Cho lá ngải cứu vào giấy sạch, cuốn lại như hình điếu thuốc
  • Đốt điếu ngải, dùng sức nóng kích thích các huyệt bách hội và tứ thần thông
  • Giữ khoảng cách từ cơ thể đến đầu điếu 2 cm
  • Mỗi huyệt hơ đúng 1 lần từ 2 – 3 phút, khi cảm thấy nóng thì chuyển sang huyệt khác
  • Thực hiện 1 lần/ngày.

2.2.4. Lá lốt

Tinh dầu lá lốt chứa chất kháng sinh, kháng viêm, tác dụng với nhiều bệnh hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen… giúp thông mũi, giảm đau nhức khó chịu.

Thực hiện:

Cách 1:

  • 4 – 5 lá lốt tươi, rửa sạch, ngâm nước muối loãng 10 phút và vẩy ráo
  • Giã nát, vắt lấy nước cốt
  • Rửa khoang mũi bằng nước muối sinh lý
  • Dùng tăm bông thấm nước lá lốt, nhỏ vào 2 bên mũi 2 – 3 giọt/mỗi bên, 2 lần/ngày.

Cách 2:

  • Rửa sạch một nắm lá lốt tươi, ngâm nước muối loãng 10 phút, để ráo
  • Đun lá lốt với 2 lít nước, khi sôi giảm lửa đun thêm khoảng 10 phút
  • Xông mũi với nước lá lốt 1 lần/ngày buổi tối lúc nghỉ ngơi. Lưu ý khoảng cách để tránh bị bỏng do hơi nước nóng.

2.2.5. Lá cây bạc hà

Tinh dầu bạc hà có tính the mát (nhờ dễ bay hơi), mùi thơm, giảm đau tại chỗ, sát trùng và kháng viêm. Nhờ đó cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, đau ngứa họng, nhức đầu do cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng.

Thực hiện:

Cách 1:

  • Rửa sạch 4 – 5 lá bạc hà
  • Ngâm với nước muối loãng 10 phút, rửa lại với nước sạch và để ráo
  • Hãm lá bạc hà trong 250 ml nước sôi
  • Khi còn ấm có thể cho thêm một ít chanh và mật ong
  • Uống thay trà.

Cách 2:

  • Rửa sạch 1 nắm lá bạc hà, ngâm với nước muối loãng 10 phút, vẩy ráo
  • Đun lá bạc hà với 1 lít nước trên lửa nhỏ đến khi nước sôi
  • Dùng nước này xông mũi 1 – 2 lần/ngày.

Lưu ý: không dùng tinh dầu bạc hà trực tiếp hoặc qua các sản phẩm (như dầu cù là) cho trẻ sơ sinh vì có thể gây nguy hiểm.

2.2.6. Lá cây cỏ hôi

Lá cỏ hôi có tính kháng viêm, tiêu thũng, cầm máu, chống dị ứng nhờ tinh dầu chứa cadinen, geratocromen, demetoxygeratocromen… Nhờ đó giảm phù nề niêm mạc mũi, chảy nước mũi, ngứa cổ họng do viêm mũi dị ứng.

Thực hiện:

  • Rửa sạch 1 nắm lá cỏ hôi, ngâm với nước muối loãng trong 10 phút và vẩy ráo
  • Giã hoặc xay nát, lọc lấy nước cốt
  • Nhỏ nước cốt này vào mũi 4 – 5 lần/ngày.

Lưu ý: Tránh nhầm lẫn cây cỏ hôi với cây hy thiêm và cỏ thiên thảo.

2.2.7. Sử dụng mật ong

Mật ong không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, làm lành tổn thương do viêm nhiễm. Do đó, mật ong giúp làm giảm hiện tượng sưng viêm ở niêm mạc mũi và ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm rất hiệu quả.

Thực hiện:

  • Thêm 1 – 2 thìa mật ong vào ly nước ấm, khuấy đều rồi uống.
  • Uống nước mật ong ấm vào mỗi buổi sáng không chỉ cải thiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng mà còn giúp thanh lọc cơ thể, thúc đẩy hoạt động của đường tiêu hóa.

2.2.8. Trị viêm mũi dị ứng bằng tỏi

Tỏi có chứa các hoạt chất có tác dụng tăng sức đề kháng, chống viêm, kháng khuẩn tự nhiên. Do đó, sử dụng tỏi hằng ngày giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng, giúp đào thải chất nhầy trong mũi, thông thoáng đường thở.

Thực hiện:

Cách 1: Kết hợp tỏi và mật ong

  • Chuẩn bị 3 thìa mật ong, 2 nhánh tỏi tươi sau đó bóc vỏ và đập dập, trộn đều với mật ong.
  • Dùng bông ngoáy tai thấm dung dịch rồi bôi trong mũi, để khoảng 2 – 5 phút rồi rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý.
  • Duy trì đều đặn mỗi ngày 2 lần.

Cách 2: Sử dụng tỏi và dầu vừng

  • Chuẩn bị 1 thìa nước cốt tỏi, 1 thìa dầu vừng, bông y tế. Trộn đều nước cốt tỏi với dầu vừng.
  • Dùng bông thấm dung dịch rồi nhét vào 2 bên mũi. Giữ nguyên 5-10 phút rồi rửa mũi thật sạch bằng nước muối sinh lý.
  • Thực hiện 3 lần/ngày.

2.2.9. Sử dụng gừng

Gừng có tính ấm, chứa nhiều hoạt chất như borneol, geraniol hay linalol,… giúp giảm đau, chống viêm, giảm tắc nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi, đồng thời đẩy nhanh tốc độ tái tạo tổn thương ở vùng niêm mạc mũi bị dị ứng.

Thực hiện:

  • Lấy một vài lát gừng tươi hãm với nước sôi trong 10-15 phút thì lấy ra uống. Có thể thêm một chút mật ong vào để tăng hương vị và hiệu quả chữa bệnh.
  • Uống mỗi ngày 2 – 3 chén nước trà gừng bạn sẽ nhận thấy bệnh cải thiện nhanh chóng được cải thiện.

2.2.10. Cây tầm ma

Theo nhiều nghiên cứu, loại cây này có khả năng ức chế sản sinh histamin, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi,… thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng.

Thực hiện:

  • Bỏ lá tầm ma vào ấm, hãm với 200ml nước đun sôi, đậy nắp khoảng 15 phút.
  • Lọc bỏ bã lá, thêm mật ong vào khuấy đều, uống nước khi còn ấm để phát huy hiệu quả tốt nhất.
  • Mỗi ngày uống 2-3 lần, sau một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy triệu chứng bệnh giảm nhanh chóng.

2.4. Một số biện pháp phòng ngừa giúp bạn chủ động phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xuất hiện nhiều ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp đông đúc và có không khí bị ô nhiễm, ngoài ra còn có rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây bệnh như yếu tố di truyền, do môi trường sống,… Do vậy, để giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng mọi người nên cố gắng hạn chế tiếp xúc với các nguyên nhân kể trên.

Ngoài ra cần chú ý làm một số điều sau để phòng bệnh:

  • Kiểm soát môi trường sống: Đeo khẩu trang, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm.
  • Thường xuyên vệ sinh chăn màn, thảm, nệm ghế,…
  • Vệ sinh mũi hợp lý: Sử dụng nước rửa mũi thường xuyên, thường xuyên đánh răng trước và sau khi ăn, sau khi ngủ dậy.
  • Không tiếp xúc với các loại lông động vật nuôi như chó, mèo vì sẽ làm tăng nguy cơ bị dị ứng.
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc, khói bụi, nước hoa hay các loại hương liệu nặng mùi khác. Nếu bắt buộc phải làm trong môi trường như vậy, cần thường xuyên đeo khẩu trang, mặt nạ hoặc các biện pháp thay thế khác.

Kết luận: Ngoài những những bài thuốc dân gian trên, người bệnh cũng cần kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để phòng và điều trị bệnh viêm mũi dị ứng một cách tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-cach-dieu-tri-viem-mui-di-ung/
  2. https://hellobacsi.com/di-ung/di-ung-mat-mui/7-cach-chua-viem-mui-di-ung-bang-la-cay/
  3. https://medlatec.vn/tin-tuc/viem-xoang-mui-di-ung-kieng-an-gi-va-nen-an-gi-s98-n26627

 

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Dược Sỹ Đỗ Thị Hưởng

Dược sỹ Đại học Đỗ Thị Hưởng có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang kiểm duyệt viên nội dung Hệ thống HKCARE.

Để lại một bình luận